"Nhóm lợi ích" này tìm cách thâu tóm tài sản của Nhà nước, của nhân dân với giá rẻ mạt, gây bất bình dư luận. Điều đó cho thấy, khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới lạm quyền, lộng quyền và hậu quả tất yếu chính là tham nhũng dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Có nhiều sự việc xảy ra thời gian gần đây đã “lộ sáng” liên quan đến lạm dụng quyền lực. Trong đó, vụ Cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) bị tư nhân thâu tóm là điển hình. Năm 2013, sau khi được Chính phủ cho phép, Cảng Quy Nhơn cổ phần hóa với vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng và gần như ngay lập tức Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã bán hơn 75% vốn cho Công ty Hợp Thành với giá 415 tỷ đồng.
Cuối năm 2018, Thanh tra Chính phủ kết luận, việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn có nhiều điểm chưa đúng với quy định và kiến nghị giao Bộ Giao thông - Vận tải thu hồi hơn 75% cổ phần đã chuyển nhượng. Vấn đề này vẫn đang tiếp tục được điều tra và sẽ sớm có kết luận.
Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, tại sao việc chuyển nhượng cổ phần dù chưa đúng quy định lại được thông qua một cách đơn giản như thế? Liệu có sự thỏa thuận ngầm nào để đạt lợi ích riêng?
Đối với thành phố Hà Nội, việc ông Hoàng Mạnh Phú, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ bị Ban Thường vụ Thành ủy kỷ luật với hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng cũng là ví dụ điển hình về lạm quyền, thiếu trách nhiệm. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, trước đó, trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, ông Hoàng Mạnh Phú đã để xảy ra vi phạm liên quan đến 74 gói thầu trên địa bàn và không phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng 20/57 dự án.
Ông này cũng ký hàng chục quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình trong khi hồ sơ báo cáo kinh tế, kỹ thuật có nhiều sai phạm. Ngày 8-7-2019, tại kỳ họp thứ chín HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, ông Hoàng Mạnh Phú bị bãi nhiệm tư cách đại biểu.
Giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã được quy định cụ thể trong nhiều văn bản. Điều 9, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước...”.
Để hạn chế lạm quyền và lộng quyền, ngoài các cơ chế do Đảng, Nhà nước đã xây dựng, ban hành thì việc tăng cường giám sát, phản biện xã hội của MTTQ là rất hữu hiệu; giúp Đảng có thêm kênh thông tin để phát hiện, ngăn chặn và khắc phục nhanh chóng những thiếu sót, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý từ cơ sở.
2. Trong báo cáo trình bày tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV mới đây, MTTQ Việt Nam cho biết, trong vòng hơn 6 tháng, tổ chức này đã tiếp thu 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Việc thực hiện giám sát kết luận thanh tra năm 2018 đã giúp hoạt động quản lý nhà nước công khai, minh bạch hơn. Đã có 824 công trình xây dựng phúc lợi xã hội được giám sát; có 1.802 vụ việc cụ thể trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, 138 vụ việc xử lý sai sót của cơ quan, đơn vị được giám sát, kiến nghị xử lý.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ có lúc, có nơi vẫn còn hình thức, chưa thực chất. Nguyên nhân được xác định là do công tác tổ chức còn cồng kềnh, sự phối hợp lỏng lẻo. Bằng chứng là, trong khi Trung ương liên tục phát hiện các vụ việc lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực thì phần lớn các tỉnh, thành phố và ở cấp xã, huyện lại không phát hiện được, mặc dù biểu hiện của các hiện tượng tiêu cực là có.
Điều này đã cho thấy, vai trò giám sát và phản biện xã hội ở các địa phương còn nhiều hạn chế. Thực tế, chỉ những việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ thì người dân mới có ý kiến. Trong khi đó, các chủ trương, chính sách thông qua các dự án, đề án của Quốc hội, Chính phủ không hẳn lúc nào cũng liên quan trực tiếp đến số đông người dân. Đây chính là “lỗ hổng” mà công tác giám sát, phản biện xã hội chưa "lấp" được.
Để tăng hiệu lực công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, vấn đề cần nhất hiện nay là phải tổ chức lực lượng có tính độc lập hơn, được tập huấn chuyên môn, phương pháp sâu hơn. Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tích cực mở rộng dân chủ, tăng cường đưa thông tin đến người dân một cách chính xác, khách quan, để thông qua đó người dân chủ động bàn, làm và kiểm tra.
Bên cạnh các hình thức trực tiếp hoặc bằng văn bản phản ánh, kiến nghị của MTTQ, đoàn thể, nên quy định người đứng đầu có thể tiếp nhận thông tin điện tử, kịp thời chia sẻ, bày tỏ quan điểm, tương tác với các đảng viên và nhân dân. Cơ quan có trách nhiệm cần thông tin công khai kết quả xem xét, giải quyết vấn đề mà dư luận và nhân dân quan tâm, như đạo đức, lối sống, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.
Các ý kiến giám sát, phản biện cần có chính kiến, quan điểm rõ ràng, có phương pháp đấu tranh phù hợp với hành vi sai trái, ngăn ngừa các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo vệ cái đúng, bảo vệ uy tín và sự lãnh đạo của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại cho dân phải hết sức tránh”. Vì vậy, các hoạt động xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, do Nhà nước triển khai, phải được MTTQ và các tổ chức đoàn thể phối hợp phản biện, giám sát chặt chẽ. Đây chính là hoạt động kiểm soát quyền lực từ cơ sở hiệu quả nhất để không còn hiện tượng đặc quyền, đặc lợi và lạm quyền dưới bất kỳ hình thức nào.
Để nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vấn đề cốt lõi vẫn là niềm tin của người dân với Đảng, chính quyền. Dân tin thì mọi việc sẽ thành công. Bởi vậy, phát huy sức dân, trí tuệ của nhân dân thông qua vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ trong kiểm soát quyền lực là kế sách lâu bền.