Tan giấc mộng đổi đời

Bài và ảnh: Mai Chi/NLĐ| 09/04/2018 08:48

Nhiều lao động Việt Nam đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi đã sớm vỡ mộng trước thực tế khác xa với viễn cảnh tươi sáng mà các đơn vị môi giới vẽ ra.

Công ty Cổ phần TMS Nhân lực thu phí cọc vượt gần gấp đôi quy định


"Ngày 27-7-2016, tôi đến Công ty CP Du lịch Dịch vụ Quốc tế Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh; quận Tân Bình, TP HCM) tìm hiểu thông tin về việc đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi. Tại đây, tôi được ông Cù Cao Cường, giám đốc công ty, quảng cáo rằng sang bên ấy tôi sẽ được làm việc trong các gia đình giàu có, công việc nhẹ nhàng, lương cao. Ông Cường còn hứa nếu ai đi mà gặp chủ không tốt có quyền đổi chủ; mỗi năm được chủ cho về thăm nhà một lần; toàn bộ chi phí đi công ty đài thọ hết. Tin lời, tôi đăng ký đi giúp việc nhà 2 năm. Thế nhưng, thực tế diễn ra lại khác xa những gì họ hứa trước đó". Đây là chia sẻ của chị Lê Kim Hạnh (46 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM), người vừa trở về từ Ả Rập Saudi nửa tháng trước.

Vỡ mộng ở xứ người

Ngày 27-8-2016, chị Hạnh đáp chuyến bay đến Ả Rập Saudi và bắt đầu làm việc tại nhà chủ ngày 30-8-2016. Trước khi xuất cảnh, chị không hề được đào tạo nghiệp vụ và khi ký hợp đồng cũng không phải hợp đồng của Công ty Tân Hoàng Minh mà là của Công ty CP Traenco (Hà Nội). "Theo hợp đồng, thời gian làm việc không quá 12 giờ/ngày. Tuy nhiên, chỉ tuần đầu tiên tôi được làm việc từ 8 giờ đến 22 giờ. Tuần kế tiếp, chủ bắt tôi làm việc từ 5 giờ đến 23, 24 giờ mới được nghỉ. Chưa hết, dù hợp đồng có ghi "Người lao động (NLĐ) được chủ sử dụng lao động chuẩn bị chỗ ở, thức ăn, nước uống, bảo đảm sức khỏe…" nhưng khi tôi lấy gạo nấu ăn thì chủ không cho. Họ bắt tôi ăn những thứ để sẵn trong tủ đông lạnh từ lâu và mỗi ngày chỉ được uống dưới 1 lít nước" - chị Hạnh kể.

Tan giấc mộng đổi đời - Ảnh 1.

Một số lao động đăng ký đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi thông qua Công ty Petromanning JSC (Hà Nội), hiện công ty này đã bị thu hồi giấy phép xuất khẩu lao động

Khi thấy công việc không như hứa hẹn, chị Hạnh đã liên lạc với ông Cường yêu cầu đổi chủ. Ông Cường khuyên chị không làm việc nữa để chủ trả về văn phòng công ty môi giới. Tin lời, chị làm theo nhưng không đạt kết quả. Chủ nhà ra điều kiện chị phải trả lại toàn bộ chi phí tuyển dụng thì mới được trả về văn phòng. Không có tiền, cũng không nhận được hỗ trợ từ công ty, chị buộc phải tiếp tục ở lại làm việc. Ngày 23-9-2016, bức xúc vì bị chủ nhà tịch thu điện thoại cùng số thực phẩm (gồm trứng và mì gói) tự bỏ tiền mua, chị Hạnh yêu cầu được quay về văn phòng công ty môi giới, song chủ nhà vẫn từ chối. Chỉ đến khi chị phản ứng mạnh bằng cách uống một lúc 10 viên thuốc cảm và đổ bệnh thì chủ nhà mới đồng ý để chị đi.

