Siết chặt hơn các quy định về kiểm soát, kê khải tài sản, thu nhập là một trong những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực từ 1/7/2019.
Đây cũng là thời điểm nhiều luật quan trọng khác bắt đầu có hiệu lực như Luật Cạnh tranh, Luật Công an Nhân dân, Luật Đặc xá, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Giáo dục đại học sửa đổi.
11 nhóm việc cán bộ, công chức không được làm
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực từ 1/7/2019 đã quy định hoàn thiện hơn hệ thống cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối, bảo đảm tính chuyên nghiệp, độc lập trong kiểm soát tài sản thu nhập.
Hình thức kê khai, phương thức kê khai tài sản cũng có đổi mới để bảo đảm tính hiệu quả cao hơn. Có nhóm đối tượng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn như: Nhóm giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên sẽ buộc phải kê khai hàng năm. Những nhóm đối tượng tuy không giữ chức vụ cao nhưng công tác ở những vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng cũng sẽ phải kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập một cách ngặt nghèo hơn.
Ảnh minh họa. |
|
Cùng với đó, công nghệ thông tin sẽ được phát huy tác dụng trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Luật đã có quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn.
Theo quy định tại Luật, có 4 nhóm đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập, gồm cán bộ, công chức; sĩ quan Công an Nhân dân; sĩ quan Quân đội Nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, DN Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại DN; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND.
Luật cũng đã quy định 11 nhóm công việc tuyệt đối không được làm với cán bộ, công chức. Cụ thể như nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; thành lập, tham gia quản lý, điều hành DN tư nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác…
Bên cạnh đó, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Người đứng đầu và cấp phó cũng không được góp vốn vào DN hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước…
Luật cũng bổ sung quy định cụ thể hơn về việc xử lý đối với trường hợp kê khai không trung thực. Thêm một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng...
Không phân biệt đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên
Trong các Luật khác cũng có hiệu lực từ 1/7, một trong những nội dung mới được quan tâm tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi, là từ ngày 1/7 tới sẽ không phân biệt hình thức đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên. Cụ thể, hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.
Với Luật Đặc xá, điểm nổi bật là quy định rõ 16 tội danh không được đề nghị đặc xá như người bị kết án phạt tù về các tội như tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân…
Theo Luật Cạnh tranh, từ ngày 1/7, sẽ có 11 thỏa thuận về hạn chế cạnh tranh, nghĩa là thêm 3 trường hợp so với hiện hành. Trong đó, có thỏa thuận gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh. Luật cũng sửa đổi quy định về tập trung kinh tế bị cấm, theo đó cấm DN thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam…