Tạo dựng khung pháp lý đầy đủ cho việc bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU

Nguyễn Hoàng/VNHN| 03/06/2020 16:05

Việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tạo dựng khung pháp lý đầy đủ cho việc bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 45 (đợt 2) diễn ra vào ngày 1/6 vừa qua. 

Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, theo quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định, mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này (Phán quyết EVIPA) và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo Phán quyết đó trên lãnh thổ của mình.

Cụ thể, mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết EVIPA và cho thi hành các nghĩa vụ về tài chính theo phán quyết này tương tự như phán quyết chung thẩm của tòa án Bên đó (Khoản 2). Trong thời gian 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc một thời gian dài hơn theo thỏa thuận giữa hai Bên, việc công nhận và cho thi hành Phán quyết EVIPA có Việt Nam là bị đơn sẽ được thực hiện phù hợp với Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (các Khoản 3 và 4).

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA.

Do vậy, việc trình Quốc hội ban hành văn bản để hướng dẫn áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định là phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và cần thiết cho việc thi hành kịp thời Hiệp định ngay sau khi có hiệu lực, đồng thời bảo đảm tính khả thi, thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật.

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, dự thảo Nghị quyết có 3 Điều. Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; theo đó, Nghị quyết này quy định về cơ chế công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nghĩa vụ về tài chính theo phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư được ban hành theo quy định tại Mục B, Chương 3 của Hiệp định.

Điều 2 quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA. Khoản 1 quy định chung về cơ chế công nhận và cho thi hành Phán quyết EVIPA; theo đó, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành nghĩa vụ về tài chính theo Phán quyết EVIPA như bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và không xem xét lại giá trị pháp lý của Phán quyết này.  Khoản 2 quy định về cơ chế đặc thù áp dụng trong thời gian 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc thời gian dài hơn sau thời gian này đối với Phán quyết EVIPA có bị đơn là Việt Nam. Theo đó, trong thời gian này, Phán quyết EVIPA có bị đơn là Việt Nam được công nhận và cho thi hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Điều 3 quy định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết và trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị quyết. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện Điều 2 của Nghị quyết; Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVIPA, thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam và việc kéo dài thời gian chuyển tiếp nêu tại Điều 2.

Đánh giá tác động của việc ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với các bên tranh chấp, các quy định của Nghị quyết này góp phần thực hiện các quyền của các bên tranh chấp một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Đối với Nhà nước, việc ban hành Nghị quyết không tạo ra một cơ chế mới để nhà đầu tư kiện nhà nước Việt Nam, không tăng rủi ro thua kiện của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 21 nước thành viên EU. Đối với tranh chấp đầu tư phát sinh từ các Hiệp định này, việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài được thực hiện theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (Công ước New York năm 1958). Việt Nam cũng đã tham gia Công ước New York năm 1958 và những nội dung của Công ước này đã được nội luật hóa tại các Chương 35 và 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Do vậy, các quy định nêu trên của Bộ luật Tố tụng dân sự và Công ước New York năm 1958 đã tạo dựng cơ sở pháp lý đầy đủ để Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài theo các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với 21 nước thành viên EU, bao gồm cả nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp phán quyết yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định với những lý do đó, việc ban hành Nghị quyết cũng không làm phát sinh nghĩa vụ mới về tài chính đối với Việt Nam trong trường hợp Việt Nam phải bồi thường thiệt hại do thua kiện.

Bên cạnh đó, đối với hệ thống pháp luật, các quy định của Nghị quyết đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam, không yêu cầu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Trọng tài thương mại...

Việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thảo luận tại phiên họp, ý kiến các thành viên UBTVQH đánh giá cao Chính phủ trong thời gian ngắn đã khẩn trương, nghiên cứu đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA, điều này khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc sớm triển khai các cam kết của EVIPA; đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và các nước thành viên.

Về cơ bản hồ sơ dự thảo Nghị quyết bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến tán thành với việc Nghị quyết này chỉ khẳng định việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn điều khoản công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA mà không phải quy định về một cơ chế mới để thi hành phán quyết.

Đa số ý kiến của UBTVQH thống nhất cho rằng dự thảo Nghị quyết cần xác định nguyên tắc về quyền của Tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật về công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam trong trường hợp bị đơn là Nhà nước Việt Nam, nguyên đơn là nhà đầu tư của EU hoặc nhà đầu tư của các thành viên EU và trường hợp bị đơn là EU hoặc các nước thành viên EU có tài sản tại Việt Nam và nguyên đơn là Nhà nước Việt Nam.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9./.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Trận Điện Biên của âm nhạc Việt
    Ngay từ khi xuất hiện, tân nhạc Việt Nam đã thể hiện rất rõ bản sắc Việt trong giai điệu của mình. Bản sắc được thể hiện qua giai điệu nằm trong điệu thức phương Tây nhưng được viết ra từ tâm hồn Việt và giai điệu tiến hành theo điệu thức phương Đông tràn ngập âm hưởng Việt.
  • Chiến sĩ Điện Biên luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ
    Đại diện Chiến sỹ Điện Biên phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) diễn ra sáng nay ngày 7/5 tại TP Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Đức Cư, khẳng định “là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ”.
  • Trưng bày chuyên đề “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”
    Thông tin từ Ban Quản lý Khu Di tích Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh (quận Ba Đình, TP. Hà Nội), cho biết, trưng bày chuyên đề “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh” vừa khai mạc. Trưng bày diễn ra đến hết tháng 9/2024.
  • Thưởng thức thứ quà đặc biệt của Hà Nội
    Người ta thường nói, Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu, khi những cây hoa sữa mới bắt đầu trổ bông, tỏa hương thơm ngào ngạt, khi cái lạnh chỉ mới chớm, chạm nhẹ vào vạn vật xung quanh. Còn mùa đông Hà Nội thật đặc sắc. Từng con phố trải dài với hai hàng cây bên đường trơ trụi lá, thân gầy guộc, nghiêng nghiêng hứng gió đông. Những cơn gió lạnh rít qua khe cửa, tay lạnh cóng run run. Lúc đó dừng chân xuống vỉa hè với bát chè xanh nóng hổi và thơm ngất, nhấp từng ngụm cảm nhận hơi ấm đang tràn về, hay mùi thơm của bát phở nóng bốc lên cho ta cảm nhận hương vị đặc sắc của món ăn Hà Nội. Một trong những món ăn làm nên nét tinh túy của ẩm thực Hà Nội đó là phở.
  • Bài 1: Vững vàng trên trận tuyến phòng, chống ma túy
    Điện Biên được xác định là một trong những địa bàn trung chuyển ma túy lớn từ khu vực “Tam giác vàng” ra khu vực biên giới Lào - Việt Nam, sau đó vận chuyển về Điện Biên rồi đi sâu vào nội địa tiêu thụ. Trước những tác động của tình hình tội phạm ma túy ở khu vực biên giới của tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, BĐBP Điện Biên đã tăng cường lực lượng, bám nắm các địa bàn trọng điểm, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy, từng bước làm trong sạch địa bàn. Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đi
Đừng bỏ lỡ
Tạo dựng khung pháp lý đầy đủ cho việc bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO