Đoàn chúng tôi đến Ba Vì đúng vào dịp huyện đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Đoàn đã được nghe lãnh đạo huyện chia sẻ về những thành tựu đã đạt được của huyện trong thời gian qua đồng thời đã được đi thực tế tại làng chè Ba Trại - một điểm sáng kinh tế của huyện Ba Vì.
Ông Trần Xuân Hà, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và NSND Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cùng các văn nghệ sĩ Thủ đô chụp ảnh lưu niệm trên đồi chè Ba Trại.
Ba Trại là một trong 7 xã miền núi nằm ở phía Tây của huyện Ba Vì, cách trung tâm huyện 15km. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 2.017ha, dân số là 14.800 người với 3.680 hộ. Xã Ba Trại có 7 dân tộc, nhưng chủ yếu là Kinh và Mường trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 30%.
Trước năm 1962, xã Ba Trại có khoảng hơn 200 hộ, có hơn 1000 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mường. Từ năm 1962 - 1966 theo tiếng gọi của Đảng, xã Ba Trại được đón 9 xã của 3 huyện về định cư xây dựng kinh tế mới. Đó là 6 xã của huyện Phúc Thọ, 2 xã của huyện Thạch Thất và 1 xã của huyện Ba Vì.
Trước năm 1975 xã Ba Trại có hơn 4000 nhân khẩu. Từ năm 1975 đến nay, có rất nhiều cán bộ công nhân viên của nông, lâm trường cùng về đây sinh sống và làm việc. Năm 2005 nhân khẩu của tất cả cán bộ công nhân viên nông, lâm trường được bàn giao cho địa phương quản lý. Hiện nay nhân khẩu xã Ba Trại là 14.800 nhân khẩu.
Xã Ba Trại hiện nay có 546 Đảng viên trong đó có 166 đồng chí được tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên, 1 đồng chí được tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Xã có 17 Mẹ Việt Nam anh hùng, 143 liệt sĩ.
Trước đây Ba Trại có 9 thôn, năm 1975 Ba Trại hình thành thêm một khu nông nghiệp. Hiện nay xã Ba Trại có 10 thôn trong đó có 9 làng làm nghề chè và một làng làm lâm nghiệp. Như vậy xã Ba Trại có 10 làng đều là làng nghề.
Bà Bạch Minh Hằng - Bí thư Đảng ủy xã Ba Trại cho biết: “Trước năm 2008 thu nhập bình quân đầu người của xã Ba Trại là 6,2 triệu đồng/1năm. Sau 10 năm tái lập về Hà Nội, đến nay bình quân thu nhập theo đầu người của xã Ba Trại là 38,2 triệu đồng/1năm, tăng hơn 6,3 lần. Toàn xã Ba Trại có 5 trường trung học cơ sở và tiểu học trong đó có 2 trường cấp 3 và trường Dân tộc nội trú của TP. Hà Nội. Xã Ba Trại còn có rất nhiều đơn vị đóng trên địa bàn, đặc biệt là đơn vị K9 – đoàn 285 trực thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Năm 2017, xã Ba Trại là một trong những xã miền núi đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn “Nông thôn mới” với số điểm 96,25 trong đó có 4 tiêu chí đạt điểm tuyệt đối. Đạt được thành tích trên do Chương trình xây dựng nông thôn mới xã Ba Trại đã nhận được sự ủng hộ tích cực của cán bộ, Đảng viên và nhân dân địa phương. Nhân dân đồng thuận tích cực đóng góp công sức và hiến đất để làm đường giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi, bước đầu đã làm thay đổi cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp. Năng lực, trình độ quản lý tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ xã đã được nâng lên một bước. Ban chỉ đạo huyện thường xuyên kiểm tra đôn đốc và hướng dẫn tích cực, giúp đỡ ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã triển khai các nội dung đề án được phê duyệt. Đảng ủy, HĐND, UBND xã và các ban ngành đoàn thể đã tích cực, chủ động, nỗ lực triển khai xây dựng đề án, tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả. Chú trọng ưu tiên đầu tư các dự án như giao thông, thủy lợi nhằm tạo điều kiện phát triển nền kinh tế địa phương. Các dự án triển khai được công khai đến thôn, cụm dân cư và phát trên hệ thống truyền thanh xã đã tạo được sự đồng tình, nhất trí của toàn thể nhân dân…
Như vậy là sau 10 năm tái hợp về Hà Nội, huyện Ba Vì nói chung và xã Ba Trại nói riêng đã có rất nhiều đổi mới. Với sự nỗ lực, quyết tâm và đồng thuận, với tinh thần chủ động sáng tạo, Đảng bộ, nhân dân huyện Ba Vì nói chung và xã Ba Trại nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương, phát triển mạnh mẽ và vững chắc góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp hiện đại hóa Thủ đô.