Các trường nghề gắn với thực hành luôn thu hút đông sinh viên |
Việc sắp xếp lại các trường nghề nhằm giảm đầu mối, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục chồng chéo, dàn trải, nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển có hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Quân đánh giá: "Hiện giáo dục nghề nghiệp có nhiều khởi sắc. Nhiều trường nghề hoạt động hiệu quả và có chất lượng. Trên bình diện chung toàn quốc, quy mô đào tạo nghề tăng, mức độ hài lòng của người học và của doanh nghiệp được cải thiện.
Tuy nhiên, dạy nghề có cơ hội phát triển khi gắn với cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, các trường nghề ở các thành phố lớn, các trung tâm du lịch dịch vụ, các khu kinh tế, khu công nghiệp đang khởi sắc. Ngược lại, các trường nghề tại các địa bàn kinh tế tư nhân chậm phát triển và đang gặp nhiều khó khăn", Thứ trưởng cho biết.
Do đó, về chủ trương sáp nhập, giải thể các trường cao đẳng, trung cấp, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành TW, Nghị quyết số 08 của Chính phủ đã đưa ra các định hướng cơ bản. Bên cạnh sắp xếp các cơ sở công lập, Nhà nước khuyến khích phát triển các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Lê Quân, với các trung tâm cấp huyện, sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thành một trung tâm. Tại nhiều huyện mà nhu cầu học nghề thấp hoặc gần các trường cao đẳng, trung cấp thì không cần tổ chức trung tâm dạy nghề cấp huyện. Tiến tới, các trung tâm cấp huyện trở thành vệ tinh cho các trường cao đẳng, trung cấp.
“Bên cạnh đó, ở các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, số lượng trường cần được duy trì đủ lớn, đủ quy mô đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Nhà nước sẽ lựa chọn ưu tiên đầu tư một số trường trọng điểm. Những trường có khả năng tự chủ thì được tạo cơ chế đẩy nhanh tự chủ thay vì sáp nhập”, Thứ trưởng Lê Quân cho biết thêm.
Việc gom các trường một cách hành chính, không đi liền với tái cấu trúc, cắt giảm nhân sự thì có nguy cơ cao tạo xung đột và làm cản trở sự phát triển của các trường. Trường nghề không nhất thiết phải quy mô lớn, mà cần sự linh hoạt và năng động để cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp.
Tại các địa phương khó khăn, nhu cầu nhân lực trên địa bàn chưa nhiều, theo Thứ trưởng Lê Quân, việc duy trì nhiều trường cao đẳng, trung cấp sẽ tạo áp lực cho ngân sách Nhà nước, dẫn đến đầu tư dàn trải, vì vậy sáp nhập, giải thể các trường là cần thiết.
Từ quá trình sắp xếp lại sẽ dẫn đến dôi dư nhân lực, tình trạng thừa thiếu cục bộ. Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có đề án tái cấu trúc nguồn nhân lực để triển khai đồng bộ công tác tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng lao động, đào tạo lại...
Hiện nay, toàn quốc có 83 trường cao đẳng tư thục và hơn 250 trường trung cấp tư thục. Thời gian gần đây, hoạt động mua bán, sáp nhập các trường tư thục diễn ra khá sôi nổi. Nhiều nhà đầu tư lớn đã quan tâm và đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp.
Thực tế, một số trường tư thục đang dẫn đầu hệ thống, vượt xa trường công về quy mô và chất lượng đào tạo. Mục tiêu đến 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 50 trường tư thục đạt chuẩn chất lượng cao.