Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi cao hơn nhiều lần so với khu vực đô thị. Để người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, những năm qua, chính sách xóa đói, giảm nghèo của TP Hà Nội luôn ưu tiên, tập trung cho các địa phương còn nhiều khó khăn. Song song với việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, các xã nghèo được hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Trao tặng bò sinh sản cho các hộ nghèo ở huyện Mỹ Đức. |
Vốn có nghề truyền thống là trồng và chế biến thuốc Nam, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) được định hướng phát triển thành vùng dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái. Sau hai năm triển khai đề án bảo tồn tri thức làm thuốc Nam tại xã Ba Vì, những người có nghề như bà Triệu Thị Bình, Lý Thị Nội (thôn Yên Sơn), Triệu Thị Thanh, Triệu Thị Duyên (thôn Hợp Sơn)… đã phổ biến tri thức làm thuốc Nam tới đông đảo người dân, giúp họ có thêm thu nhập. Cũng ở huyện Ba Vì, nhiều người dân xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài… được tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè, chế biến chè búp khô nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Vùng sản xuất chè búp khô hình thành ở các xã khu vực miền núi huyện Ba Vì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Đỗ Quang Trung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì cho biết: Nhờ chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho các xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này giảm hẳn. Tỷ lệ hộ nghèo ở 7 xã miền núi mỗi năm giảm khoảng 2,5%. Dự kiến đến cuối năm 2018, huyện Ba Vì không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn (xã, thôn thuộc Chương trình 135).
Các xã miền núi có đồng bào dân tộc Mường sinh sống thuộc huyện Thạch Thất được hỗ trợ mở rộng, phát triển nhiều loại hình sản xuất, chăn nuôi, trong đó có mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở xã Yên Bình, Tiến Xuân… Từ một khu vực nghèo, chưa có điện chiếu sáng, thiếu trường, lớp học ở thời điểm TP Hà Nội được điều chỉnh địa giới hành chính (năm 2008), đến nay, các xã miền núi huyện Thạch Thất có sự phát triển sôi động, toàn diện. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã Tiến Xuân chỉ còn 3,41%, xã Yên Bình còn 3,19%, xã Yên Trung còn 2,54%, thấp hơn mức trung bình của huyện Thạch Thất (3,49%). Tại Quốc Oai, cuối năm 2016, huyện này đã đưa 4 thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở xã Phú Mãn và Đông Xuân ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn. Xã An Phú (huyện Mỹ Đức) cũng đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, không còn thôn đặc biệt khó khăn, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Đa dạng cơ chế, chính sách
Cùng với các giải pháp làm giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa nông thôn với thành thị, miền núi với đồng bằng, các cấp, ngành chức năng TP Hà Nội cố gắng tạo “đòn bẩy” giúp các hộ nghèo thoát nghèo.
Thay vì áp dụng các giải pháp chung chung cho tất cả các hộ, UBND TP Hà Nội yêu cầu các xã, phường, thị trấn phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, thực trạng và nhu cầu hỗ trợ của từng hộ gia đình. Căn cứ vào kết quả điều tra đó, các ngành, địa phương đưa ra giải pháp giảm nghèo phù hợp với từng nhóm đối tượng. Vì vậy các giải pháp được đưa ra khá linh hoạt. Những hộ thiếu vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, được hỗ trợ về giống, kỹ thuật. Những gia đình thuộc diện nghèo nhưng có người trong độ tuổi lao động thì được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm; một số gia đình khác được trao tặng bò sinh sản... Từ đầu năm đến nay, số hộ nghèo ở huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức được trao tặng bò sinh sản lần lượt là 33, 111 và 150 hộ. Dự kiến từ nay đến cuối năm, số hộ nghèo được tặng bò sinh sản sẽ còn tăng. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, việc hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở vùng nông thôn là giải pháp đúng đắn giúp các hộ thoát nghèo bền vững, bởi đa số hộ dân sẵn có chuồng trại, nguồn thức ăn nên nuôi bò sinh sản rất phù hợp, đem lại nguồn thu đáng kể.
Ngoài chính sách bảo trợ xã hội, những gia đình nghèo có người già yếu, ốm đau, bệnh nặng, tàn tật, không có khả năng thoát nghèo được hỗ trợ sửa nhà, tặng sổ tiết kiệm. Theo kế hoạch, năm 2017, huyện Quốc Oai hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hơn 130 hộ nghèo với kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng; ở huyện Thạch Thất, 105 gia đình thuộc diện nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà xuống cấp. Nhiều hộ nghèo còn được tặng xe máy để làm phương tiện đi lại, tặng điện thoại di động để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin…
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, trong 6 tháng đầu năm nay, công tác giảm nghèo ở khu vực ngoại thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Với đà tiến này, Hà Nội sẽ đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,37% (năm 2016) xuống 1,8% vào năm 2017, tương đương với khoảng 10,2 nghìn hộ thoát nghèo (theo chuẩn nghèo của TP Hà Nội). Trong khi đó, theo chuẩn nghèo của Trung ương, hiện trên địa bàn Hà Nội, số hộ nghèo chỉ còn khoảng 1%.