Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có nguy cơ bị các vấn đề về mắt hơn người lớn, bởi xu hướng hoạt động của thanh thiếu niên khác so với người lớn. Chúng có nhiều hoạt động bên ngoài hơn trong nhà.
Vào những lúc đó, thủy tinh thể của đôi mắt tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tạo cơ hội cho tia cực tím có thể lọt vào tròng mắt.
Tia cực tím gây ra rất nhiều nguy hại cho đôi mắt. Ảnh minh họa
Theo TS.BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương), giác mạc hấp thu hầu hết các bức xạ UV khi chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gây nên các hiện tượng đục thủy tinh thể hay thoái hóa hoàng điểm, viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng thịt...
Các bệnh nhân bị mộng thịt (một mô thịt phát triển hình tam giác hoặc hình cánh trên giác mạc, thường xuất hiện ở góc trong hoặc góc bên ngoài của mắt) có thể do mẫn cảm với quá trình sinh u xơ mạch, tuy nhiên, đa phần là do phơi nhiễm mạn tính với tia UV.
Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân thường sống ở miền nhiệt đới, ven biển, trung du có nhiều nắng - gió và cát.
Cũng theo BS Hoàng Cương, đục thể thủy tinh cũng là một bệnh thường gặp và xảy ra với các vùng có mật độ tia UV cao như gần xích đạo, gần biển... Tia UV gây biến đổi protein trong thể thủy tinh gây ra vón cục, mất tính trong suốt của nhân mắt. Ngoài lý do dinh dưỡng, địa lý, stress, oxy hóa, nhiễm độc..., tia UV còn gây tổn hại hàng rào máu võng mạc.
Tắm nắng hay đi nắng quá nhiều cũng khiến các tế bào mẫn cảm với tia UV thuộc bề mặt nhãn cầu có thể bị suy giảm, không làm ẩm đủ hay bôi trơn cho mắt, gây mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ.
Làm gì để bảo vệ mắt trước ánh sáng mặt trời?
Một số biện pháp được khuyến cáo để bảo vệ đôi mắt trong mùa hè như:
- Sử dụng mũ rộng vành và kính râm thường xuyên bởi tia tử ngoại có quanh năm chứ không phải chỉ có vào mùa hè.
- Bảo vệ mắt ngay cả khi trời râm hoặc nhiều mây: Tia xạ trong ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua mây mù, gây hại cho chúng ta quanh năm chứ không phải chỉ riêng ngày hè nắng.
- Xem nhật thực bằng kính đen hoặc xem qua chậu nước, tuyệt đối không xem bằng mắt thường.
- Sử dụng kính râm chuyên dụng ngăn tia UV. Nên mua loại kính có gọng to và sát phía bên để ngăn được những tia sáng đến từ phía bên. Những người mang kính tiếp xúc cũng phải chọn kính tiếp xúc chống tia UV nếu muốn ra ngoài nắng.
- Cảnh giác với tia UV đậm độ cao: Ở một số khung giờ nhất định trong ngày, bức xạ UV ở mức cao nhất và gây ra nhiều tác hại đối với da. Hạn chế ra ngoài vào khoảng thời gian từ 10-16h vì đây là thời gian tia UV hoạt động cao điểm nhất.