Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết: Theo quy định của Luật An ninh mạng 2018 thì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần ban hành 2 Nghị định và một quyết định gồm: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng (Khoản 2 Điều 5) và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật An ninh mạng (Khoản 4 Điều 10; Khoản 5 Điều 12; Khoản 1 Điều 23; Khoản 7 Điều 24; Khoản 4 Điều 26; Khoản 5 Điều 36); và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (Khoản 3 Điều 10; Khoản 3 Điều 43).
Bộ Công an là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo các văn bản trên. Khi triển khai xây dựng những văn bản trên phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc vì đây là lĩnh vực mới, đối tượng chịu điều chỉnh của các quy định gồm nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nên việc xin ý kiến được thực hiện nhiều lần, nhiều địa chỉ.
Cụ thể Bộ Công an đã gửi 216 văn bản xin ý kiến các bộ ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương và chuyên gia. Tính đến thời điểm hiện nay, hai Nghị định và Quyết định nêu trên cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đặt ra; chờ kết quả thẩm định của Bộ Tư pháp, cơ quan chức năng và kết luận của Chính phủ. Dự kiến trong năm 2019 sẽ ban hành.
Cũng theo chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do ngôn luận cũng như quyền bày tỏ chính kiến, quan điểm của bất kỳ cá nhân nào khi tham gia mạng xã hội. Trong 6 nhóm hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng, không có bất kỳ điều khoản nào thể hiện việc cấm người dùng mạng bày tỏ chính kiến hay cảm xúc.
Tất cả chỉ nhằm nghiêm cấm các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp, xâm hại quyền lợi vật chất và tinh thần của cá nhân và cộng đồng. Luật An ninh mạng ra đời phù hợp với hiến pháp và luật pháp, là một định chế pháp lý cần thiết nhằm bảo đảm sự bình đẳng, quyền tự do cá nhân trên mạng không bị xâm hại, tránh và hạn chế những sự phá hoại, những hành vi trái luật pháp, trái đạo đức một cách cố ý hoặc vô ý trên không gian mạng của họ; đồng thời là phương tiện và công cụ hết sức cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ đất nước, bảo vệ đời sống bình an của người dân trên không gian mạng.
Không chỉ bảo vệ người dùng Interrnet, Luật An ninh mạng còn tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước bị quản lý thế nào thì các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ Internet xuyên biên giới cũng phải bị một sự quản lý tương tự như vậy nó sẽ tạo ra sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trên cơ sở các quy định tại Khoản 8 Điều 16; Khoản 3 Điều 19; Khoản 2 Điều 21 Luật An ninh mạng về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng thì Việt Nam sẽ sử dụng đồng bộ các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp; với những biện pháp sẽ thực hiện để làm sạch không gian mạng đối với người dùng Việt Nam.
Bất cứ nền tảng xuyên biên giới nào vào Việt Nam hoạt động không tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ không được phép hoạt động; các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động hợp tác với các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời hợp tác chặt chẽ, chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý nội dung, quản lý hoạt động quảng cáo và thuế.
Đặc biệt, nhằm chống lộ lọt thông tin cá nhân, lọt lộ bí mật nhà nước, Luật An ninh mạng cũng đã quy định những thông tin quan trọng về an ninh quốc gia cần được bảo vệ trên không gian mạng. Trên cơ sở đó Chính phủ sẽ quy định cụ thể những hệ thống thông tin nào trong các lĩnh vực nêu trên thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng cũng quy định rõ trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được giao cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, trực tiếp là lực lượng An ninh mạng thuộc Bộ Công an, lực lượng Tác chiến Không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng.
Để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, Luật An ninh mạng cũng giao Chính phủ quy định cụ thể việc phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng trong việc thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.