Thiết kế sáng tạo vì cộng đồng
Từ bệ phóng Học bổng toàn phần của RMIT Việt Nam, Duy sớm bắt đầu hành trình trong ngành Thiết kế Truyền thông đa phương tiện với phương châm “Thiết kế sáng tạo vì cộng đồng”.
Trong suốt quá trình học tập và trưởng thành tại RMIT Việt Nam, chàng trai này đã luôn chủ động tham gia những hoạt động thiện nguyện mà qua đó anh có thể đóng góp kiến thức và kỹ năng thiết kế một cách vô điều kiện.
Đoàn Ngọc Duy là cái tên khá quen thuộc với các tổ chức như Adobe Youth Voices, Quỹ Huỳnh Tấn Phát, và Smile Group. Tại đây, “thầy Duy” đã truyền đạt những kiến thức về thiết kế và quay phim, từ cơ bản đến nâng cao, cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hay những bạn trẻ đam mê sáng tạo.
Sau khi tốt nghiệp, với nền tảng chuyên môn vững chắc và khả năng lãnh đạo nhóm, Duy nhanh chóng được giao những vị trí quan trọng ở các tập đoàn lớn tại Việt Nam.
Dù bận rộn với nhiều dự án cho những thương hiệu nổi tiếng, chàng Giám đốc Sáng tạo trẻ tuổi vẫn duy trì tinh thần vì cộng đồng của mình qua việc tham gia vào những chương trình như Góp tình trao Tết của Unilever, Rút ngắn khoảng cách của Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN,…
Đoàn Ngọc Duy chụp hình cùng các vị lãnh đạo tại làng bích họa hữu nghị Việt - Úc |
Gần đây nhất, Duy cũng vừa hoàn thành vai trò Giám đốc Sáng tạo cho dự án Nghệ thuật cộng đồng “Làng Bích Họa hữu nghị Việt - Úc” tại TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp, do Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tài trợ.
Các bức vẽ do chính Duy lên ý tưởng và cùng thiết kế với các bạn sinh viên và hoạ sĩ trẻ tại TP. Hồ Chí Minh đã được 30 họa sĩ đến từ Úc, TP. Hồ Chí Minh và sinh viên Đại học Đồng Tháp cùng nhau thực hiện trên 800m2 những bức tường nhà ven sông Tiền, ấp Tân Tịch, xã Tịnh Thới, Cao Lãnh.
“Làng Bích Họa là tập hợp những tác phẩm giao thoa giữa nét đẹp truyền thống, nhấn nhá một chút hiện đại, thể hiện cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên và hoạ sĩ chuyên nghiệp trong cũng như ngoài nước thực nghiệm dự án sáng tạo cộng đồng”, Duy giải thích về ý tưởng của anh khi thực hiện làng Bích Họa.
Những bức tường cũ kỹ bong tróc, những nếp nhà nhỏ bé lụp xụp ẩn mình trong nhiều năm qua, nay được khoác lên những tấm áo mới, sống động và đầy màu sắc. Cùng với cây cầu Cao Lãnh bắt qua sông Tiền vừa khánh thành, người dân làng Bích Họa hân hoan hy vọng những đổi thay sẽ đến với ngôi làng họ đang sinh sống.
“Sáng tạo trong thiết kế không đơn thuần nằm ở việc đưa ra những ý tưởng mới, tạo nên những sản phẩm đẹp, mà thể hiện qua việc truyền đạt được ý tưởng đến với mọi người, lắng nghe ý kiến của họ, cùng nhau hoàn thiện, để biến những ý tưởng này thành điều có ý nghĩa cho cộng đồng”, Duy chia sẻ.
Thầy Đoàn Ngọc Duy và các sinh viên trong lớp học |
Lan tỏa tâm huyết với nghề cho thế hệ trẻ
Không chỉ đam mê với nghề, anh còn sớm nhận ra ước mơ muốn trở thành một nhà giáo, người có thể “vun trồng” nên những thế hệ mới, như cha mẹ anh đã giành cả đời tận tâm cống hiến.
Chàng Giám đốc Sáng tạo đã bắt đầu sự nghiệp trồng người bằng việc giảng dạy thiết kế tại Đại học Mỹ Thuật TP. HCM, Đại học Hoa Sen, Đại học FPT, và hiện tại là Đại học Kiến trúc.
Duy kể, thời gian đầu đứng lớp, ban ngày anh đến công ty làm việc, chiều phải di chuyển hơn một tiếng đồng hồ trong giờ cao điểm, giao thông thường xuyên ùn tắc để đến lớp.
“Nhiều bạn bè hỏi vì sao lại phải vất vả đi dạy, trong khi công việc chính thức đã đem đến khoản thu nhập tốt?!”, Duy nhớ lại thời gian đầu đi dạy. “Mình chưa bao giờ xem giảng dạy là công việc để tăng thu nhập. Mình mơ ước trở thành giảng viên để có thể góp phần vun trồng thế hệ thiết kế trẻ. Chính vì điều đó, dù còn nhiều khó khăn, mình chưa bao giờ cảm thấy vất vả”.
Trên giảng đường, thầy Đoàn Ngọc Duy thân thiện, vui tính, nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc, luôn thử thách sinh viên để các bạn vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Duy khuyến khích học viên của mình thường xuyên trau dồi kiến thức, trải nghiệm thực tế về văn hóa, lịch sử và xã hội, để có thể tạo ra những thiết kế ý nghĩa.
Không dừng lại ở đó, anh còn dành nhiều tâm huyết đem phương pháp “service learning” (tạm dịch: học tập qua các chương trình phục vụ cộng đồng) vào lớp học. Duy kết nối sinh viên với các dự án cộng đồng thực tế như hỗ trợ người khiếm thính, vận động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, để từ đó, các em có thể học từ những trải nghiệm thật, và có cơ hội dùng kỹ năng thiết kế của mình đóng góp cho cộng đồng ngay từ những năm tháng còn ngồi trên giảng đường.
“Giống như những thầy cô khác, mình cố gắng hết sức trong công tác giảng dạy với niềm hy vọng sẽ góp phần tạo ra thế hệ trẻ ngày càng có năng lực và cái nhìn đúng về ngành nghề. Từ đó, ngành thiết kế sáng tạo tại Việt Nam nói riêng và trong khu vực nói chung sẽ phát triển bền vững hơn”, Duy tâm huyết chia sẻ.