Thi sĩ Tản Đà và bài thơ Thề non nước

Trần Hành| 19/09/2017 09:28

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1889, ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây cũ, nay thuộc Thành phố Hà Nội. Bút danh Tản Đà được nhà thơ ghép chữ từ địa danh núi Tản, sông Đà, quê hương ông. Tản Đã được sinh trưởng trong một gia đình quan lại phong kiến, bố là Nguyễn Danh Kế làm quan đến chức Án sát, mẹ là một đào hát hay và làm thơ giỏi. Là thi sĩ nổi danh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ông như cái gạch nối giữa hai thế kỷ, hai nền văn học.

Thi sĩ Tản Đà và bài thơ Thề non nước
Thi sĩ Tản Đà

Cuộc đời riêng của Tản Đà khá lận đận và có nhiều nỗi buồn, đau. Từ khi người anh cả Nguyễn Tài Tích là phó bảng và đốc học mất, gia cảnh nhà ông trở nên túng thiếu. Thời kỳ ở Hà Đông ông lại bị viên Tổng đốc thù ghét, phải chuyển ra Hà Nội, mở lớp dạy học kiêm cả xem lý số Hà Lạc nên cuộc sống trở nên nghèo đói, không đủ ăn, không có tiền trả thuê nhà, bị chủ nhà tịch thu đồ đạc đuổi đi. Tết đến, ông phải kêu lên: “Ôi! Trời! Ôi đất! Ôi! là Tết!/ Tháng cận năm cùng, gạo cũng hết” (Than Tết). Cái buồn  hơn nữa là ba lần ông bị hỏng thi hai lần thi Hương năm 1909 và 1912, một lần thi Hậu bổ). Một lần hỏng thi đã đủ buồn như nhà thơ Tú Xương thổ lộ: “Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”. Thế mà Tản Đà hỏng những ba lần! Cái buồn tích tụ trở thành nỗi đau và chán đời khi người yêu Đỗ Thị thấy ông hỏng thi, ruồng bỏ và đi lấy chồng khác. Thực tế quá phũ phàng và cay đắng cộng với nỗi đau mất nước và sau này là sự thất bại trong nghề báo đã ảnh hưởng không nhỏ đến các sáng tác của ông.

Để tìm sự thanh thản Tản Đà đã rủ bạn là Bạch Thái Bưởi lên chùa chơi, làm thơ rồi ông đi du ngoạn khá nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung, vào cả Nam Bộ. Ở Huế, ông đã tìm gặp nhà chí sĩ Phan Bội Châu.Tháng hai năm 1928, từ Sài Gòn trở về Bắc, ông ghé thăm mộ anh hùng Nguyễn Huệ ở Phú Phong làm náo động các quan lại ở đây.  Các buổi du ngoạn cũng giúp ông nhập thế một cách tích cực.

Thi sĩ Tản Đà và bài thơ Thề non nước

Xuất thân là một nhà nho, Tản Đà đọc khá nhiều sách về tân thư, sách Âu Tây dịch sang tiếng Trung Quốc và chữ Hán, đọc các báo chí mới của Trung Quốc. Ông viết báo, làm chủ bút báo, viết sách, làm thơ, những mong góp ý, xây đời. Nghề viết đã trở thành phương tiện kiếm sống chủ yếu, ông viết khỏe với một khối lượng sáng tác lớn, viết truyện ngắn, tiểu thuyết: Giấc mộng con I (1917), Thề non nước (1920), Trần ai tri kỷ (1924), Giấc mộng  lớn (1928) Giấc mộng con II (1932)..., viết sách giáo khoa, Lên  sáu, Lên tám..., dịch thuật: Đại học, Đường thi..., viết tuồng chèo..., các tập thơ Khối tình con I và II  lần lượt ra đời.

Văn ông viết rất hay, rất sắc  sảo, giàu trí tưởng tượng, ông chưa đi ra nước ngoài nhưng tả những cảnh đẹp nước ngoài rất sống động như chính mình đã tới. Đông Dương tạp chí đã mở riêng một mục “Tản Đà văn tập” chuyên đăng tải văn của ông mà bạn đọc rất ưa thích, cảm thấy một sự mới lạ. Các nhà văn có tiếng như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Triệu Luật... cũng tự nhận mình chịu ảnh hưởng của Tản Đà.

Về thơ, sáng tác của ông cũng đa dạng về thể loại và đề tài: Đường luật, ca trù, thơ lục bát, thơ tự do... Ông có thơ buồn, thơ say, thơ tình, thơ thế sự... và đặc biệt thơ ngông thể hiện một phong cách phóng khoáng, giàu trí tưởng tượng để giãi bày tâm sự, ước mơ (Hầu giời, Còn chơi...). Với bài thơ “Tống biệt” ông đã thổi một làn gió mới, cách tân vào thi ca, ông nói rõ ý định này trong bài “Thơ mới”: “Nếu không phá cách điệu luật/ Khó cho thiên hạ đến bao giờ”. Hoài Thanh trong buổi họp hội Tao đàn, trước đông đảo các thi nhân những năm 1930 của thế kỷ trước, đã đọc bản “Cung chiêu anh hồn Tản Đà”, trong đó nói: “Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa... Có tiên sinh người ta sẽ thấy rõ chúng tôi không phải là những quái thai của thời đại” *. Như vậy ta đủ thấy cái vị trí, uy tín của Tản Đà. 

