Sơn La thu nhỏ giữa lòng Thủ đô

Lại Tấn/KTĐT| 23/10/2018 11:10

Trong 2 ngày 20 và 21/10, sự kiện tuần Văn hóa Du lịch Sơn La tại Hà Nội với chủ đề “Sơn La - Miền quê huyền thoại” đã khiến không gian đi bộ quanh Hồ Gươm sôi động từ điệu múa đến tiếng cười. Rất nhiều vị khách quốc tế cũng như người dân Hà Nội cùng hòa mình vào điệu múa khèn, nhảy tha khềnh... mang đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở Sơn La.

Khách quốc tế cũng múa xòe 

Không gian đi bộ quanh bộ Hồ Gươm những ngày này như một bức tranh thủ nhỏ về mảnh đất Sơn La. Trong bức tranh đó, người dân Thủ đô, du khách quốc tế và đồng bào dân tộc La Ha, Thái, Mông, Dao, Khơ Mú… cùng nắm tay nhau biểu diễn các điệu múa xòe đặc trưng của dân tộc Thái, múa hoa chuông, múa khèn, nhảy tha khềnh, múa eo au. Trong khoảng khắc ấy giữa họ không còn khoảng cách về ngôn ngữ, văn hóa, tất cả thông điệp, tình cảm đều được truyền tải thông qua những làn điệu dân ca, dân vũ trữ tình đằm thắm, hòa cùng tiếng khèn bè, đàn tính, đàn môi.

Thông qua các hoạt động văn nghệ như trình diễn trích đoạn lễ hội Pang A nụn ban (dân tộc La Ha), người dân Thủ đô và du khách quốc tế có dịp hiểu hơn về văn hóa đồng bào các dân tộc Sơn La. Nói về lễ hội Pang A nụn ban, ông Lò Văn Phán – Thầy mo người dân tộc La Ha (Thầy mo là thầy cúng trong các bản, làng của những dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam): “Đây là mùa măng đắng mọc (tiếng La Ha là nụn), một món ẩm thực rất riêng của bà con. Ngoài măng đắng, mùa này còn có hoa mạ (bók mạ), hoa píp và hoa ban (bók ban) cũng được dùng làm thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh hoặc trang trí trong lễ hội. Do vậy, lễ hội này còn được gọi là “Pang A nụn ban”. 

Lễ hội Pang A được tổ chức nhằm giúp những người bị bệnh được thầy thuốc chữa khỏi, bày tỏ tình cảm đối với người cứu giúp chữa trị, nối sợi dây tình cảm lâu dài giữa thầy và các con nuôi (người được chữa khỏi bệnh), gắn kết cộng đồng”. Sau phần lễ là phần hội sôi động, vui vẻ, khẳng định tính sáng tạo, các điệu múa gần gũi với cuộc sống hàng ngày mang đậm bản sắc tộc người. Vui nhộn nhất là phần múa Sừng Lừng, thể hiện sự phồn thực sinh hoạt nam nữ, tạo nên tiếng cười sảng khoái, vui vẻ.

Tham gia các hoạt động của Tuần Văn hóa Du lịch Sơn La tại Hà Nội, chị Sophronia – quốc tịnh Anh chia sẻ: “Vừa qua, tôi đã đi Thái Lan, Campuchia nhưng đến Việt Nam lần đầu tiên tôi được tham gia vào các hoạt động lễ hội. Người dân Việt Nam rất mộc mạc, mến khách, trang phục truyền thống của các bạn cũng rất đẹp, đa dạng. Đặc biệt, tôi rất thích các trò chơi tập thể, truyền thống của nước bạn, âm nhạc và các điệu múa cũng rất đẹp và hấp dẫn”. 

Với anh Guillaume – quốc tịch Pháp: “Những bài hát, điệu múa của người dân Việt Nam có một số điểm giống với đất nước chúng tôi. Tôi rất thích điệu múa xòe của các bạn vì có rất nhiều người và tôi có cơ hội được tham gia. Sau này, tôi nhất định sẽ quay trở lại Việt Nam để cùng bạn bè trải nghiệm”.
Quảng bá du lịch

Tại Tuần Văn hóa Du lịch Sơn La tại Hà Nội, bên cạnh những tiết mục văn nghệ, trình diễn phong tục tập quán truyền thống, “Không gian du lịch Sơn La” tại phía sau Tượng đài Lý Thái Tổ đã giới thiệu nhiều món ăn ngon, đặc sản của địa phương như: Thịt trâu gác bếp, Pa pỉnh tộp (cá nướng), Nậm pịa, cơm lam… Qua đó, người dân và du khách quốc tế không chỉ được thưởng thức mà còn có cơ hội mua đặc sản của Sơn La ngay tại Hà Nội.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh cho biết: “Tuần Văn hóa Du lịch Sơn La tại Hà Nội là cơ hội kết nối các sản phẩm văn hóa, du lịch, góp phần đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch Sơn La – Tây Bắc với cả nước và quốc tế, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc và độc đáo, tạo bước phát triển mới cho ngành kinh tế du lịch Sơn La và Tây Bắc. Đồng thời, sự kiện góp phần củng cố, nâng cao liên kết hợp tác giữa tỉnh Sơn La và TP Hà Nội”.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La nhấn mạnh, với sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp của các bộ, ban ngành đoàn thể T.Ư, các địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, sự quan tâm đầu tư của cộng đồng DN, chắc chắn du lịch Sơn La sẽ có bước phát triển ấn tượng trong những năm tới, tạo động lực cho một thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Sơn La thu nhỏ giữa lòng Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO