Sự kiện & Bình luận

Tăng thuế cần gắn với kiểm soát rượu và bia thủ công

T. Trang 20:34 10/08/2024

Các chuyên gia cho rằng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt rượu, bia sắp tới phải đảm bảo hài hoà lợi ích các bên. Đồng thời, lộ trình tăng thuế phải song hành với quản lý, kiểm soát rượu nhập lậu, rượu tự nấu, bia gia công nhằm minh bạch thị trường và đảm bảo lợi ích đối với doanh nghiệp tuân thủ luật pháp...

t1.png
Thuế tiêu thụ đặc biệt trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật TTĐB (sửa đổi) và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia, và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Theo đó, dự thảo đề xuất tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1, thuế TTĐB với mặt hàng bia, rượu trên 20 độ sẽ tăng từ năm 2026 lên 70%; 2027 là 75% và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến năm 2030 lên 90%. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng lên 40% vào năm 2026 và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến 60% vào năm 2030.

Phương án 2, thuế TTĐB với bia và rượu trên 20 độ sẽ tăng lên 80% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% lên đến 100% vào năm 2030. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng 50% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% cho đến 70% vào năm 2030. Hiện Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2.

Thời gian qua, chính sách quản lý đối với ngành sản xuất bia, rượu đã có nhiều sửa đổi. Nhằm tránh lạm dụng bia, rượu, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với: (i) rượu từ 20 độ trở lên: 65%; (ii) rượu dưới 20 độ: 35%; (iii) bia: 65%. Như vậy, từ năm 2016 đến nay, suốt 9 năm, thuế suất với rượu từ 20 độ trở lên và bia tăng 15%; rượu dưới 20 độ tăng 10%.

Với mức thuế suất cao, thu ngân sách từ thuế tiêu thụ đặc biệt đóng góp đáng kể vào tổng thu ngân sách từ thuế, phí và lệ phí. Cụ thể, năm 2018, thuế tiêu thụ đặc biệt đóng góp gần 10%; năm 2019 và 2020 khoảng 11%, trong đó, năm 2020 là năm đỉnh cao thu thuế tiêu thụ đặc biệt với trên 150 nghìn tỷ đồng chiếm 11,5%. Đến năm 2021 giảm sút vì đại dịch còn gần 120 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng thu. Đến nay phục hồi, dự toán thu thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2024 gần 150 nghìn tỷ đồng (chiếm 11,2%).

Thế nhưng, như phân tích ở trên, việc điều chỉnh chính sách thuế đối với đồ uống có cồn chỉ tác động đến khu vực chính thức, còn khu vực phi chính thức lại không được quản lý một cách chặt chẽ.

"Do rượu thủ công ở Việt Nam nhiều khi không đăng ký với các sở, ban, ngành. Cơ quan thuế phối hợp với quản lý thị trường để giám sát cơ sở sản xuất rượu thủ công nhưng cũng không thể quản hết. Thực tế, vẫn còn “lỗ hổng” với sản xuất rượu thủ công” - Bà Nguyễn Thuý Anh, Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) chia sẻ.

Đáng nói, các sản phẩm này đều né thuế, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không dán tem điện tử, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến số thuế ngân sách thu được với rượu tụt dốc 50% giai đoạn năm 2018-2022.

Bà Trịnh Thị Vân Giang – đại diện Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh thuộc Eurocham (thuộc Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam EuroCham) phân tích thêm: "Việc tăng thuế buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm rất nhiều chi phí hoạt động trong khi ngành rượu vang, rượu mạnh đã và đang đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài những khó khăn trên thì các doanh nghiệp trong ngành hàng rượu vang và rượu mạnh thì chúng tôi còn phải đối mặt với những đề xuất và quy định trong thời gian tới. Ví dụ như tăng thuế giá trị gia tăng, thuế tối thiểu toàn cầu cũng như những quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong khi mặt hàng đồ uống có cồn như giảm thuế VAT chúng tôi không được hưởng hỗ trợ như ngành hàng khác".

Ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA), chia sẻ về dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo:
Tôi đề nghị chưa bổ sung nước giải khát (NGK) theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi thực tế chưa có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và toàn diện tác động của sắc thuế đối với các đối tượng trực tiếp và gián tiếp về mặt kinh tế, xã hội. Đây là ý kiến nhất quán của ngành NGK gửi tới bộ ngành liên quan trong các văn bản gửi tới góp ý về dự thảo luật.

Trong dự thảo luật hiện tại thì việc căn cứ theo TCVN để xác định đối tượng chịu TTĐB theo quy định tại điểm L khoản 1 Điều 2 của dự thảo luật là chưa đầy đủ và toàn diện, vì TCVN không phải là cơ sở trong công tác xây dựng pháp luật. Trong khi đó, bản thân TCVN đang bao gồm cả các đồ uống có lợi cho sức khỏe, nước uống thể thao, dự kiến bị áp thuế, trong khi các loại đồ uống và thực phẩm khác chứa lượng đường thậm chí còn cao hơn lại không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Điều này dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của nhà nước.

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và báo cáo của Nielsen tại Việt Nam, lượng đường tự do từ đồ uống có đường chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng số năng lượng được đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống. Trong khi đó, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng đường tự do nạp vào cơ thể hàng ngày được phép ở mức 5% tổng số năng lượng nạp vào (tương đương 25g/ngày). Như vậy, nếu có sự lạm dụng đường trong khẩu phần ăn hàng ngày của người Việt Nam thì phần rất lớn là đến từ các nguồn thực phẩm có chứa đường khác.

Chia sẻ những thách thức khi quản lý thuế các mặt hàng này, bà Nguyễn Thuý Anh, Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), cho biết các mặt hàng bia, rượu đều phải kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt khi sản xuất hay khâu nhập khẩu.

Các sản phẩm rượu đều phải dán tem trước khi tiêu thụ để cơ quan chức năng dễ dàng quản lý sản lượng rượu chính thống, còn mặt hàng bia chưa phải dán tem.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia sẽ làm tăng giá của sản phẩm và tác động đến việc sản xuất bia, rượu lậu và nhập khẩu bia, rượu lậu, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng ngành thuế cần sự góp sức của ngành công thương, các ban, ngành khác để công tác thu thuế tốt hơn./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tăng thuế cần gắn với kiểm soát rượu và bia thủ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO