Trong tiến trình phát triển của nền văn học, thơ ca luôn đóng một vai trò quan trọng. Tùy vào từng giai đoạn lịch sử khác nhau mà thi ca theo đó cũng có sự phát triển khác nhau. Tuy lúc thịnh, lúc suy nhưng nhìn chung thời nào cũng có những tác phẩm thi ca để đời, có những tác giả sống mãi với thời gian.
Lực lượng sáng tác trẻ Thủ đô ngày một đông đảo.
Trong tiến trình phát triển của nền văn học, thơ ca luôn đóng một vai trò quan trọng. Tùy vào từng giai đoạn lịch sử khác nhau mà thi ca theo đó cũng có sự phát triển khác nhau. Tuy lúc thịnh, lúc suy nhưng nhìn chung thời nào cũng có những tác phẩm thi ca để đời, có những tác giả sống mãi với thời gian. Trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam đương đại, thơ Hà Nội mà cụ thể ở đây là thơ trẻ Hà Nội cũng góp mặt không ít những tác giả và tác phẩm tiêu biểu làm nên một diện mạo mới của nền thơ ca Việt Nam đa dạng, phong phú và nhiều hi vọng.
Qua khảo sát của chúng tôi về số tác giả sinh từ 1980 trở về sau, sáng tác thể loại thơ đã có tác phẩm in thành sách và đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi thơ trong nước Hà Nội vẫn xếp top đầu. Trong đó phải kể đến những cái tên quen thuộc như: Vi Thùy Linh, Đào Quốc Minh, Trần Hoàng Thiên Kim, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Quang Hưng, Vân Anh, Nguyễn Việt Anh, Lữ Mai, Khúc Hồng Thiện, Lý Hữu Lương, Nguyễn Thị Kim Nhung, Ngô Gia Thiên An… và nhiều tác giả khác mà chúng tôi không thể liệt kê hết được. Ngay tại Hội nghị viết Văn trẻ Hà Nội lần thứ III, số đại biểu chuyên ngành thơ chiếm 50% số đại biểu tham dự. Qua đó để thấy rằng lực lượng sáng tác thơ Thủ đô rất đông đảo. Mỗi người một phong cách, một khuynh hướng sáng tác, tạo nên sự đa dạng phong phú trong vườn thơ Thủ đô.
Việc in ấn, xuất bản truyền thông thơ trong những năm gần đây cũng được các tác giả chú tâm. Nếu như trước đây việc in thơ, xuất bản thơ do Nhà nước, hoặc các hội chuyên ngành hỗ trợ thì các tác phẩm của các tác giả trẻ hôm nay chủ yếu là phải tự mình in lấy. Thị trường thơ ế ẩm. Người đọc không mấy mặn mà với thơ. Vậy nhưng, những người đeo đuổi con đường thơ ca vẫn khẳng định mình qua những ấn phẩm của họ. Một số tập thơ gây được sự chú ý của công chúng như: Phim đôi - Tình tự chậm (Vi Thùy Linh), Những vũ công của memphis (Đào Quốc Minh), Mật thư (Nguyễn Thế Hoàng Linh), Mở mắt rồi mơ (Lữ Mai), Mưa tượng hình (Trần Hoàng Thiên Kim), Thức cùng tưởng tượng (Nguyễn Thị Kim Nhung)…
Sự ra đời của internet, nhất là mạng xã hội đã giúp thơ ca nhanh chóng đến với độc giả hơn. Các nhà thơ có thêm một kênh mới để đăng tải tác phẩm và tương tác với độc giả một cách nhanh chóng, tiện lợi. Cộng đồng người viết kết nối và động viên nhau kịp thời. Tạo ra một không khí văn học sôi nổi. Chưa bao giờ việc truyền tải tác phẩm của mình đến người đọc nhanh chóng như bây giờ. Đó cũng là thế mạnh để các tác giả trẻ có thể vận dụng và quảng bá tác phẩm của mình.
Mặc dù số lượng các nhà thơ không ngừng được bổ sung vào dòng chảy của văn học Thủ đô, các ấn phẩm thơ ngày càng ra đời nhiều hơn, phương thức tiếp cận thơ nhanh hơn nhưng những khó khăn thách thức đối với các nhà thơ, nhất là các tác giả trẻ là vô cùng lớn.
Khó khăn trước nhất đó là nhà thơ không thể sống được bằng thơ. Những tác phẩm thơ ra đời chủ yếu phục vụ nhu cầu giải tỏa cảm xúc cá nhân, phục vụ một sở thích cá nhân chứ không mang lại giá trị kinh tế, thậm chí là còn phải mất tiền để in thơ, mất thời gian để đi tặng người đọc… Điều này chắc chắn tác động đến sự đam mê dấn thân của các nhà thơ, họ không thể toàn tâm toàn ý đeo đuổi thế mạnh và sở thích và năng lực của mình. Nhất là với người trẻ khi đang phải gánh trên vai trách nhiệm với gia đình và xã hội thì việc họ dấn thân với thơ ca trong thời đại này là không thể. Chính vì thế mà các tác phẩm thơ hôm nay vẫn rời rạc, mang tính tổng hợp các sáng tác của một tác giả hơn là chủ ý để khơi ra một chủ đề, một mạch nguồn xuyên suốt cho phong cách sáng tác của mình. Điều đó khiến cho người đọc, giới phê bình, nghiên cứu đỏ mắt đi tìm một tập thơ tròn trịa để gọi ra đích danh phong cách cá nhân của tác giả….
