Quang cảnh Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Tăng cường các điều kiện phát triển Thủ đô
Buổi sáng, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Thảo luận tại tổ ngay sau đó về dự thảo nghị quyết này, các đại biểu Quốc hội tán thành với các lý do nêu trong tờ trình và báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) tán thành việc cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội vì Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những đô thị lớn nhất cả nước, có tính đặc thù rất rõ, nếu không có các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách thì sẽ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Ngô Sách Thực (Đoàn tỉnh Bắc Giang) và một số đại biểu đề nghị việc ban hành Nghị quyết cần gắn liền với các đánh giá việc thực hiện Luật Thủ đô về ưu điểm và hạn chế, cụ thể là các hạn chế về quy hoạch...
Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu các tổ cũng bày tỏ sự tán thành với việc xây dựng một số cơ chế đặc thù cho Thủ đô, song khi ban hành Nghị quyết, cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Các đại biểu cũng tán thành việc Hà Nội xây dựng một số loại thuế, phí mới ngoài danh mục và tăng mức điều chỉnh so với mức hiện hành trong biểu phí, lệ phí… Tuy nhiên, Hà Nội cần có danh mục phí, mức phí bảo đảm được sự đồng thuận cao của người dân.
Nghiên cứu kỹ tác động của Luật Cư trú (sửa đổi)
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Tại phiên thảo luận tổ, đa số đại biểu bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Cư trú. Tuy nhiên, đại biểu Đào Tú Hoa (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, đến nay chỉ có khoảng 18 triệu công dân được cấp mã số định danh cá nhân, việc cấp mã số cho hơn 80 triệu dân còn lại sẽ khó có thể thực hiện xong trước thời hạn Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2021.
Về việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, theo đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang), quy định này bảo đảm quyền tự do cư trú của người dân theo Hiến pháp; tuy nhiên cần làm rõ những tác động tiêu cực trong thực tiễn.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng lo ngại với việc bỏ quy định điều kiện đăng ký thường trú sẽ gia tăng dân số cơ học tại các thành phố, gây áp lực cho hệ thống y tế và giáo dục. Đồng chí Vương Đình Huệ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng tác động của một số nội dung được nêu trong dự thảo luật đến tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương.
Cũng trong ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Bên cạnh đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này.