“Sáng tác của Tản Đà vừa “đậm chất trữ tình, vừa hài hước, vừa đại chúng, vừa có ý vị hiện thực, lại vừa bàng bạc một màu sắc lãng mạn**,  có những bài còn bàng bạc một tình yêu đối với non sông đất nước. Ta hãy thưởng thức bài thơ “Thề non nước”* dưới đây, một trong những bài thơ hay nhất của Tản Đà, một tuyệt bút!

Bài thơ có 22 câu, là một bài thơ tình, theo thể lục bát, vịnh một bức tranh sơn thủy có ba chữ nôm “Thề non nước” giữa khách làng chơi và cô đào hát Vân Anh, chủ nhân bức tranh, một gia bảo của nhà cô, muốn nhờ khách đề bài thơ. Thế rồi hai người cùng làm.

Sáu câu đầu là của khách: 
Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi không về cùng non
Nhớ lời “nguyện nước thề non”
Nước đi chưa lại non còn đứng không


Bức tranh trông thì không có nước, “nước đi, đi mãi không về cùng non”, chỉ có một rặng núi nên khách bảo phải lấy non là chính, non ở đây có ẩn ý là một cô gái. Dưới rặng núi là một ngàn dâu được khách giải thích  là hiện tượng của tang thương nên lại phải coi như có sông, có nước, chỉ có điều “nước đi chưa lại” mà thôi. Những điệp từ “nước non” nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, cứ như những sợi tơ tình vấn vương, nước vẫn nhớ lời “Nguyện nước thề non”.

Khách đã tạo ra một tình huống chia ly có hội ngộ làm đầu câu chuyện.

Mười câu tiếp theo là của cô đào Vân Anh. Cô biết chữ Hán, giỏi cả thơ chữ Hán và chữ quốc âm:

Non cao những ngóng cùng trông
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời Tây chiếu bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa


Tản Đà đã dùng những hình ảnh rất đắt, để nói về cuộc chia ly và nỗi buồn của non (cô gái). Cặp từ “những... cùng” (những ngóng cùng trông) cho thấy cuộc chia ly khá dài. Một loạt hình ảnh khá tập trung để diễn tả nỗi buồn dẫn đến thân nàng tiều tụy: “Suối tuôn dòng lệ” (có bản ghi suối khô), nàng đã khóc nhiều, “xương mai”, vóc dáng đã gầy mà gầy lắm (một nắm), cũng là vịnh cảnh trên núi có cây mai già. Làn tóc trước đây đẹp, mềm mại như mây vờn (tóc mây) nay đã “đầy tuyết sương”, bạc trắng, cũng là vịnh cảnh sương tuyết đọng trên núi của bức tranh. Rồi những cái gì là “vẻ ngọc”, “nét vàng” của người con gái cũng “phôi pha” nốt. Thật là buồn! Trời cũng phải chiếu bóng tà dương xuống “Trời Tây chiếu bóng tà dương” (có bản ghi là ngả bóng...) và đúng là: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều). Ở đây ta cũng thấy nghệ thuật vừa vịnh cảnh, vừa tả người tài tình của tác giả.

Sự đối lập giữa hoàn cảnh cô đơn, tiều tụy của non với sự trung thành lời thề, dù ở mức độ nào cũng không lay chuyển được lời thề sắt son của non (cô  gái):


Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa


Điệp từ “còn” láy lại đến ba lần trong một câu lại nhấn mạnh sự sắt son đó.

Khách lại nối sáu câu tiếp theo nhắc lai lời thề như một sự cam kết và động viên của nước:  “Nước đi ra bể lại mưa về nguồn” rồi “Bảo cho non chớ có buồn làm chi”, rằng “non thì cứ vui”.


Cô đào Vân Anh kết thúc bài thơ bằng hai câu ngắn gọn nhưng súc tích:


Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non nước nước không nguôi lời thề


Mỗi từ non và nước ở câu cuối bài, được nhắc lại hai lần thành: “non non nước nước” đặt liền kề sát nhau thành một cặp trong một dòng để cùng nhau: “không nguôi lời thề”.


Toàn bài thơ có 22 câu lục bát với nhiều biện pháp tu từ được sử dụng: ẩn dụ, nhân hóa và đặc biệt điệp từ “non nước” được nhắc  nhiều lần trong bài, bốn câu đầu, câu trên, câu dưới đều có cặp từ này khiến bài thơ, đọc lên nghe âm vang xoắn xuýt, quấn quýt lấy nhau, vừa êm dịu, vừa mặn mà trữ tình.


Tác giả đã khéo thổi hồn vào bức tranh tĩnh lặng trở thành câu chuyện tình sinh động, giàu tính nhân văn.


