Thăng Long còn đó một cửa ô

Nhipsonghanoi| 11/08/2019 07:51

Ô Quan Chưởng là biểu tượng của kinh thành xưa, không chỉ mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc, mà còn mang ý nghĩa lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Từ cầu Long Biên, qua phố Trần Nhật Duật rẽ vào là thấy ngay cổng Ô Quan Chưởng sừng sững, uy nghi. Với người Hà Nội, Ô Quan Chưởng (Ðông Hà Môn) không chỉ là dấu tích cuối cùng của thành lũy bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa mà còn là một chứng nhân, ghi dấu những biến thiên của lịch sử.
Thăng Long còn đó một cửa ô

Ô Quan Chưởng là dấu tích cuối cùng của tòa thành bao quanh Thăng Long - Hà Nội xưa

Nhìn lại lịch sử, vào thời kỳ vua Lê niên hiệu Cảnh Hưng thứ 10 (1749), chúa Trịnh đã cho đắp thành Đại Đô bao quanh Thăng Long để phòng thủ trước sự nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu. Thành ấy có trổ các cửa ngách để dân ra vào, gọi là các cửa ô, trong đó có Ðông Hà Môn. Năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785), cửa ô này được tu bổ lớn và đến năm Gia Long thứ 3 (1804) thì được xây lại theo quy cách như ta đang thấy ngày nay.

Thăng Long còn đó một cửa ô

Đầu tiên, cổng ô này có tên là Đông Hà Môn. Sau này, người Pháp đặt tên mới là Porte Jean Dupuis (cổng Jean Dupuis), nhưng nhân dân ta gọi đây là Ô Quan Chưởng. Sở dĩ nhân dân ta gọi như vậy là vì năm 1873, khi Jean Dupuis dẫn quân Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất, tại cửa ô này, một viên Chưởng cơ và đội quân do ông chỉ huy đã chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ thành Hà Nội. Người dân thương tiếc ông và các nghĩa sĩ nên đã gọi đây là Ô Quan Chưởng.

Thăng Long còn đó một cửa ô
Ô Quan Chưởng (1906)

Là một cổng ô được mở ra từ bức thành bảo vệ kinh đô nên cấu tạo của Ô Quan Chưởng khác với những cổng thông thường.

Ô Quan Chưởng gồm 2 tầng, được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổng vọng lâu. Cổng có một cửa chính (cao 3m), trên có tháp canh và hai cửa phụ ở hai bên. Tầng 2 có vọng lâu 4 mái uốn cong 4 góc, có lan can bao quanh. Trên tường cửa chính có gắn một tấm bia ghi lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu cấm lính gác nhũng nhiễu dân qua lại cửa ô. Tấm bia này lập năm Tự Đức thứ 34 (1881), trước khi Hoàng Diệu tuẫn tiết theo thành Thăng Long trong đợt Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai.

Thăng Long còn đó một cửa ô

Kháng chiến toàn quốc (1946) bùng nổ, Hà Nội chìm trong khói lửa, nhưng cổng Ô Quan Chưởng gần như không bị phá hoại. Bên thành cổng lỗ chỗ những vết đạn súng trường…

Thăng Long còn đó một cửa ô
Ô Quan Chưởng (1946)

Qua bao thăng trầm, Ô Quan Chưởng vẫn mang một vẻ đẹp mộc mạc và bình yên, mặc cho Hà Nội đang đổi thay từng ngày.

Trân trọng sự hy sinh của tiền nhân, ngày nay chúng ta vẫn dùng tên cửa Ô Quan Chưởng và xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia để bảo vệ. Trước mặt cổng Ô Quan Chưởng là phố Hàng Nâu (xưa bán củ nâu để nhuộm quần áo), nay cũng được đổi tên thành phố Ô Quan Chưởng.

Nhiều người, khi về thăm phố cổ đều muốn đến ngắm cổng Ô Quan Chưởng cổ kính, oai nghiêm và xem đó là nét duyên đặc trưng của Hà Nội. Họa sĩ Việt kiều Văn Dương Thành cũng vậy. Chị đã vẽ Ô Quan Chưởng trong những thời điểm khác nhau: Dưới nắng xuân, dưới trăng thu, dưới mưa phùn…

Thăng Long còn đó một cửa ô
Ô Quan Chưởng trong tranh của họa sĩ Văn Dương Thành

“Dấu vết kinh thành xưa đã phai nhạt nhiều nhưng may mắn vẫn còn một Ô Quan Chưởng cổ kính để hoài niệm. Ngày còn thơ bé, tôi thường đến đây chơi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cửa ô cổ kính vẫn đứng đó, vững chãi, bình thản trước thời gian. Với riêng tôi, một người con xa xứ lâu ngày, giữa bao nhiêu đổi thay của phố phường Hà Nội, sự tồn tại của Ô Quan Chưởng là một điều đáng quý” – chị nói.

Thăng Long còn đó một cửa ô
Mỗi khi qua Ô Quan Chưởng, hầu như ai cũng lắng lòng khi nhớ về bóng dáng xưa của kinh thành. Ảnh Viết Thành

Không như những di tích khác có khu vực khoanh vùng bảo vệ, tại Ô Quan Chưởng, cuộc sống sôi động thường ngày vẫn diễn ra, xe cộ đi lại tấp nập.

Tỏa đi từ cửa ô này là phố Hàng Chiếu, phố Thanh Hà và phố Đào Duy Từ, con phố nào cũng nức tiếng về ẩm thực. Nào là hàng bánh rán, nào là hàng chả rươi, nào là hàng cháo lòng chần…, nhưng đặc biệt phải kể đến hàng bún ốc nguội dân dã đặc trưng của Hà thành. Du khách ngồi thưởng thức ẩm thực ở đây có cái thú là được ngắm cửa ô cổ kính ở một tầm nhìn rất gần, để tha hồ mường tượng về bóng dáng kinh thành xưa...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chuyện người phụ nữ họ Trần cứu chúa Nguyễn trên phá Tam Giang
    Người phụ nữ họ Trần được dân gian kể là người có công cứu chúa Nguyễn Hoàng trên phá Tam Giang và đang được thờ tự ở xã Đan Điền (TP Huế) với tên gọi miếu Bà Tơ.
  • Ra mắt hai ấn phẩm pháp lý phục vụ triển khai sắp xếp đơn vị hành chính
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa phát hành hai ấn phẩm: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2025)” và “Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025”. Đây là những tài liệu có tính thời sự, cung cấp cơ sở pháp lý đầy đủ, chính thống, hỗ trợ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố theo định hướng cải cách bộ máy nhà nước.
  • Chuyện khuyến học ở một dòng họ khoa bảng xứ Đoài
    Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng khắp vùng xứ Đoài xưa và nay, không chỉ bởi nghề đục tượng, làm hoành phi, câu đối cho các di tích mà còn là làng khoa bảng với 8 tiến sĩ, một Sĩ vọng, từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn.
  • Bộ Y tế thu hồi toàn quốc 2 loại kem đánh răng phổ biến trên thị trường
    Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành các quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với 2 sản phẩm kem đánh răng do Công ty TNHH Phát Anh Minh chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
  • Công khai địa chỉ, đường dây nóng tại các điểm phục vụ hành chính công thuộc UBND 126 xã/phường
    Ngày 4/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công (UBND thành phố Hà Nội) ban hành Thông báo số 195/TB-TTPVHCC công khai các điểm phục vụ hành chính công thuộc UBND 126 xã/phường, các chi nhánh thuộc Trung tâm Phục vụ hành chính công và thông tin đường dây nóng hỗ trợ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Thăng Long còn đó một cửa ô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO