14 vở diễn gồm các thể loại: Kịch, chèo, cải lương sẽ cùng so tài tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV năm 2020 mừng kỷ niệm 1010 Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và hướng về giỗ Tổ ngành sân khấu (ngày 12 tháng 8 âm lịch).
Vở chèo “Tình sử Thăng Long” của Nhà hát Chèo Hà Nội tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần VI.
Từ 26/9 đến 4/10, nhiều rạp hát ở Hà Nội như: rạp Công Nhân, rạp Kim Mã, rạp Đại Nam, rạp số 1 Tràng Tiền, rạp 11 Ngô Thì Nhậm, Nhà hát A3 Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội… sẽ sáng đèn với những đêm biểu diễn của Liên hoan Sân khấu Thủ đô. Theo ban tổ chức, kỳ liên hoan này sẽ có 14 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật so tài, gồm: “Trương Chi - Mị Nương” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Những người ở lại” (Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội), “Hà Nội những mảnh vỡ” (Sân khấu Lệ Ngọc), “Huyền thoại Hà Nội” (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), “Trinh Nguyên” (Nhà hát Chèo Việt Nam), “Hoàng thúc Lý Long Tường” (Nhà hát chèo Bắc Giang), “Người đi tìm minh chủ” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Bạch đàn liễu” (Lucteam), “Huyền thoại Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Hà Nội), “Cánh chim trắng trong đêm” (Hội sân khấu tỉnh Bạc Liêu), “Người tốt nhà số 5” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Chuyện thành Cổ Loa” (Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh), “Đợi đến mùa xuân” (Nhà hát Tuổi trẻ) và “Tình sử Thăng Long (Nhà hát chèo Hà Nội)”.
Có thể thấy, phần lớn trong số 14 vở diễn đó mới được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng và công diễn hồi đầu năm nay và hy vọng sẽ đem đến cho liên hoan những bức tranh tươi sắc về Hà Nội. Đó có thể là một “Tình sử Thăng Long” với góc nhìn mới mẻ về mối tình nổi tiếng trong lịch sử - mối tình Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Đó có thể là một Hà Nội thời bao cấp với những mối quan hệ phiền phức khi “cái tôi” chưa thực sự hòa hợp với “cái chúng ta” trong “Người tốt nhà số 5”. Đó có thể là những câu chuyện về một Hà Nội hào hoa, một Hà Nội của những út vệ, cảm tử quân trong những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946 trong “Những người ở lại”. Hay cũng có thể là một “Hà Nội những mảnh vỡ” ngồn ngộn chất liệu cuộc sống hôm nay khiến người xem không khỏi nhức lòng… Thêm một điều thú vị là bên cạnh các đơn vị nghệ thuật phía Bắc, liên hoan năm nay còn có sự tham dự của hai đơn vị nghệ thuật phía Nam với kỳ vọng sẽ góp phần thêm màu sắc, hấp dẫn cho những ngày hội của sân khấu Thủ đô.
Liên hoan Sân khấu Thủ đô từ lâu đã được coi là một trong những sân chơi nghề chất lượng dành cho những nghệ sĩ sân khấu Thủ đô. Theo đánh giá của Ban tổ chức, mặc dù tính chất “liên hoan” nhưng thực tế các đơn vị nghệ thuật đều đầu tư rất công phu từ khâu kịch bản đến dàn dựng. Vì vậy, ở ba kỳ liên hoan trước đã có rất nhiều vở diễn gây tiếng vang như: “Hà Nội gió mùa”, “Dâu bể một kiếp tằm”, “Khát vọng”, “Những người con Hà Nội”… “Năm nay là cuộc so tài đầy kịch tính và hấp dẫn. Một số vở diễn được dàn dựng mới đã tạo được hiệu ứng tốt trong giới làm nghề và khán giả. Một số vở được dựng lại và đã từng công diễn nhưng với góc nhìn mới” và mang đậm hơi thở của thời đại. Cùng với đó, liên hoan là dịp tiếp lửa niềm đam mê cho những nghệ sĩ trẻ để họ tiếp tục cống hiến tài năng và nhiệt huyết của mình cho khán giả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sân khấu nước nhà” - NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo liên hoan nhấn mạnh.
Được biết, để có thể tổ chức liên hoan ngay sau khi lần 2 dịch Covid-19 được kiểm soát, ngay từ đầu năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã gửi giấy mời đến các đơn vị nghệ thuật để các đơn vị lên kế hoạch tập luyện. Với kế hoạch 2 suất diễn/ngày (buổi sáng bắt đầu lúc 9 giờ và buổi tối bắt đầu lúc 20 giờ), liên hoan được mở cửa miễn phí để đón khán giả tới thưởng thức các vở diễn.