“Thề non nước” là một bài thơ đa nghĩa. Với nghệ thuật ẩn dụ và nhân hóa, nó không chỉ nói lên mối tình nam nữ thủy chung son sắt mà còn bàng bạc một tình cảm yêu nước thầm kín, thiết tha lúc đất nước còn chưa được độc lập, tự do. Vì vậy, bài thơ đã có tác dụng khích lệ lòng yêu Tổ quốc của dân tộc. Đó là cái biệt tài của tác giả. 


Tản Đà là nhà văn, nhà thơ có tài năng, đã đóng góp to lớn vào nền văn học đầu thế kỷ 20. Là một cây bút phóng khoáng, ông nổi lên như “một hiện tượng  đột xuất”,  “vừa độc đáo”, “vừa dồi dào năng lực sáng tạo”** trong lúc nền văn học của dân tộc còn đang ở giai đoạn đầu của sự cách tân. 


--------------------

* Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh, Hoài Chân NXB Văn học Hà Nội - 1988 - Cung chiêu anh hồn Tản Đà. Bài thơ “ Thề non nước” chép theo cuốn Thi nhân Việt Nam.

** Từ điển Văn học (bộ mới) - mục Tản Đà
(0) Bình luận
  • Xuân vùng cao
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Xuân vùng cao của tác giả Lê Bá Thự.
  • Mùa xuân ở phía anh chờ
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân ở phía anh chờ của tác giả Trần Trọng Giá.
  • Đồi xuân
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Đồi xuân của tác giả Bùi Việt Phương.
  • Ơn mùa
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Ơn mùa của tác giả Ngô Đức Hành.
  • Mưa xuân Hà Nội
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mưa xuân Hà Nội của tác giả Chung Tiến Lực.
  • Sực tỉnh
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Sực tỉnh của tác giả Đỗ Anh Vũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Rắn trong kho tàng văn chương truyền miệng của người Việt
    Theo chu kỳ Thiên can Địa chi của văn hóa phương Đông, năm 2025 là năm Ất Tỵ - năm con rắn. Người xưa xếp rắn đứng thứ ba trong bốn con vật: chim, cá, rắn, voi (“nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng”). Trong con mắt của người xưa, rắn ẩn chứa nhiều huyền bí, ma thuật, bởi thế rắn được coi là linh vật để thờ cúng ở một số nơi. Hình ảnh, đặc điểm con rắn từ xa xưa đã đi vào tâm thức của người Việt qua lời ăn tiếng nói, ca dao tục ngữ, truyền thuyết và những câu chuyện cổ... Nhân dịp đón xuân Ất Tỵ, xin kể đôi lời về loài rắn trong kho tàng văn chương truyền miệng đầy chất liên tưởng và hóm hỉnh của người Việt.
  • Lễ hội Cổ Loa - Hà Nội: Nhân lên truyền thống yêu nước của dân tộc ngày xuân
    Trong rất nhiều lễ hội đầu xuân của Hà Nội thì Lễ hội Cổ Loa (còn gọi là lễ hội “Bát xã hộ nhi”) tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh vẫn giữ được các nghi thức văn hóa truyền thống. Lễ hội này diễn ra trong ngày mùng 5 và 6 tháng Giêng, đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” năm 2021.
  • Năm Tỵ nói chuyện rắn
    Rắn người xưa còn gọi là rồng con, người tuổi rắn cũng gọi là tuổi rồng con. Trong 12 con giáp, rắn xếp hàng Tỵ, đứng thứ 6 trong 12 địa chi. Trong chữ Hán chỉ 12 địa chi ấy, chỉ duy nhất có chữ Tỵ (巳) là mang hình con giáp ấy tức là con rắn.
  • Khu du lịch Nhật Tân - Nơi thiên nhiên hòa quyện cùng con người
    Giữa lòng Hà Nội nhộn nhịp, có một góc nhỏ bình yên, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện trong một bức tranh sống động đó là khu du lịch Nhật Tân. Với thung lũng hoa Hồ Tây rực rỡ sắc màu và bãi đá sông Hồng hoang sơ, khu du lịch Nhật Tân từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người yêu thiên nhiên, nghệ thuật và sự tĩnh lặng giữa cuộc sống hối hả.
  • Trường Sa - Những cung đường xanh mùa xuân
    Có những cung đường, khoảnh khắc gặp một lần dễ quên ngay, nhưng cũng có những cung đường dù đến một lần thôi mà cả đời lại chẳng bao giờ có thể nguôi quên. Như lần cùng tàu kiểm ngư dọc ngang biển Đông chuyển hàng Tết Ất Tỵ ra Trường Sa, được đến hòn đảo vốn đã xanh nay càng thêm xanh khi Tết đến, xuân về; màu xanh của sức sống, của tình người, của niềm tin và hi vọng vẫn âm ỉ cháy mãi trong tim chúng tôi.
Đừng bỏ lỡ
Thi sĩ Tản Đà và bài thơ Thề non nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO