Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. |
Tận dụng thời cơ và các giải pháp
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Diễn đàn là sự kiện quan trọng, có tầm vóc quốc tế để điểm lại kết quả tăng trưởng năm 2018. Năm 2019, các cơ quan cần tập trung đột phá, tạo chuyển biến trong chính sách để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, bền vững. Để đạt mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cần đánh giá tác động từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tới thu hút đầu tư và khả năng tiếp cận thị trường mới của Việt Nam; kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong bối cảnh công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế; vấn đề kinh tế số và cơ hội cho Việt Nam; tập trung thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, huy động tốt các nguồn lực để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, năm 2019 sẽ là thời điểm Việt Nam thực hiện một số Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP và Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EU, từ đó sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút vốn đầu tư quốc tế cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì ý định đầu tư vào Việt Nam nhưng xuất hiện thêm việc có thể các nước thành viên của các FTA này sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam do được thụ hưởng những ưu đãi, thuận lợi mới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục chính sách mở cửa, nâng cao hiệu quả cải cách và chất lượng môi trường kinh doanh để tăng cường hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình kêu gọi đầu tư cũng gắn liền với việc chủ động sàng lọc, để tiếp nhận những dự án có tiềm năng và đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững của nền kinh tế...
Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, các ngân hàng sẽ tập trung cung cấp vốn, tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn và xu hướng này đang gia tăng qua các năm. Về nguyên tắc, vốn vay sẽ được ưu tiên phục vụ các dự án sản xuất, hỗ trợ các đơn vị tiếp cận công nghệ mới, tham gia xuất khẩu và nhất là hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Song, mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động vươn lên, sáng tạo và thích ứng để phát triển...
Huy động các nguồn lực, tập trung cải cách
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực chuẩn bị của Ban Kinh tế Trung ương cùng các đơn vị liên quan và ý nghĩa của sự kiện năm nay. Thủ tướng ghi nhận những nội dung đã bàn thảo trong hai ngày qua và có ấn tượng mạnh mẽ với cụm từ “nhanh và bền vững”, coi đó là mục tiêu nhất quán, hướng tới của kinh tế Việt Nam. Trong đó, Chính phủ xác định ba trụ cột quan trọng trong chính sách tăng trưởng, gồm kinh tế, xã hội và môi trường như một nguyên tắc “3 trong 1” của sự phát triển. Nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng nhắm tới mục tiêu phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng điểm lại thành tựu kinh tế năm 2018, nhất là kết quả tăng trưởng GDP tăng 7,08%, mức xuất khẩu cao với sự đóng góp tích cực của ngành công nghiệp và nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm chế biến, chế tạo, cũng như các loại nông, lâm, thủy sản.
Năm 2019, Thủ tướng và Chính phủ sẽ chỉ đạo việc đánh giá toàn bộ các khía cạnh trong điều hành kinh tế - xã hội, từ trung ương đến địa phương; trong đó tập trung vào ba khía cạnh, gồm: Tư duy, tiến trình hoạch định chính sách kinh tế 10 năm gần đây; chỉ ra những giá trị kế thừa và bài học kinh nghiệm lớn; tiếp tục việc nhận thức và chỉnh đốn nghiêm túc. Thứ hai là khía cạnh quản trị của Chính phủ, với những mục tiêu như Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính. Thứ ba là Chính phủ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm tạo sức bật mới cho phát triển; trong đó xác định kinh tế số có vai trò động lực...
Thủ tướng nhấn mạnh, cần khẳng định Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng hay tốc độ tăng trưởng. Việt Nam có tiềm năng lớn, có sự quyết tâm tham gia của đồng bào cũng như biết nuôi dưỡng khát vọng trở thành quốc gia tự cường và thịnh vượng...
Năm 2019, Chính phủ sẽ tập trung các vấn đề sau:
Nhất là, giữ ổn định chính trị, xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và vi mô; tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; tạo lợi thế so sánh của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới bất ổn.
Hai là, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, năng lực quản trị để hướng tới tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên; cải cách, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực đầu tư nước ngoài gắn kết hơn với khu vực kinh tế trong nước; củng cố hệ thống tài chính, ngân hàng; khai thông các điểm nghẽn cho phát triển bền vững.
Ba là, tạo ra các bứt phá trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hướng tới chuẩn mực cạnh tranh minh bạch và công bằng trong tiếp cận nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh, ngay từ đầu năm, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh năm 2019, định hướng đến năm 2021.
Bốn là, thúc đẩy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, thực thi quyền bảo vệ tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Năm 2019, Chính phủ sẽ ưu tiên cho đầu tư vào nguồn nhân lực, hạ tầng chất lượng cao; nhất là hạ tầng thông minh và phục vụ việc tận dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 kết hợp cải cách giáo dục.
Năm là, Chính phủ ưu tiên hơn nữa cho đầu tư khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; đầu tư cho hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0...
Sáu là, Chính phủ tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển đều giữa các vùng miền; đào tạo con người Việt Nam đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.