Âm nhạc

Tạo "đời sống" cho ca khúc mới về Hà Nội

Yến Ly 07:45 14/07/2023

Trong văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Đã hơn hai mươi năm đầu thế kỷ 21 trôi qua, ca khúc mới viết về Hà Nội không phải là ít. Sự phát triển của công nghệ hiện đại, số hóa toàn cầu đã tác động nhiều đến đời sống của những tác phẩm ấy…

Hà Nội – nguồn cảm hứng bất tận

Nhắc đến những ca khúc viết về Hà Nội, khán thính giả có thể dễ dàng nhớ ngay tới những cái tên như: “Thương về Hà Nội” (1949), “Có phải em là mùa thu Hà Nội” (1970), “Nhớ mùa thu Hà Nội” (1985), “Em ơi Hà Nội phố” (1986), “Hà Nội trái tim hồng” (1987), “Hà Nội đêm trở gió” (1993)… Nhưng đó đều là những tác phẩm ra đời từ hơn 20 năm trước. Còn những ca khúc mới viết về Hà Nội trong những năm qua, liệu đã có nhiều tác phẩm ghi được dấu ấn trong lòng công chúng?

tuyen-tap-tac-pham-am-nhac.jpg

Hai mươi năm là quãng thời gian đủ để thử thách và khẳng định sức sống của một ca khúc hay chưa thì xin chưa bàn tới nhưng 20 năm qua, sự phát triển mở rộng chóng mặt của công nghệ cũng như các trào lưu âm nhạc là điều mà ai cũng chứng kiến. Nếu hai mươi năm trước ở vùng nông thôn xa xôi, trong làng chỉ có được vài chiếc tivi màu với kênh phát sóng chính là đài truyền hình quốc gia và đài truyền hình địa phương thì chỉ sau đó mười năm, tivi màu kết nối internet đã hầu như phổ biến khắp mọi miền, có mặt hầu khắp mọi nhà. Các kênh phát sóng truyền thanh truyền hình đã mở rộng ra đến hàng trăm hàng nghìn, nhất là đến khi các nền tảng mạng xã hội internet phát triển như Blog, Facebook, YouTube, SoundCloud, Spotify...

Vậy nếu kể ra các ca khúc viết về Hà Nội trong 20 năm qua, liệu ta có thể gọi tên tác phẩm nào? Phải chăng là những ca khúc mới viết về Hà Nội được nhiều người yêu thích gần đây như:“Nồng nàn Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, “Hà Nội 12 mùa hoa” của Giáng Son, “Thư Hà Nội” của Nguyễn Vĩnh Tiến, “Phố à phố ơi” của Lưu Hà An, “Góc Hà Nội” của Nguyễn Duy Hùng, “Hà Nội mắt lá rơi” của Hoàng Thắng...?

Trong dòng chảy của thời đại, các lĩnh vực khác và văn hóa – văn học nghệ thuật nói chung đều chịu sự ảnh hưởng nhất định của những làn sóng giao thoa, du nhập từ nước ngoài. Và sự ra đời của các ca khúc về Hà Nội mang nhiều ảnh hưởng âm điệu mới là một biểu hiện rõ nét từ những giao thoa, hòa nhập đó. Và Hà Nội vẫn mang đến dạt dào cảm hứng sáng tác cho các nhạc sĩ, dù mỗi giai đoạn sẽ mang sắc thái tiết tấu khác nhau nhưng điểm chung vẫn là một tình yêu Hà Nội.

“Chông chênh” ca khúc mới về Hà Nội

Trong những năm qua, bên cạnh các sáng tác chủ động của các nhạc sĩ, có không ít các cuộc thi sáng tác ca khúc mới về Hà Nội do nhiều đơn vị, cấp ngành tổ chức là sân chơi, nguồn khích lệ cho sự ra đời của các tác phẩm mới. Song có một thực tế là không ít những ca khúc mới sáng tác về Hà Nội được giải thưởng cao ở các cuộc thi nhưng vẫn chưa được công chúng chưa biết tới.

Nhạc sĩ Lê Mây cho rằng, nếu để ngay lập tức gọi tên một tác phẩm tiêu biểu viết về Hà Nội được sáng tác trong khoảng 20 năm qua quả thực là khó. Dù rằng thi thoảng, ông vẫn thấy đâu đó có người đoạt giải cao ở các cuộc thi sáng tác ca khúc viết về Hà Nội. “Các ca khúc đoạt giải gần đây vì không được liên tục phát sóng/ giới thiệu, công chúng không tiếp cận được nên bị mất hút là điều đương nhiên. Bản thân tôi, cũng vừa đoạt giải âm nhạc cao nhất tại cuộc thi sáng tác các tác phẩm VHNT với chủ đề ca ngợi Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức năm 2022 với ca khúc “Bầu trời Hà Nội”. Nhưng thử hỏi mấy ai biết tới ca khúc này?”, nhạc sĩ Lê Mây cảm thán.

