Tái khởi động du lịch Việt Nam

Hoàng Anh| 08/11/2021 17:40

Dù phải “đóng băng” trong thời gian khá dài do dịch Covid-19 và còn không ít khó khăn, thách thức đặt ra nhưng ngành du lịch nước nhà vẫn sẵn sàng để có thể tái khởi động ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tái khởi động du lịch Việt Nam
Du lịch Việt Nam đang được tích cực tái khởi động ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tháng 11 là thời điểm được ngành du lịch dự kiến để bắt đầu kích hoạt trở lại đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19, trong đó trước mắt ưu tiên du lịch nội tỉnh. Để có thể đón khách du lịch nội địa an toàn, Tổng cục Du lịch sẽ chủ trì, triển khai đồng thời có sự phối với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an có những hướng dẫn, tiêu chí, định hướng chung, thống nhất. Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lao động du lịch cũng như xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào du lịch.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chương trình du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước. Để có thể thực hiện hiệu quả hoạt động này thì rất cần sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của tất cả những người làm du lịch về khái niệm du lịch an toàn, “bong bóng” du lịch, vùng xanh, con đường xanh, liên vùng, liên ngành... Khi đó, tiêu chí “an toàn” phải được xây dựng cụ thể và áp dụng đồng bộ cho tất cả các khâu của hoạt động du lịch, từ việc di chuyển cho đến chỗ ở, gặp gỡ, tham gia các dịch vụ... Và, thông qua các hoạt động thực tế, các địa phương tìm ra sự thống nhất, đồng thuận về du lịch an toàn, các điểm xanh, con đường xanh để từ đó tạo cho người Việt thói quen đi du lịch an toàn, ngay cả trong lúc khó khăn nhất.

Cùng với việc tái khởi động du lịch nội địa, ngành du lịch cũng đang thực hiện công tác chuẩn bị thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang). Theo đó, chương trình có tên Roam Phu Quoc - Khám phá/ du ngoạn Phú Quốc - hướng đến các thị trường khách du lịch mục tiêu của Việt Nam bao gồm Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Úc. Sau Phú Quốc sẽ là các điểm đến Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa).  Đồng thời với việc mở cửa thí điểm Phú Quốc, chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa hoàn toàn được tiếp tục với chủ đề Live Fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam. Các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp cũng có thể chủ động áp dụng chiến dịch Live fully in Vietnam để tạo ra sự thống nhất về tên gọi, từ đó huy động được nguồn lực của các địa phương, doanh nghiệp và xã hội hóa trong việc triển khai. Bên cạnh đó, để có thể mở cửa an toàn, các địa phương cần xác định những nhiệm vụ chính như: lựa chọn thị trường; xác định địa điểm, thời gian, lộ trình thí điểm; truyền thông giới thiệu kế hoạch thí điểm; lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ; tổ chức phục vụ khách tại cơ sở dịch vụ; xây dựng quy trình đón, phục vụ khách; tổ chức vận chuyển khách theo quy trình; phối hợp đảm bảo các điều kiện đón khách và xử lý tình huống khi có dịch bệnh; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; đánh giá kết quả thí điểm và đề xuất mở cửa đón khách quốc tế.

Từ hội nghị trực tuyến Mở cửa lại đón khách quốc tế được tổ chức mới đây, nhiều nhà ngoại giao cho biết, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu được đi du lịch trở lại của khách quốc tế là rất lớn. Tuy nhiên, để có thể thu hút du khách thì Việt Nam cần có quy trình kiểm soát y tế thống nhất và ổn định, tạo điều kiện cho khách đi du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thúc đẩy mở đường bay thẳng; phối hợp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài... Cùng với đó, nên có chính sách đặc thù đối với Phú Quốc khi thí điểm đón khách quốc tế và mở rộng các loại hình du lịch chuyên đề như kết hợp tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hội nghị kết nối khách hàng... 

Đánh giá cao vai trò tích cực của du lịch trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch cũng đề nghị các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kết nối hợp tác kinh tế, du lịch giữa Việt Nam với các nước, thúc đẩy đầu tư, xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các hoạt động ngoại giao cấp cao, các sự kiện chính trị lớn. Với riêng chương trình Roam Phu Quoc - Khám phá/ du ngoạn Phú Quốc thì rất cần các đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao tích cực đồng hành, triển khai thông tin, quảng bá về kế hoạch này tại thị trường nước ngoài. Từ đó, những gợi mở cho du khách tới hành động, kêu gọi du khách đi du lịch, tự do khám phá; mời chào khách du lịch quay trở lại, được tận hưởng những vẻ đẹp, được trải nghiệm điểm đến Phú Quốc nói riêng và nhiều điểm đến hấp dẫn khác ở Việt Nam sẽ được lan tỏa. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Tái khởi động du lịch Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO