Chị Nguyễn Thị Ánh Dương (1988, trú xã Sơn Kim 1, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, vào tháng 4- 2018, thông qua lời giới thiệu của một người bạn, chị xuống Hồng Lĩnh gặp Nguyễn Thị Kim Liên để đặt vấn đề nộp hồ sơ đi XKLĐ tại Nhật Bản. Liên giới thiệu mình là "giảng viên đại học", có chồng bộ đội nên có nhiều mối quan hệ, đặc biệt là có khả năng đưa người đi XKLĐ. Nhìn vào gia thế, chị Dương tin tưởng giao hồ sơ và số tiền 190 triệu đồng cho Liên. Được giới thiệu ra Hà Nội học tiếng và thi đơn hàng, chị Dương đã đạt trong kỳ thi đó. "Sau một thời gian chờ đợi, Liên còn gửi cho xem hành ảnh Visa đi Nhật Bản mang tên tôi nên gia đình hết sức vui mừng và yên tâm. Nghĩ rằng gần đi nên tôi đã chuẩn bị rất nhiều đồ dùng thiết yếu để sử dụng trong thời gian đầu nơi xứ người. Tuy nhiên, chờ mãi vẫn không thấy thông báo xuất cảnh nên tôi ra Hà Nội để hỏi thì được đại diện một Cty XKLĐ ở đây cho biết đơn hàng của tôi đã bị hủy vì người môi giới không nộp tiền cho Cty. Nhờ bạn bè kiểm tra ảnh Visa thì được biết có dấu hiệu giả mạo"- chị Dương cho biết. Cho rằng bị lừa, chị Dương đã gặp Liên để đòi tiền. Ngày 2- 11, trước sức ép, Liên viết giấy cam kết đến ngày 8-11 sẽ trả số tiền 190 triệu đồng; đồng thời trả thêm 20 triệu đồng chi phí đi lại của chị Dương, nhưng sau đó mất hút.
Các giấy biên nhận tiền và cam kết trả nợ của vợ chồng Nguyễn Thị Kim Liên
Cùng chung cảnh ngộ với chị Dương là anh Nguyễn Bá Trung (1977) và em vợ là Đặng Văn Chinh (1988), cùng trú xã Thạch Đỉnh, H.Thạch Hà (Hà Tĩnh). Tin lời Liên giới thiệu đi du học, XKLĐ, hai anh em đã nộp cho Liên tổng cộng hơn 400 triệu đồng. Theo anh Chinh, ngày 23-7, Liên viết giấy nhận của anh số tiền 170 triệu đồng để "làm hồ sơ du học nghề", dự kiến bay trong tháng 9- 2018, cam kết nếu không bay được sẽ hoàn tiền. Thế nhưng đến nay đã hơn 3 tháng, lịch bay không có, tiền cũng không đòi lại được. "Cả tháng nay, hai anh em liên tục chở nhau ra nhà bà Liên để chờ đòi tiền. Chúng tôi đã bán tài sản, vay mượn cầm cố để đưa tiền cho Liên, bây giờ hết sức khó khăn", anh Trung nói. Không riêng gì các nạn nhân trong tỉnh, những người ngoại tỉnh cũng mắc kẹt trong mớ hỗn độn mang thương hiệu XKLĐ của Liên, đó là chị Thiều Thị Thư (quê Hiệp Đức, Quảng Nam). Chị Thư cũng đã nộp cho Liên 160 triệu đồng tiền XKLĐ, nhưng không có thông báo đi; hay ông Ngô Xuân Thành (trú xã Hưng Chính, H.Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng nộp cho Liên tổng số tiền 220 triệu đồng để "làm hồ sơ thương mại Nhật Bản". Cụ thể, ngày 4- 9, Nguyễn Thị Kim Liên và ông Phạm Như Ý (chồng bà Liên- PV) cùng ký vào giấy nhận tiền của ông Thành số tiền 20 triệu đồng; ngày 7- 9, Liên ký nhận tiếp của ông Thành số tiền 100 triệu đồng; ngày 8- 9, vợ chồng Liên tiếp tục ký nhận của ông Thành 100 triệu đồng.
Ở một diễn biến khác, ngày 23-10-2018, ông Phạm Như Ý, cũng ký xác nhận việc vợ mình nhận của ông Phạm Văn Đàn số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Trong giấy cam kết, ông Ý viết: "Vợ tôi là Nguyễn Thị Kim Liên có nhận của anh Phạm Văn Đàn số tiền là 1.201.000.000 đồng (một tỷ hai trăm linh một triệu đồng), tôi xin cam kết sẽ hoàn trả lại cho anh Đàn số tiền trên, nếu không đúng tôi sẽ bàn giao lại quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho anh Đàn, và chiếc xe Mazda 6 (BKS 38A-128.96) trước ngày 25-10-2018".
Khởi tố hàng loạt vụ án
Ngày 3-12, Thượng tá Nguyễn Công Dũng-Trưởng CATX Hồng Lĩnh cho biết: thời gian qua, cơ quan CSĐT CATX Hồng Lĩnh đã tiếp nhận 47 đơn thư của công dân tố cáo Nguyễn Thị Kim Liên (1988, trú số nhà 269A, đường Trần Phú, thị xã Hồng Lĩnh), đã nhận tiền để chạy đi Du học và XKLĐ, tuy nhiên, việc không xong, tiền Liên cũng không trả lại được. Theo thống kê ban đầu, số tiền mà Nguyễn Thị Kim Liên nhận từ các bị hại lên tới 9 tỷ đồng. Hiện tại, người bị tố cáo là chị Nguyễn Thị Kim Liên đang vắng mặt tại địa phương. Cũng theo Thượng tá Dũng, vì số tiền quá lớn, số người bị hại nhiều, phạm vi rộng, không chỉ trong địa bàn Hà Tĩnh, mà cả Nghệ An, Quảng Nam... nên cơ quan CSĐT CATX Hồng Lĩnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu cho Phòng Cảnh sát Kinh tế- CA tỉnh Hà Tĩnh xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngôi nhà của Nguyễn Thị Kim Liên đóng cửa vài tuần nay.
Đại tá Đặng Hoài Sơn- Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA tỉnh Hà Tĩnh xác nhận, đã tiếp nhận vụ việc nói trên từ CATX Hồng Lĩnh. Hiện Cơ quan CSĐT CA tỉnh đang vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cũng theo Đại tá Đặng Hoài Sơn, liên quan đến hành vi lừa đảo, thời gian qua, CA tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố hàng loạt vụ án, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Oanh, lừa tiền chạy việc, chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng; bắt bà Mai Thùy Linh, lợi dụng danh nghĩa từ thiện, chiếm đoạt của hai doanh nghiệp số tiền gần 2,7 tỷ đồng; bắt Nguyễn Thị Thắm (nhân viên bảo hiểm lừa đảo), chiếm đoạt với số tiền hơn 30 tỷ đồng.