Một tuần sau, chị Hạnh được đưa đến nhà chủ mới làm việc. "Chủ mới của tôi là một bà già lớn tuổi, mắt mờ, lảng tai. Ở đây, tôi không chỉ làm việc tại nhà bà chủ mà còn phải làm cho nhà con trai, con gái của bà ấy. Tôi làm việc vất vả từ tháng 10-2016 nhưng đến ngày 19-3-2017 mới được trả lương. Quá thất vọng, tôi xin nghỉ việc để trở về Việt Nam nhưng chủ nhà bắt tôi phải trả 20.000 SAR (khoảng 121 triệu đồng) mới được về. Sau đó, tôi bị bệnh, họ không đưa tôi đi khám bệnh mà chở tôi đến trả cho công ty môi giới. Hơn 4 tháng sau, tôi trốn khỏi công ty môi giới, chạy đến Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi nhờ giúp đỡ về nước" - chị Hạnh chia sẻ.

Chưa đổi đời đã đổ bệnh

Là mẹ đơn thân và gia đình thuộc diện hộ nghèo, ngày 31-7-2017, chị Nguyễn Ngọc Vân (32 tuổi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được chính quyền địa phương giới thiệu đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi thông qua Công ty CP H.H (trụ sở chính tại Hà Nội và có chi nhánh tại Vũng Tàu). Thế nhưng, mới làm việc được hơn 2 tháng, chị Vân đã gọi điện về cho gia đình cầu cứu, mong được về nước. Theo đó, trái với cam kết của công ty là chỉ làm việc 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, chị Vân phải làm việc từ sáng sớm cho đến 24 giờ. Do làm việc quá vất vả, sức khỏe chị Vân suy sụp. Chị ho ra máu và chảy máu mũi liên tục. Khi bệnh trở nặng, không còn sức lực làm việc nữa, chị Vân bị chủ nhà nhốt trong phòng suốt 1 tuần. Mỗi ngày, họ chỉ cho chị một chén cơm trắng và mấy viên thuốc. Khi thấy chị quá yếu, chủ nhà mới đưa chị đi truyền nước biển rồi đưa về nhà, bắt làm việc tiếp.

Tan giấc mộng đổi đời - Ảnh 2.

Một số lao động giúp việc gia đình Việt Nam và Philippines trong một công ty môi giới ở Ả Rập Saudi

Lo lắng cho tình trạng của người thân, gia đình chị Vân đã liên hệ với công ty yêu cầu đưa chị về nước thì được hướng dẫn ra tận Thanh Hóa gặp ông Nguyễn Khắc Thuận để thỏa thuận thanh lý hợp đồng. Tại đây, ông Thuận ra điều kiện muốn Vân về nước, gia đình phải chuyển vào tài khoản mang tên Lê Thị Sen 80 triệu đồng, đây là số tiền bồi thường hợp đồng do về nước trước hạn. "Số tiền ấy gia đình tôi phải vay mượn mới có được. Nhưng ông Thuận yêu cầu nộp tiền mà không chịu viết biên nhận nên chúng tôi không dám nộp. Vì vậy, ông Thuận từ chối đưa chị tôi về nước" - chị Nguyễn Diệu Hương, em gái chị Vân, chia sẻ.

Gia đình chị Vân phải cầu cứu Cục Quản lý lao động ngoài nước. Tuy nhiên, sau đó, họ bất ngờ nhận được bản cam kết của chị Vân do công ty chuyển cho cục ghi rõ tình trạng sức khỏe, công việc, điều kiện ăn, ở của chị Vân tại Ả Rập Saudi đều tốt, gia đình chủ cũng đối xử tốt. "Bản cam kết ấy đúng là do chị tôi viết nhưng chị cho biết bị chủ nhà hù dọa, ép buộc. Họ bảo nếu không viết đúng như vậy, họ sẽ báo cảnh sát bắt khiến chị hoảng loạn phải viết. Đến giờ, chị tôi vẫn không được trở về nước" - chị Hương cho hay. 

Nhiều sai phạm

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2017, cục đã xử phạt Công ty CP Traenco 130 triệu đồng và đình chỉ thực hiện hợp đồng cung ứng lao động làm việc tại Ả Rập Saudi 1 tháng vì các vi phạm: Không bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; không ký hợp đồng với NLĐ theo quy định. Bên cạnh đó, cục cũng đã có văn bản đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, xử lý Công ty Tân Hoàng Minh vì tuyển dụng và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khi không được cấp phép.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Tan giấc mộng đổi đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO