Tái thiết di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo

Đặng Thủy| 10/12/2021 08:13

Thời gian gần đây, ý tưởng chuyển đổi các nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo tại Hà Nội là một vấn đề đã nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, giới chuyên môn cũng như công chúng. Trên thế giới, mô hình này đã thực hiện từ lâu và hiệu quả mang lại cũng rất đáng kể. Với Thủ đô Hà Nội, đây là một trong số các giải pháp cần thiết để tái thiết không gian đô thị.

Tái thiết di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo
Không gian sáng tạo Complex 1 (Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) được xây dựng trên nền của một xưởng in cũ.
Nhà máy cũ - di sản công nghiệp

Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 100 các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc diện phải di dời được phân bố khắp 11 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Mỗi nhà máy, xí nghiệp ra đời đều gắn với những dấu mốc trong hành trình phát triển của Thủ đô. Có cơ sở sản xuất công nghiệp được hình thành trong thời kỳ tạm chiếm, lại có những nhà máy được hình thành trong giai đoạn Hà Nội xây dựng xã hội chủ nghĩa…

Không gian những nhà máy cũ với những dấu ấn lịch sử như sự gợi nhắc về một thời đã qua. Một ví dụ điển hình là Nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên). Được xây dựng từ những năm 1905, nơi đây từng bị phát xít Nhật chiếm giữ và trong năm tháng kháng chiến chống Mỹ nhà máy còn là nơi chế tạo bom đạn, vũ khí, cũng từng nhiều lần bị phá hủy nhà xưởng. Hay như Nhà máy diêm Thống Nhất (nay là Công ty CP diêm Thống Nhất) được xây dựng từ năm 1956 vẫn còn hiện diện tòa nhà hành chính có hình thái kiến trúc hiện đại Việt Nam vào những năm 1990 với các module được xếp liền kề nhau, cấu tạo mái dốc được xây dựng phù hợp với khí hậu Việt Nam nhằm mục đích lấy ánh sáng và thông gió…

Qua khảo sát sơ bộ các cơ sở sản xuất công nghiệp trong danh sách di dời ở Hà Nội, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã có đánh giá tổng thể về thực trạng các cơ sở sản xuất công nghiệp của Thủ đô đồng thời nhận diện giá trị của một số công trình này. KTS Nguyễn Thái Huyền, đại diện nhóm cho biết: “Trong số các cơ sở sản xuất công nghiệp của Thủ đô thuộc diện phải di dời, có tới 1/3 nhà máy có giá trị về kiến trúc. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng chuyển đổi thành những không gian công cộng ở Hà Nội như: Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Công ty CP diêm Thống Nhất, Công ty giấy Tissue sông Đuống, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Dệt kim Đông Xuân…”

Tái thiết di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo
Một phối cảnh minh họa Creative Space - ý tưởng được khơi nguồn cảm hứng từ Nhà máy xe lửa Gia Lâm. 

Cơ hội cho những không gian sáng tạo

Trước thực trạng công nghiệp hiện hữu trong lòng đô thị đang bị ô nhiễm môi trường, cản trở sự phát triển đô thị, Thành phố Hà Nội đã có chủ trương di dời các nhà máy công nghiệp không phù hợp ra khỏi nội đô. Bắt đầu từ năm 2003 đến nay, một số quyết định liên quan đến công tác quản lý, chương trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng đã được ban hành. Theo kế hoạch, Thành phố đã chuẩn bị 447,3 ha dành cho quỹ đất di dời tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các biện pháp, lộ trình chuyển đổi cũng như vấn đề sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành Hà Nội cũng đã được đề ra theo từng giai đoạn cụ thể. 

PGS.TS, KTS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc tái thiết đô thị là một tất yếu trong quá trình phát triển của bất kỳ thành phố nào, mở ra những cách thức cũng như cơ hội cho các dự án chuyển đổi. Ông nhấn mạnh: “Trong những năm tới, Hà Nội sẽ có nhiều cơ sở công nghiệp được di dời bởi thế Hà Nội cần có một lựa chọn mô hình cụ thể trong việc chuyển đổi các di sản công nghiệp thành những không gian văn hóa sáng tạo góp phần tạo ra cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp văn hóa”.

Theo KTS Nguyễn Đức Hùng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, cần phải tạo lập không gian công cộng, sáng tạo phù hợp với chức năng sử dụng đất theo quy hoạch đồng thời nên ưu tiên phát triển đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không gian công cộng phục vụ người dân. Bên cạnh đó cũng cần bảo tồn, gìn giữ, nâng cao các di sản công nghiệp có giá trị. Điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống - ông Lê Quang Bình thì cho rằng: “Thay vì chúng ta đập đi xây những chung cư cao tầng gây thêm sức ép cho Thành phố chúng ta có thể biến những nhà máy cũ thành những không gian sáng tạo. Điều này sẽ góp phần giảm tải cho Thành phố đồng thời tạo nên những nền tảng cơ sở vật chất cho những nghệ sĩ, những nhóm thanh niên, nhóm IT, star up có thể kết nối tạo ra những ý tưởng mới...”.

Việc tái thiết các di sản công nghiệp thành các không gian sáng tạo, không chỉ góp phần tích cực thúc đẩy hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp khác nhau. 

Chuyển hóa di sản công nghiệp - nhìn từ thế giới

Có thể nói, việc tái sinh những nhà máy cũ thành không gian sáng tạo là một hướng đi đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Đã có nhiều không gian văn hóa trên thế giới được hình thành từ chính các nhà máy, trạm điện, trạm biến áp, xưởng sản xuất, nhà kho, khu công nghiệp, khu quân sự, mỏ khai thác, thậm chí là các lò mổ. Điển hình như: Khu tổ hợp Friche la Belle de Mai ở Marseille (Pháp) từng là một nhà máy thuốc lá; Xưởng làm việc Co-working Nod Makerpace (Romania) từng là một nhà máy bông, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Macro Museo (Italy) từng là nhà máy bia, Khu triển lãm Gasometer Oberhausen (Đức) từng là một kho chứa khí gas…

Nghiên cứu về việc khai thác chuyển hóa các không gian công trong đô thị, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật Heritage Space cho biết, trên thế giới việc chuyển hóa các nhà máy, di sản công nghiệp trong thành phố có một số xu hướng phổ biến. Một là: chuyển hóa một phần/ hoàn toàn nhà máy thành không gian công cộng như công viên, vườn cảnh, quảng trường... Hai là: chuyển hóa một phần/ hoàn toàn nhà máy thành không gian công năng sinh lợi/ hoặc lưu trú. Ba là: giữ lại nhà máy ở một số phần kết cấu hạ tầng, quy hoạch và tổ chức lại không gian - khuôn viên xây dựng sau đó mời cộng đồng sáng tạo vào đó biến thành một khu văn hóa - giải trí - sáng tạo liên hợp. Nhà máy trở thành một địa chỉ văn hóa mới của đô thị và đem lại nguồn lợi nhiều mặt như: tạo lợi ích kinh tế, nuôi trồng khởi nghiệp trong sáng tạo, quảng bá hình ảnh, du lịch, nuôi dưỡng và biểu dương giá trị văn hóa mới, công nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu giải trí sinh hoạt cộng đồng... 

Theo ông Tuấn, trong 3 cách làm trên, khá rõ ràng là cách 2 cách 3 phù hợp với Hà Nội và đô thị lớn ở Việt Nam. “Thực tế với trường hợp 3, Hà Nội đã từng có mô hình Zone 9. Tuy nhiên, Zone 9 thất bại là do chưa có sự quản lý hợp tác giữa chính quyền và cộng đồng sáng tạo, chưa có đội ngũ quản trị chuyên nghiệp riêng hoạt động dưới dạng quản lý không gian văn hóa, chưa rõ ràng về tổ chức và đường hướng phát triển, tự phát về việc mở rộng và thiếu kiểm soát” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Vậy lời giải nào cho bài toán chuyển hóa nhà máy di sản thành không gian sáng tạo đó là điều mà giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu băn khoăn. Theo PGS.TS, KTS Lê Quân: “Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý cũng như đầu tư cho các hoạt động chuyển đổi, có chính sách khuyến khích các thành phần khác tham gia hoạt động này”. KTS Nguyễn Thái Huyền cho rằng, trước khi chuyển đổi cần phải đánh giá kỹ càng, nghiên cứu chuyên sâu để có những kiến nghị đề xuất cụ thể, đảm bảo sự phát triển và vẫn giữ được giá trị văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh tới vấn đề “hợp sức” giữa các nhà quản lý, các đơn vị liên quan sao cho có thể cùng ngồi lại để phối hợp và xây dựng.

Có thể nói, việc mở rộng các không gian sáng tạo là một yêu cầu cấp thiết khi mà Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Với gần 100 nhà máy cũ thuộc diện phải di dời đây cũng chính là cơ hội quý  để Hà Nội có thêm những không gian sáng tạo. Đó cũng là cách tạo ra sức sống mới cho những không gian cũ, góp phần phát huy giá trị văn hóa đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế cho Thủ đô.

Tái thiết di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Tái thiết di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO