Trước đó, ngay từ tháng 4-2018, Cục An toàn lao động đã đề xuất cả 2 phương án nghỉ Tết Âm lịch 2019 đều có tổng thời gian nghỉ là 9 ngày (gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hàng tuần).
Phương án 1 theo dự thảo Tờ trình của Bộ LĐTBXH. |
Cụ thể, phương án 1: Nghỉ 2 ngày cuối năm Mậu Tuất và 3 ngày đầu năm Kỷ Hợi và không hoán đổi ngày nghỉ. Do ngày 29 tháng Chạp (tức ngày 3-2-2019) trùng vào chủ nhật là ngày nghỉ hàng tuần, công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào ngày mùng 4 Tết, tức 8-2-2019.
Như vậy, theo phương án này, công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ Tết từ thứ bảy, ngày 2-2-2019 đến hết chủ nhật, ngày 10-2-2019 (tức là từ ngày 28 tháng Chạp năm Mậu Tuất đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi).
Phương án 2: Nghỉ 1 ngày cuối năm Mậu Tuất và 4 ngày nghỉ đầu năm Kỷ Hợi. Công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ Tết từ 2-2-2019 đến hết ngày 10-2-2019 dương lịch (tức ngày 28 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng). Trong đó có 1 ngày trước Tết và 4 ngày sau Tết (theo quy định của bộ luật Lao động).
Phương án 2 theo dự thảo tờ trình Bộ LĐTBXH. |
Điều khác biệt duy nhất trong 2 phương án trên là việc ấn định 5 ngày nghỉ Tết (theo quy định của bộ luật Lao động) rơi vào ngày nào trong tổng số 9 ngày nghỉ theo quy định của Luật Lao động, các ngày còn lại là nghỉ cuối tuần liền kề, hoặc nghỉ bù do trùng với ngày được ấn định nghỉ Tết. Điều này sẽ có ích với các đơn vị doanh nghiệp để xác định tính tiền làm thời gian làm thêm giờ trong các ngày nghỉ.
Ngoài cho ý kiến về các ngày nghỉ Tết Nguyên đán, đa số các bộ, ngành cũng đồng tình với phương án các ngày nghỉ lễ trong năm 2019. Trong đó, hoán đổi ngày nghỉ Tết dương lịch 4 ngày, nghỉ lễ 30-4 và 1-5 là 5 ngày.
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là ủng hộ thực hiện lịch nghỉ tết Nguyên đán theo phương án 1, nhằm giảm áp lực giao thông những ngày trước tết. Trong đầu tháng 6, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ xem xét và quyết định lịch nghỉ tết và các ngày nghỉ lễ trong năm 2019.
“Năm nay Bộ thực hiện đưa Tờ trình lấy ý kiến về các phương án nghỉ lễ, Tết sớm hơn mọi năm nhằm sớm công bố lịch nghỉ chính thức năm 2019, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp hành chính sắp xếp công việc. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, khi công bố lịch nghỉ lễ, Tết muộn dẫn đến hiệu quả không cao. Công bố càng sớm, minh bạch, các cơ quan, ban ngành sẽ có sự chuẩn bị công việc tốt hơn”, ông Hà Tất Thắng cho biết thêm.
Theo Cục An toàn lao động, thực tế, số ngày nghỉ của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Hiện nay, số giờ làm việc theo quy định vẫn là 48 giờ/tuần, Việt Nam đang khuyến khích là 40 giờ. Ở các nước phát triển, thời gian làm việc của người lao động chỉ có 36 giờ/tuần, có nơi đề nghị thời gian làm việc chỉ đạt 30-32 giờ/tuần.
“Chúng ta không nên nhầm lẫn số ngày nghỉ lễ, Tết và những ngày nghỉ thực tế. Số ngày nghỉ lễ, Tết là số ngày nghỉ được quy định trong Luật Lao động. Khi nghỉ hoán đổi, người lao động vẫn sẽ phải làm bù vào ngày khác. Dịp Tết Âm lịch, Bộ đề xuất nghỉ 9 ngày, trong đó có 4 ngày liên quan đến ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, nên nghỉ Tết Âm lịch vẫn chỉ có 5 ngày theo quy định”, ông Thắng lý giải.
Các phương án đề xuất về lịch nghỉ lễ, Tết mà Bộ đưa ra chỉ áp dụng với công chức, viên chức của các đơn vị có lịch nghỉ hằng tuần là 2 ngày thứ bảy, chủ Nhật, không áp dụng với doanh nghiệp và người dân nói chung. Trong thời gian nghỉ, các cơ quan Nhà nước vẫn phải bố trí người trực để phục vụ nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên có thực tế là các doanh nghiệp cũng căn cứ vào lịch nghỉ Tết này để bố trí sản xuất và lên phương án sắp xếp cho người lao động nghỉ bù theo Luật Lao động.