Thời tiết giao mùa thu - đông: Nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh

Hanoimoi| 02/11/2019 19:44

Thời tiết giao mùa thu - đông, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, kèm theo những cơn gió lạnh, khiến cơ thể con người không kịp thích nghi. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Để phòng, chống dịch bệnh lúc giao mùa, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương, việc mỗi người chủ động bảo vệ sức khỏe cũng rất quan trọng.

Thời tiết giao mùa thu - đông: Nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh
Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Đống Đa ra quân tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa).Ảnh: Ngọc Anh

Bệnh chồng thêm... bệnh

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, những ngày qua, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Thanh Nhàn) đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào,  Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nếu như vào thời điểm tháng 7 và tháng 8-2019, bệnh viện chỉ tiếp nhận rải rác bệnh nhân sốt xuất huyết, thì đến cuối tháng 9 và trong tháng 10, số lượng bệnh nhân tăng gấp đôi, có lúc lên đến 10-15 ca/ngày. Hiện tại, khoa đang điều trị cho khoảng 25 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào giải thích, hiện là thời điểm giao mùa, đêm và sáng sớm se lạnh, nhưng ban ngày vẫn nắng ấm, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và gây bệnh.

Cùng với sốt xuất huyết, số bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng gia tăng. Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho 20 bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào lưu ý, thời điểm này dịch bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành rất rộng, nên những người có sẵn bệnh nền cần đề phòng nguy cơ bệnh chồng thêm bệnh. "Có những trường hợp người cao tuổi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nên khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết, như: Sốt cao, đau nhức người, buồn nôn…, lại nghĩ do bệnh cũ tái phát, chủ quan không đi khám. Đến khi bệnh nhân xuất hiện những cảnh báo nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết (xuất huyết dưới da, mẩn đỏ toàn thân, chảy máu mũi, chảy máu chân răng), thì mới đến bệnh viện kiểm tra", bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào nói.

Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, từ đầu tháng 10-2019 đến nay, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã gia tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng của bệnh viện, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Thậm chí, có gia đình cả 5 người cùng mắc sốt xuất huyết. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, số ca mắc sốt xuất huyết tuy chưa bằng năm 2017, song cũng là điều đáng báo động. Các bệnh nhân nhập viện có nhiều mức độ khác nhau, như không có dấu hiệu cảnh báo, có dấu hiệu cảnh báo và bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. “Với trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, thì cần nhập viện điều trị và theo dõi để xử lý kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Kim Thư lưu ý.

Thời tiết giao mùa như hiện nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng các bệnh về hô hấp. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ tới khám và nhập viện, trong đó có từ 30% đến 40% mắc các bệnh về hô hấp. Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, hiện nay, nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Khi sự biến đổi nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu. Bên cạnh đó, các vi rút gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền nhanh hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm và đường hô hấp là nơi nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập. Do đó, các triệu chứng như ho và ngứa họng rất phổ biến.

Giao mùa cũng là thời điểm bệnh nhân mắc các bệnh về tai mũi họng tăng lên, nhất là bệnh nhân có cơ địa dị ứng. Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, hiện trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám khoảng 1.000 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân mắc các bệnh viêm mũi, xoang chiếm khoảng 30%…

Tự trang bị kiến thức phòng bệnh

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện có một số bệnh có nguy cơ xâm nhập, bùng phát, nhất là dịch mới nổi và dịch bệnh giao mùa thu - đông. Do vậy, người dân không nên chủ quan với bất kỳ loại bệnh nào, kể cả bệnh cúm thường - căn bệnh rất dễ mắc trong giai đoạn chuyển mùa cũng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Để tránh lây nhiễm chéo, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tập trung nguồn lực điều trị bệnh nhân, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, khám sàng lọc phân loại, tổ chức phân tuyến điều trị. Cùng với sự vào cuộc của ngành Y tế, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra ở thời điểm này để chủ động phòng ngừa...

Thời tiết giao mùa thu - đông: Nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hoàng Mai. Ảnh: Trang Thu

Với bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn khuyến cáo, việc phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Đối với phụ nữ có thai, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính bị sốt xuất huyết cần đến ngay bệnh viện để được theo dõi, điều trị. Còn với những trường hợp sốt xuất huyết trên những người khỏe mạnh, có thể theo dõi bệnh tại nhà, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và uống bù nước đầy đủ. Người bệnh sốt xuất huyết chỉ nên dùng thuốc paracetamol để hạ sốt với liều từ 10mg đến 15mg/kg cân nặng và không quá 60mg/kg cân nặng trong một ngày. 

Đặc biệt đối với trẻ - đối tượng dễ lây nhiễm bệnh, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, điều quan trọng đầu tiên để phòng bệnh là các bậc phụ huynh phải tiêm chủng cho trẻ đầy đủ. Tiếp đến, phải giữ vệ sinh cho trẻ, tắm rửa bằng nước ấm thường xuyên để loại trừ các tác nhân gây dị ứng hoặc nguồn bệnh do cầm nắm đồ chơi bẩn hay tiếp xúc với các nguồn lây bệnh khác. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm giàu vitamin C, kẽm, đủ dinh dưỡng để có sức đề kháng tốt với mọi loại bệnh tật. Còn khi trẻ mắc cảm, cúm, viêm đường hô hấp, cha mẹ tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn và tự ý đổi loại kháng sinh hoặc tăng liều sử dụng. Những sai lầm này, có thể khiến vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc và sẽ rất khó khăn để điều trị các nhiễm trùng cho trẻ lần sau.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm: Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch “Lửa từ Đất”
    Sáng 23/5 tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch Lửa từ Đất”. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ và giới chuyên môn, cùng trao đổi về vai trò và sức mạnh biểu đạt của múa đương đại trong một tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử - chính trị.
  • Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Người kết nối giá trị văn hóa và thẩm mỹ trong đời sống đương đại
    Với họa sĩ Đặng Thị Khuê, nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn là hành trình trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Gần như cả cuộc đời, bà lặng lẽ theo đuổi một “nghĩa vụ tự thân” - kết nối di sản với đời sống đương đại thông qua tác phẩm cá nhân và các hoạt động cộng đồng. Là một trong những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Việt Nam nhưng thay vì chạy theo xu hướng, bà chọn lối đi ngược dòng: quay về với mỹ cảm bản địa. Chính lựa chọn khác biệt ấy đã tạo nên một Đặng Thị Khuê độc đáo, không hòa lẫn trong đời sống nghệ thuật.
  • Vở kịch “Ngược chiều bình an” khắc họa chân thực hình ảnh người lính cứu hỏa
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), Công an thành phố Hà Nội; Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức công diễn và giới thiệu vở kịch “Ngược chiều bình an”.
  • Hà Nội bổ sung diện tích rào chắn phục vụ thi công trên đường Kim Mã
    Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ bổ sung khu vực rào chắn để thi công gia cố nền đất tại khu vực giếng đứng trên đường Kim Mã để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp (khu vực ngã tư nút giao Kim Mã - Núi Trúc) trong quá trình thi công khoan hầm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
  • Huyện Thường Tín đề xuất 4 trụ sở xã mới sau sắp xếp, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương lớn của Đảng
    Thông tin UBND huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) vừa cho biết, địa phương đã có đề xuất với UBND Thành phố Hà Nội về việc đặt trung tâm hành chính - chính trị, trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội của 4 xã mới được thành lập sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.
Đừng bỏ lỡ
Thời tiết giao mùa thu - đông: Nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO