Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã bước đầu thí điểm tự chủ thành công. |
“Tuýt còi” nếu sai phạm
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được điều chỉnh khá nhiều nội dung, trong đó, rõ nhất là những quy định cụ thể với cơ sở giáo dục đại học nhằm siết chặt hơn các điều kiện tổ chức đào tạo - yếu tố cần thiết để nâng cao chất lượng. Theo đó, nếu đáp ứng đủ yêu cầu về giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình…, cơ sở được phép mở ngành đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng không được mở ngành đào tạo ở lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh. Đây là những ngành mang tính chất đặc thù, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, song phải công bố công khai chỉ tiêu, chất lượng đào tạo, điều kiện bảo đảm chất lượng và tỷ lệ có việc làm của sinh viên. Trong trường hợp mở ngành sai quy định, thiếu các điều kiện cần thiết hoặc vi phạm quy định về tuyển sinh thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục đại học sẽ bị “tuýt còi”. Cụ thể, cơ sở sẽ bị buộc đình chỉ hoạt động ngành đào tạo đó, không được tự chủ mở ngành đào tạo, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm kể từ khi có kết luận về việc sai phạm của cơ quan có thẩm quyền.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học còn quy định ngay sau khi khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo luật. Trường hợp không kiểm định hoặc kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đủ tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, để tránh việc các trường “muốn làm gì thì làm” khi được giao quyền tự chủ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định, các cơ sở phải tăng cường trách nhiệm giải trình và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Một số quy định mới nhằm siết chặt điều kiện bảo đảm chất lượng cũng được đặt ra, như điều kiện tối thiểu của giảng viên giảng dạy trình độ đại học phải là thạc sĩ, giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải là tiến sĩ…
Theo Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, những quy định mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các trường được tự chủ một cách cao nhất, thúc đẩy sự sáng tạo để đem lại nhiều lợi ích hơn cho người học, song cũng có những ràng buộc về trách nhiệm để các trường phải nỗ lực hơn nhằm thu hút người học.
Vẫn nỗi lo kinh phí
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1-7-2019. Theo ghi nhận ban đầu, nhiều cơ sở giáo dục đại học đồng thuận với việc được trao quyền tự chủ ở phạm vi rộng hơn, song cũng không khỏi lo lắng, sợ bị “bỏ rơi” vì cho rằng sẽ không còn được nhận sự hỗ trợ từ ngân sách. Trong khi đó, việc đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo cần huy động nguồn lực lớn, không phải cơ sở nào cũng có thể tự xoay xở.
PGS.TS Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - một trong những đơn vị đã được giao thí điểm tự chủ từ năm 2014, bày tỏ, nguồn ngân sách của trường sau khi tự chủ khá hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn học phí, dẫn đến khó khăn về đầu tư cho cơ sở vật chất và nghiên cứu khoa học. Đây là thực trạng chung của những trường nhóm kỹ thuật và công nghệ, bởi để nâng cao chất lượng đào tạo đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn.
Mối lo nói trên cũng có ở những cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập. Trong bối cảnh mạng lưới trường ngoài công lập phát triển mạnh mẽ, các trường buộc phải cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi bằng mức lương hấp dẫn và chính sách ưu đãi khác; mua sắm trang thiết bị giảng dạy, thực hành hiện đại.
Tiến sĩ Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học không có điểm nào đề cập đến việc khi được trao quyền tự chủ thì nhà trường sẽ bị cắt hoàn toàn sự hỗ trợ từ Nhà nước. Cùng với việc được tự chủ, các trường phải cam kết thực hiện những ràng buộc trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý, phải tự khẳng định mình bằng sự năng động, sáng tạo để xây dựng uy tín, chất lượng, tạo sự tin tưởng để Nhà nước “đặt hàng” đào tạo.
Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có cơ chế “đặt hàng” để các trường muốn phát triển buộc phải cạnh tranh, tránh trông chờ, ỷ lại. Cơ chế này được áp dụng bình đẳng, các trường ngoài công lập nếu đạt yêu cầu vẫn được “đặt hàng” đào tạo và được đầu tư kinh phí như các trường công lập.
Cả nước đã có 23 cơ sở giáo dục đại học tổ chức thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ giai đoạn 2014-2017 theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mô hình tự chủ bước đầu nhận được sự đồng thuận xã hội, giúp các trường chủ động phát triển chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp theo hướng coi trọng việc rèn kỹ năng thực hành cho người học... |