Khó khăn thứ hai đó chính là môi trường sinh hoạt văn chương và các bệ phóng văn chương vẫn chưa thực sự níu kéo được người trẻ tham gia vào guồng chảy của văn học. Về môi trường sinh hoạt văn chương, mặc dù chúng ta có các hoạt động văn học hàng năm do các hội chuyên ngành tổ chức, hoặc các buổi sinh hoạt chuyên đề hàng tháng, hàng quý nhưng số người trẻ tham dự là rất ít. Điều này thiết nghĩ có mấy lý do như sau. Thứ nhất chất lượng của các buổi sinh hoạt vẫn còn mang tính hình thức, nội dung chưa lôi cuốn được người tham dự. Mặt khác là việc thông tin, tuyên truyền để những người viết, đặc biệt là người viết trẻ biết được những sự kiện để tham gia vẫn chưa sâu rộng… Đặc biệt sự bàng quan, thờ ơ của chính các tác giả trẻ đối với cộng đồng, những hội nhóm, những người cùng nghề với mình đã làm cho hoạt động văn học ngày càng đìu hiu. Các tác giả trẻ chủ yếu tự sáng tác, tự công bố, tự buồn, tự vui trong cái tổ của mình mà không có sự gắn kết, tạo ra những luồng sóng, để dư luận chú ý. Chưa cùng đồng cam cộng khổ để tìm được chỗ đứng cho thơ trong thời đại các luồng thông tin giải trí đang bùng nổ này. Các bệ phóng văn chương, như các trang thơ trên các tờ báo gần như đã không còn. Ngoài báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, các tạp chí, báo của các hội địa phương thì các tờ báo lớn đã cắt đất phần thơ. Điều ấy khiến cho việc công bố tác phẩm chính thống, nhất là các tác phẩm của các tác giả trẻ là vô cùng khó khăn. Đó là chưa kể các đơn vị xuất bản nói không với thơ, ngay từ cửa vào tiếp nhận bản thảo. Giải thưởng thơ được trao hàng năm do các hội chuyên ngành, báo tạp chí tổ chức còn rất thấp. Không thu hút được các nhà thơ đầu tư thời gian và tác phẩm để tham gia…
Khó khăn thứ ba mà các tác giả làm thơ hôm nay phải đối mặt đó chính là công chúng yêu thơ đã giảm sút. Nhiều người nhìn thấy thơ còn coi đó như là một chuỗi ký tự lạ. Độc giả đã bị những loại hình giải trí đương thời cuốn vào, từ đó không còn thời gian để đọc sách, ngâm thơ như trước đây. Điều này khiến cho thơ ế ẩm. Thơ mất giá. Và thơ không phát triển được. Ngay đến giới chuyên môn, đồng nghiệp cũng quay lưng với bạn bè mình. Tuy chưa có một cuộc điều tra chính thức nhưng tôi nghĩ rằng, việc đọc hết một tập thơ của nhau giữa chính các nhà thơ thôi cũng là rất hiếm hoi. Trong khi đó thơ quần chúng, thơ câu lạc bộ, thơ hò vè được xuất bản rầm rộ làm cho thị trường thơ nhiễu loạn. Người đọc ớn đến tận cổ bởi vớ phải những tập thơ nôm na, hò vè. Từ đó họ “cạch mặt” với thơ. Sáng tạo ra không có người đọc. Sáng tạo ra không thu hồi được nguồn lợi kinh tế… lâu dần chính các nhà thơ không dám nhận mình đang làm thơ, vì sợ bạn bè nghĩ là ngớ ngẩn….
Khó khăn thứ tư mà các nhà thơ trẻ đang gặp phải đó chính là nội tại bản thân còn nhiều khiếm khuyết. Không phải nhà thơ nào cũng được đi trên một con đường bằng phẳng của văn chương. Đa số họ viết thơ kiểu tay ngang, kiểu cảm xúc bộc phát. Điều này có thể sản sinh ra những tác phẩm phiêu, xuất chúng nhưng để hàm chứa được nội dung, tư tưởng, phong cách nghệ thuật trong đó vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy mà ta đọc một tập thơ của họ có bài rất hay. Nhưng để nhận định cả tập thơ thì lại không phát hiện ra được những điểm nổi trội. Nhiều tác giả tự ru ngủ mình, hoặc nhận được những lời khen xã giao, những cái like mà sớm nhân danh nhà thơ để rồi tác phẩm xanh non và chết yểu. Đa số các tác giả sáng tác thơ hôm nay vẫn quẩn quanh câu chuyện đời tư của mình mà chưa mở rộng biên độ ra xã hội, dấn thân với đề tài thế sự. Có thể họ e ngại. Cũng có thể kinh nghiệm trải nghiệm sống chưa đủ chín để gọi ra những câu thơ. Chính vì vậy mà tác phẩm của họ vẫn chỉ là nỗi buồn cỏn con, tủn mủn… Ngoài ra còn một loạt khó khăn khác đi kèm như việc phê bình thơ hôm nay rất hiếm. Sự tiếp cận, học hỏi các tiền bối đi trước khó khăn hơn trước đây…
Mặc dù thách thức là vậy, nhưng những ai đã trót bước chân vào con đường thi ca thì khó mà đoạn tuyệt hoặc bước ra được cái nghiệp trời đày ấy. Vậy nên, chúng ta những nhà thơ trẻ hôm nay cần phải có một cái nhìn thấu đáo về hành trình mình đang đi, soi xét lại những sáng tác của mình, nhận thức vai trò của thơ với đời sống xã hội để cùng nhau tiếp nối mạch nguồn thơ ca. Hơn bốn nghìn năm Thăng Long - Hà Nội chưa bao giờ vắng bóng những nhà thơ. Thơ vẫn là thể loại phát triển bền bỉ và lâu đời nhất trong nền văn học Việt Nam từ trước đến nay.