Thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Những phát hiện mới

Hanoimoi| 08/09/2022 08:12

Nhân kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm mất của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” của Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch được Viện Nhân học văn hóa (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) và Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã được tái bản.

Với nhiều sửa chữa, bổ sung và phát hiện mới, cuốn sách là một công trình khoa học hoàn chỉnh về nữ sĩ bậc nhất của thơ Nôm Việt Nam.
Thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Những phát hiện mới
Cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” của Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch mới tái bản.

Từ hơn hai thế kỷ nay, thơ Nôm của Hồ Xuân Hương đã trở nên rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam. Lời thơ dân dã và trào lộng của bà đã làm nguôi đi nỗi vất vả của những người dân quê. Rồi từ cơ sở những bài thơ được truyền bá rộng trong dân gian, có bài được ra đời và gán cho bà là tác giả. Thơ của bà đã nhiều lần được khắc ván in ở Huế (bản kinh), in ở phố Hàng Gai, Hà Nội (bản phường), nhưng để nhận diện chính xác một số bài thơ có phải của bà hay không trong lượng sách đã in gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch, được sự hướng dẫn của các giáo sư bậc thầy, đã tự nguyện dấn thân vào “ma trận” này.

Hơn nửa thế kỷ miệt mài tìm kiếm, đối chiếu, nghiên cứu, bằng cách “nhận diện thơ Nôm Hồ Xuân Hương trực tiếp từ các văn bản chữ Nôm”, ông đã loại trừ được một số bài thơ vốn không rõ xuất xứ mà các bản in quốc ngữ đã ghi nhận một cách tùy tiện. Đồng thời, ông không tiếp nhận một cách xô bồ những bài có dấu hiệu tồn nghi về văn bản học như các bài: “Đánh đu” (vốn được chép trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”), “Bà Đanh” (vốn được ghi ở văn bản “Sự tích ông Trạng Quỳnh”), “Đồng tiền hoẻn” (vốn là thơ của Yên Đổ)…

Cùng với việc khảo cứu văn bản kỹ lưỡng, Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch còn đề xuất được những tiêu chí lựa chọn thơ Nôm Hồ Xuân Hương một cách có cơ sở khoa học thẩm mỹ thỏa đáng, nhờ đó đã loại trừ được những bài tục nhảm, có phần chắc chắn là thơ giả mạo, trong hệ thống thơ Nôm của bà, như bài “Ông cử võ”…

Năm 2007, Nhà Xuất bản Văn học xuất bản cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” của Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch. Sách in 82 bài thơ. Ở cuối mỗi bài thơ, tác giả đều có “Khảo dị” và “Chú thích” kỹ lưỡng với đầy đủ các cứ liệu khoa học đáng tin cậy. Việc này góp phần vào quá trình nghiên cứu lịch sử văn bản, cung cấp cho độc giả những tư liệu cần thiết để soi sáng nội dung tác phẩm. 

Là chuyên gia hàng đầu về chữ Nôm, Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch vẫn tiếp tục nghiên cứu về cuộc đời và thơ Hồ Xuân Hương. Năm 2022, nhân Kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm mất của Bà Chúa thơ Nôm, cuốn sách “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” được tái bản, dày 311 trang, có tranh bìa của họa sĩ Lê Lam, với nhiều bổ sung.

Dẫu đã ở tuổi gần 90 nhưng qua cuốn sách lần này, người đọc vẫn thấy ở Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch một sự lao động miệt mài, suy nghĩ mạch lạc, đầy ắp những kiến thức. Lâu nay, các nhà nghiên cứu đều xếp Hồ Xuân Hương là tác gia đời Lê, trong lần xuất bản này, Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch đã tìm ra cứ liệu xếp Hồ Xuân Hương là tác gia đầu đời Nguyễn: “Cô Hồ Xuân Hương có tiếng hay Nôm, đời Minh Mệnh (1820-1840) có tập thơ Hồ Xuân Hương…”. Đặc biệt, theo phương pháp văn bản học, ông tiếp tục loại trừ những bài không phải thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Ông chú thích nhiều địa danh ở Hà Nội, như hồ Trúc Bạch, Nhĩ Hà, Khán Đài… Ở mỗi chú thích, người đọc tìm được nhiều tư liệu quý bổ sung cho việc tìm hiểu lịch sử Thủ đô.

Ở cuối sách, ông bổ sung 20 bài thơ của Hồ Xuân Hương trong tập “Lưu hương ký”. Đây là tập thơ ông từng tham gia dịch thuật từ năm 1960. Qua những bài thơ mà Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch cho là tuyệt hay này, người đọc thấy hé lộ quan hệ giữa Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du…, thấy rõ mảng thơ trữ tình, phản ánh thân phận người phụ nữ của bà.

“Cuốn sách “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” của Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Thu Hoạch là kết quả hơn 50 năm ấp ủ, nghiền ngẫm. Cuốn sách là một công trình khoa học hoàn chỉnh đầy đủ, chuẩn đúng nhất về văn bản, dịch nghĩa, dịch thơ, khảo cứu, chú giải, chú thích chữ Nôm đáp ứng lòng ái mộ của tất cả bạn đọc yêu quý những bài thơ bất hủ của nữ sĩ bậc nhất của thơ Nôm Việt Nam” (lược trích “Lời giới thiệu”).

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm: Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch “Lửa từ Đất”
    Sáng 23/5 tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch Lửa từ Đất”. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ và giới chuyên môn, cùng trao đổi về vai trò và sức mạnh biểu đạt của múa đương đại trong một tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử - chính trị.
  • Họa sĩ Đặng Thị Khuê: Người kết nối giá trị văn hóa và thẩm mỹ trong đời sống đương đại
    Với họa sĩ Đặng Thị Khuê, nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn là hành trình trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Gần như cả cuộc đời, bà lặng lẽ theo đuổi một “nghĩa vụ tự thân” - kết nối di sản với đời sống đương đại thông qua tác phẩm cá nhân và các hoạt động cộng đồng. Là một trong những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Việt Nam nhưng thay vì chạy theo xu hướng, bà chọn lối đi ngược dòng: quay về với mỹ cảm bản địa. Chính lựa chọn khác biệt ấy đã tạo nên một Đặng Thị Khuê độc đáo, không hòa lẫn trong đời sống nghệ thuật.
  • Vở kịch “Ngược chiều bình an” khắc họa chân thực hình ảnh người lính cứu hỏa
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025), Công an thành phố Hà Nội; Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức công diễn và giới thiệu vở kịch “Ngược chiều bình an”.
  • Hà Nội bổ sung diện tích rào chắn phục vụ thi công trên đường Kim Mã
    Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ bổ sung khu vực rào chắn để thi công gia cố nền đất tại khu vực giếng đứng trên đường Kim Mã để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp (khu vực ngã tư nút giao Kim Mã - Núi Trúc) trong quá trình thi công khoan hầm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.
  • Huyện Thường Tín đề xuất 4 trụ sở xã mới sau sắp xếp, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương lớn của Đảng
    Thông tin UBND huyện Thường Tín (TP. Hà Nội) vừa cho biết, địa phương đã có đề xuất với UBND Thành phố Hà Nội về việc đặt trung tâm hành chính - chính trị, trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội của 4 xã mới được thành lập sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.
Đừng bỏ lỡ
Thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Những phát hiện mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO