Sẽ tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước

KTĐT| 19/09/2020 11:05

Trên tinh thần tiếp tục mở các đường bay quốc tế có kiểm soát, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đề xuất tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước.

Chiều 18/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến. Dự họp tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố và đại diện các sở, ngành thành phố.
Hà Nội quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến 6h30, ngày 18/9, công tác nhập cảnh cho chuyên gia vào Việt Nam làm việc, công tác cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch Covid-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả và công tác phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động đã được BCĐ, chống dịch Covid-19 các tỉnh nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện theo hướng dẫn của BCĐ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Theo nhận định của Bộ Y tế, các tỉnh đã xây dựng chương trình kế hoạch, phương án cụ thể để làm thủ tục nhập cảnh, thủ tục đón từ sân bay về khu cách ly y tế cho các đoàn chuyên gia và đáp ứng các điều kiện về cách ly y tế tập trung cho chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam làm việc. Địa phương đã tích cực, chủ động phối hợp liên ngành trong thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống dịch Covid-19, đáp ứng đầy đủ các điều kiện, phương tiện vận chuyển, thủ tục để tiếp nhận người được cách ly từ sân bay về khu vực cách ly…
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý, Trưởng BCĐ phòng chống dịch Covid-19 thành phố nhấn mạnh, Hà Nội quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch song hành với nhiệm vụ ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nêu rõ, thành phố mới ghi nhận thêm 3 ca dương tính nhưng đều ở các khu cách ly tập trung, các trường hợp liên quan tới ca bệnh đều được rà soát, cách ly kịp thời, không để lây nhiễm chéo. Như vậy, hơn 30 ngày qua (tính từ ngày 17/8), Hà Nội chưa xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 mới ngoài cộng đồng.
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong điều kiện mới, theo thông báo 18 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, tập trung công tác phòng, chống dịch an toàn nhưng vẫn bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thông tin thêm về công tác chuẩn bị điều kiện mới liên quan đến mở các chuyến bay thương mại, đến thời điểm này, Hà Nội đã triển khai được 14 khách sạn, với quy mô 2.110 chỗ để tổ chức cách ly. Việc rà soát các cơ sở lưu trú, khách sạn để tổ chức cách ly tập trung sẽ tiếp tục được các sở, ngành liên quan của thành phố thực hiện, chủ động đáp ứng nhu cầu, dự báo sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Liên quan đến đối tượng nhập cảnh từ các chuyến bay thương mại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề xuất Trung ương có hướng dẫn cụ thể về việc các tỉnh, thành phố có phê duyệt danh sách các chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư… như các đối tượng khác hay không.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng khẳng định, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội đã và đang được duy trì với các giải pháp đồng bộ. Cùng với hướng dẫn của Trung ương và các bộ, ngành liên quan, Hà Nội xác định sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Từ 0h ngày 16/9, Hà Nội đã nới lỏng toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội đi kèm với khuyến cáo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Các hoạt động mít tinh, lễ hội, các sự kiện lớn ở nơi công cộng vẫn được yêu cầu hạn chế. Trong trường hợp tổ chức, các địa phương phải bảo đảm các điều kiện, không để xuất hiện nguy cơ mới về dịch…
Tiếp tục mở các đường bay quốc tế có kiểm soát

Thủ tướng lưu ý, trên thế giới, số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng, đặc biệt ở một số nước như Ấn Độ. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực. “Do đó, các ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách trách nhiệm, thường xuyên”. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, “đừng để xảy ra một ca lây nhiễm nào trong cộng đồng do việc mở cửa bước đầu”.

Nhắc lại câu chuyện 99 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Việt Nam, Thủ tướng cảnh báo việc xuất hiện dấu hiệu chủ quan của một số địa phương, cơ quan, đơn vị. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc mục tiêu kép. Cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt “Thông điệp 5K” và áp dụng các chế tài xử phạt các vi phạm trong phòng chống dịch, đặc biệt là biện pháp đeo khẩu trang ở nơi đông người, phương tiện giao thông công cộng. Tiếp tục thực hiện phương châm không tập trung đông người khi không cần thiết, nhất là các lễ hội.

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, tạo thuận lợi cho người nhập cảnh vào nước ta đầu tư, làm việc với yêu cầu phòng dịch phù hợp từ khâu nhập cảnh, vận chuyển, lưu trú, triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự…

Về việc mở một số đường bay quốc tế, Thủ tướng lưu ý, mỗi chuyến bay đều phải có phương án phòng chống dịch cụ thể, kể cả việc giải phóng nhanh hành khách tại sân bay, địa điểm cách ly…

Trên tinh thần tiếp tục mở các đường bay quốc tế có kiểm soát, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đề xuất tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước. Lịch bay cụ thể báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định. Thủ tướng nhấn mạnh, cần có biện pháp nhanh chóng giải tỏa hành khách tại các sân bay, không để tụ tập đông người, dễ lây nhiễm. Các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công an chỉ đạo giải quyết nhanh hơn nữa các thủ tục đón chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam, báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Việc hướng dẫn quy chế đón tiếp, cách ly đoàn chuyên gia, người ở nước ngoài, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài về, một cách chặt chẽ, thuận lợi để vừa giải quyết công việc tốt nhưng vừa bảo đảm phòng chống dịch là “vấn đề mà các đồng chí phải làm tốt”, đừng để lúng túng, Thủ tướng nêu rõ.

Các quy trình làm thủ tục đón chuyên gia cũng cần cụ thể và công khai bởi “tôi được biết nhiều doanh nghiệp hiện nay không biết làm thế nào”, còn tình trạng lờ mờ, không rõ ràng, Thủ tướng nhắc tất cả các cơ quan liên quan phải làm thủ tục nhanh chóng, thuận lợi hơn. Các địa phương có sự tham mưu của ngành y tế phải tháo gỡ vấn đề này tốt hơn.

Phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống dịch tại các cơ sở cách ly tập trung và cơ sở lưu trú được lựa chọn.

Đối với trường hợp nhập cảnh ngắn ngày, yêu cầu hạn chế tham gia sử dụng các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, lễ hội…

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép cũng như xử lý nghiêm việc tổ chức nhập cảnh trái phép, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép đến lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động nhập cảnh trái phép.

Cho rằng nhiệm vụ nặng nề nhất là của Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu, phải tập trung chỉ đạo, có hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm, cách ly. Hoàn thiện và ban hành các quy trình, hướng dẫn giám sát phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam; đề xuất các hình thức xét nghiệm nhanh người nhập cảnh tại cửa khẩu, các mô hình quản lý người nhập cảnh thuận lợi.

Rút kinh nghiệm từ Đà Nẵng, việc kiểm tra phòng chống dịch tại các cơ sở y tế là rất quan trọng. Tiếp tục hoàn thiện các phác đồ điều trị, nghiên cứu phát triển vaccine, tập trung hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia có kết quả thử nghiệm lâm sàng với vaccine phòng Covid-19. Tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm khác bởi Covid-19 có thể ảnh hưởng tới biện pháp dự phòng truyền thống, gây ra bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết hay bệnh bạch hầu…

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện và hướng dẫn công cụ chung để khai báo y tế và thực hiện truy vết các trường hợp nghi ngờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Sẽ tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO