Đáng chú ý nhất: bức tranh Biển chết của họa sĩ Nguyễn Nhân đã bị Hội VHNT Trà Vinh “thu giữ làm tang vật”. Lý do dẫn đến quyết định kỷ luật này là họa sĩ Nguyễn Nhân đã vi phạm bản quyền - tranh của ông Nhân giống với một bức ảnh từng đăng trên báo Thanh Niên ngày 21/4/2016 - người phụ nữ đội nón lá, nhặt xác cá trên bờ biển miền Trung.
Bức tranh Biển chết đang khiến họa sĩ Nguyễn Nhân khổ sở vì quyết định của Hội VHNT Trà Vinh |
Trả lời phóng viên báo Phụ Nữ TP, họa sĩ Nguyễn Nhân cũng thừa nhận điều này, khẳng định tấm ảnh trên báo (tờ báo khi đó dùng để gói đồ, nhàu nát, ông tình cờ nhặt được) đã tạo cảm hứng cho ông thực hiện tác phẩm Biển chết - thêm hình ảnh cô gái trên biển và trăng trên cao.
Chiếu theo Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi của Nguyễn Nhân là làm tác phẩm phái sinh (tranh) dựa trên tác phẩm gốc (ảnh chụp) và điều đó đã vi phạm quyền nhân thân của tác giả bức ảnh và quyền tài sản của tòa soạn báo Thanh Niên. Dù theo lời ông Nhân, ông đã từng hai lần lặn lội đến tận tòa soạn Thanh Niên, xin gặp tác giả Thành Quang để xin phép nhưng không gặp được.
Tuy nhiên, trong trường hợp này thì việc xử lý vi phạm bản quyền cũng không thuộc về Hội VHNT Trà Vinh mà là chuyện của cơ quan chức năng chuyên về quyền tác giả, của Thanh tra Sở VH-TT. Hội VHNT Trà Vinh có thể xử lý hội viên của mình, có thể xử lý các vấn đề trong phạm vi cuộc thi do mình tổ chức, nhưng giẫm đạp lên chức năng và nhiệm vụ của cơ quan hành pháp là lạm quyền.
Ở một góc độ khác, bức tranh Biển chết là tài sản của họa sĩ Nguyễn Nhân. Kể cả khi khẳng định Nguyễn Nhân vi phạm bản quyền ảnh của Thành Quang (đến nay tác giả Thành Quang vẫn chưa hề lên tiếng) và bức Biển chết là tang vật thì Hội VHNT Trà Vinh cũng không có chức năng thu giữ phương tiện hay tang vật. Ai đã trao quyền cho Hội VHNT Trà Vinh làm thay nhiệm vụ của cơ quan nhà nước?
Bức ảnh gốc của tác giả Thành Quang |
Còn nhớ, trong cuộc thi "Bút ký đồng bằng sông Cửu Long" lần III của Hội VHNT Bạc Liêu, bài thơ Trăng nghẹn của lão nông làm thơ Hoài Tường Phong (Cần Thơ) đã bị từ chối giải Nhất vào phút cuối với lý do không thể tưởng tượng “trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chứ không thể nào nghẹn được”.
Vì không thể thuyết phục Hoài Tường Phong tự rút khỏi giải, ban tổ chức cuộc thi viết đã không ngần ngại tước giải của ông. Gần đây, lệnh “cấm” hơn 300 ca khúc của Sở VH-TT-DL Tiền Giang cũng khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ, buộc các cơ quan cấp trên phải can thiệp, khẩn cấp yêu cầu Tiền Giang thu hồi văn bản cấm.
Kiểu hành xử vô pháp vô thiên của các cơ quan chức năng địa phương, của các Hội VHNT đã không ít lần bị dư luận phản ứng nhưng dường như đến nay vẫn không hề thuyên giảm. Không dám kết luận chuyện bè phái, tranh quyền, bòn rút kinh phí đầu tư sáng tạo… như những gì giới văn nghệ sĩ vẫn râm ran, nhưng rõ ràng là tại nhiều hội VHNT địa phương đang tồn tại cách hành xử vô cùng phản văn hóa của những con người làm văn hóa và giữa những văn nghệ sĩ với nhau. Đương nhiên, hành xử đó không thể thuyết phục được chính nghệ sĩ và cả công chúng.