Hiệu quả từ mô hình điểm
Xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 3.000/5.026 hộ ở 9/9 thôn làm nghề sản xuất, kinh doanh đồ mộc gia dụng và một số ngành nghề khác cần đưa vào diện theo dõi, quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Theo thống kê của UBND xã, từ năm 2020 đến năm 2021, trên địa bàn xã xảy ra 4 vụ cháy lớn, tiêu hủy nhiều xưởng sản xuất, gây thiệt hại về người và tài sản.
Nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy xảy ra và từng bước huy động cộng đồng dân cư tham gia phòng cháy, chữa cháy, tháng 4-2021, Công an huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với xã Hữu Bằng triển khai điểm mô hình “Thôn dân cư tự quản về an ninh trật tự kết hợp phòng cháy và chữa cháy” ở 9/9 thôn của xã với sự tự nguyện tham gia của khoảng 110 thành viên.
Anh Lê Văn Du, Tổ trưởng mô hình “Thôn dân cư tự quản về an ninh trật tự kết hợp phòng cháy và chữa cháy” thôn Đông (xã Hữu Bằng) chia sẻ: “Tham gia mô hình, chúng tôi được tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn sử dụng thiết bị chữa cháy, diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, từ khi triển khai mô hình, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy của người dân được nâng lên rõ rệt…”.
Thiếu tá Vũ Ngọc Tân, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Thạch Thất) nhận xét, dù mới đi vào hoạt động, nhưng mô hình điểm triển khai tại xã Hữu Bằng đạt hiệu quả cao. Rõ nhất là từ khi triển khai, số vụ cháy, nổ trên địa bàn giảm 50%; các thành viên mô hình đã phối hợp tham gia dập tắt nhanh, dứt điểm được 5 vụ cháy nên hạn chế thiệt hại về người, tài sản.
Từ chỗ đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu thiết bị chữa cháy, thiếu hoặc không có nguồn nước chữa cháy, thì sau một năm triển khai, các hộ dân xã Hữu Bằng đã tự trang bị 45 máy bơm phục vụ chữa cháy; xây 100 bể chứa nước chữa cháy. Bằng nguồn vốn xã hội hóa, xã Hữu Bằng đã trang bị 4 xe chữa cháy cỡ nhỏ, 1 xe bồn chữa cháy dung tích 5m3; xây dựng 3 trạm bơm cứu hỏa tại thôn Đông và Miễu…, góp phần tích cực trong công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
Nhân rộng mô hình
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng tá Cấn Đức Thành, Phó Trưởng Công an huyện Thạch Thất đánh giá: “Cái được lớn nhất khi triển khai mô hình là đã huy động được cộng đồng tham gia phòng cháy, chữa cháy. Hầu hết các vụ cháy đã được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ); một số đám cháy xảy ra vào ban đêm, sáng sớm cũng được phát hiện kịp thời để xử lý…”.
Phát huy hiệu quả mô hình điểm tại xã Hữu Bằng, trước mắt Công an huyện Thạch Thất chỉ đạo nhân rộng sang xã Canh Nậu - nơi có nghề mộc phát triển, sau đó tiếp tục triển khai ở các xã có nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu vực có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao như: Chàng Sơn, Dị Nậu, Phùng Xá, Bình Phú…
Về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy xã Canh Nậu Nguyễn Trung Chi cho biết, sau khi học tập mô hình điểm tại xã Hữu Bằng, Canh Nậu đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai tại 2 thôn 3A, 3B. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, xã tích cực vận động các hộ dân mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn…
Để công tác phòng cháy, chữa cháy thực sự đạt hiệu quả, cùng với nhân rộng mô hình, Thượng tá Cấn Đức Thành cho biết: Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Công an huyện đã hướng dẫn cơ sở tự thực tập 290 lượt phương án chữa cháy, 264 lượt phương án cứu nạn, cứu hộ; tổ chức thực tập 31 lượt phương án chữa cháy, 27 lượt cứu nạn, cứu hộ có sự phối hợp lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; tổ chức thực tập 1 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huy động nhiều lực lượng, phương tiện của UBND huyện tham gia... Ngoài ra, Công an huyện còn tổ chức 68 lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho 125 cơ sở, cấp 2.226 chứng nhận huấn luyện; 2 lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho 122 đội dân phòng...
“Tuy nhiên, các xã cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; từng cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ dân… phải xác định rõ nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra để có phương án xử lý kịp thời; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật, giao thông… Chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy, sẽ bảo đảm an toàn các làng nghề và mang lại sự bình yên cho các làng quê” - Thượng tá Cấn Đức Thành nhấn mạnh.