Mỗi giai đoạn lịch sử có một đặc điểm văn hóa - xã hội khác nhau. Thời chống Pháp, chống Mỹ hay cho đến thời bao cấp, nền kinh tế thị trường chưa phát triển, các hình thức sáng tác đến phát hành âm nhạc đều mang tính tập thể. Thời điểm đó ở nước ta chỉ có một dòng nhạc chính là nhạc cách mạng, bên cạnh đó là dòng nhạc trữ tình/ tân nhạc song không được cổ vũ phổ biến nhiều. Một bài hát ra đời sẽ được phát ở kênh duy nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam. Sự lặp lại duy nhất ấy khiến cho ca khúc dễ đi vào lòng người, dễ ghi nhớ và lưu dấu lâu dài hơn. Còn bây giờ, không chỉ các công cụ/ phương tiện nghe nhìn phát triển mà còn là sự xuất hiện, pha trộn của nhiều dòng nhạc và sở thích cá nhân ngày càng đa dạng hơn – Vì thế, dù có rất nhiều ca khúc mới viết về Hà Nội và hay đến đâu đi nữa thì vẫn không tránh khỏi sự chi phối của cuộc sống hiện đại.

“Những bài hát mới về Hà Nội có nhiều dạng. Lớp lớn tuổi hầu như vẫn theo phong cách cũ, truyền thống, mang âm điệu và ảnh hưởng âm điệu của dòng nhạc cách mạng xưa. Còn lớp trẻ thì với phong cách mới, cá tính mới, thậm chí nhiều bài có thêm tính chất của rock, rap… với tiết tấu đầy trẻ trung. Các bài hát mới được ra mắt này đều có nội dung hướng đến Chân - Thiện - Mỹ với tình yêu Hà Nội rất riêng. Song các sáng tác của người trẻ thường viết về những điều cụ thể, trẻ trung nên chỉ phù hợp với lớp trẻ. Vì thế mà các tác phẩm này chưa đạt tới độ sâu sắc nhất định, chưa đủ bao quát, sâu thẳm như “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của nhạc sĩ Ngọc Khuê, “Một thoáng Tây Hồ” của Phó Đức Phương, “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” của Nguyễn Cường hay “Trời Hà Nội xanh” của Văn Ký…, và dẫn đến đối tượng đón nhận chưa thật rộng rãi. Tuy nhiên, các ca khúc mới để đạt được một khía cạnh ghi dấu như thế cũng là tốt rồi”, nhạc sĩ Vũ Thiết nhận định.

Để ca khúc mới về Hà Nội được lan tỏa

Hằng tháng, Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức giới thiệu những ca khúc của các hội viên. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và Hội chuyên ngành vẫn tổ chức các trại sáng tác thường kỳ, hỗ trợ các tác phẩm được nghiệm thu với nguồn kinh phí nhất định. Đây là dịp để các nhạc sĩ giao lưu, trao đổi chuyên môn và cũng là một động lực, khích lệ các sáng tác mới. Những vinh danh các nhạc sĩ có nhiều đóng góp vào nền âm nhạc Thủ đô nói riêng và nước nhà nói chung cũng là một sự tri ân, công nhận các nhạc sĩ. Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới các cuộc thi do các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức phát động và gần đây là cuộc thi sáng tác về “Công an quận Bắc Từ Liêm – Những mùa hoa chiến công” nhân kỷ niệm 10 năm thành lập quận Bắc Từ Liêm (2013 - 2023).

Theo nhạc sĩ Lê Mây, để một ca khúc mới viết về Hà Nội có thể tiếp cận rộng rãi tới công chúng, bài hát đó cần được giới thiệu đủ nhiều và liên tục qua các kênh cũng như tại các sự kiện, chương trình của Thủ đô. Đặc biệt là các ca khúc đoạt giải cao tại các cuộc thi, ngoài phía nhạc sĩ quảng bá cho tác phẩm thì phía Ban tổ chức cuộc thi cũng nên giới thiệu, phổ biến tác phẩm rộng rãi hơn như một cách góp phần lan tỏa. “Từ khi viết nhạc đến khi thu thanh, dựng tác phẩm hoàn chỉnh, nhạc sĩ đã bỏ ra nguồn kinh phí khá cao. Thế nhưng, số tiền giải thưởng tại các cuộc thi sáng tác ca khúc về Hà Nội lại thường rất thấp so với số kinh phí mà nhạc sĩ đã bỏ ra. Điều này làm cho các nhạc sĩ bớt đi hào hứng trước các cuộc vận động sáng tác…”, nhạc sĩ Lê Mây cho hay.

Trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, để có được một tác phẩm sống mãi với thời gian là rất khó. Nhưng trước hết, tác phẩm đó cần được công bố rộng rãi để công chúng tiếp cận. Và với chuyên ngành đặc thù như âm nhạc, hành trình đến với công chúng không hề đơn giản và dễ dàng.

“Một bài hát ra đời cần thu thanh, thuê ca sĩ, các chi phí này cần ít nhất khoảng 20 triệu (đấy là mời ca sĩ bình thường, còn ca sĩ hạng Sao Mai trở lên thì con số nhiều hơn hoặc lên đến trăm triệu là chuyện tất yếu). Có rất nhiều nơi đã làm như Hội nhạc sĩ từng có đầu tư cho các nhạc sĩ viết khí nhạc với số tiền nhất định. Vì thế, ngoài các cuộc vận động chung về sáng tác thì cần có một sự đầu tư tương tự nhất định cho các nhạc sĩ. Trong thời buổi kinh tế thị trường, khích lệ động viên không thể chỉ trên lời nói. Mà nhạc sĩ thì vốn nghèo, ca sĩ đi hát chơi có thể cũng được tiền cát-sê còn nhạc sĩ thì cứ dựng tác phẩm là phải có kinh phí”, Nhạc sĩ Vũ Thiết chia sẻ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tạo "đời sống" cho ca khúc mới về Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO