Dù đã bước sang phần 2 và chiếu đến những tập thứ 50, bộ phim “Thương ngày nắng về” vẫn luôn được khán giả truyền hình mong chờ vào mỗi tối thứ 2, thứ 3 và thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV3. Cũng bởi, từ bộ phim này, mỗi người dường như được gặp câu chuyện của mình, của gia đình mình để cùng khóc - cười và rồi rưng rưng… “Thương ngày nắng về”
Bộ phim quy tụ dàn diễn viên đang được yêu mến
Bộ phim “Thương ngày nắng về” kể câu chuyện của bà Nga và 3 cô con gái: Vân Khánh, Vân Trang và Vân Vân. Câu chuyện ấy dành 5 tập đầu là hồi ức của Vân Trang về tuổi thơ đẫm nước mắt, lý giải vì sao cô trở thành con gái yêu của mẹ Nga dù bà không phải là người mang nặng đẻ đau, lý giải vì sao cô luôn khao khát được gặp lại mẹ đẻ lấy một lần để tìm câu trả lời cho bi kịch hằn sâu trong ký ức của ngày mưa năm xưa. Từ dòng hồi ức buồn thương ấy, “Thương ngày nắng về” tập trung vào những tháng năm xây đắp, kiếm tìm hạnh phúc đầy nhọc nhằn, gian khó thậm chí là sai lầm. Nhưng từ điểm tựa vững chắc là mẹ Nga, ba cô Vân Khánh, Vân Trang, Vân Vân dần trưởng thành, vươn tới ước mơ. Đó là cô chị cả Vân Khánh loay hoay, vò đầu bứt tai xây tổ ấm gần 10 năm nên ngày ngày vẫn phải trông chờ vào sự bảo bọc của mẹ, từ việc đưa đón con đi học đến dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, chuẩn bị bữa ăn thậm chí là cả những nỗi tủi hờn vì bị mẹ chồng bắt nạt, chị chồng gài bẫy, lừa đảo. Đó là cô út Vân Vân ngây thơ, hồn nhiên, chỉ mộng mơ với những nét cọ mà chểnh mảng việc học hành, rồi vấp váp khi vừa mới yêu khiến mẹ Nga không ngừng âu lo… Đó là, cô hai Vân Trang mạnh mẽ, giỏi giang, bản lĩnh song vẫn làm mẹ Nga ngấp nghến vì mãi chưa có được tấm chồng. Đặc biệt, Vân Trang dù là người con bà Nga không có công sinh nhưng có công dưỡng 26 năm. Và sau biết bao vất vả, chông chênh, sau tất cả những bù đắp bằng cả trái tim đong đầy yêu thương của một người mẹ nhân hậu, vị tha, ranh giới ấy đã bị xóa nhòa, khiến bà Nga chẳng những không còn nhớ chuyện con đẻ - con nuôi mà còn luôn dang rộng vòng tay đón Vân Trang trở về … Giữa vũ trụ - mẹ Nga bán bún riêu - các cô con gái của bà được lớn lên trong những tiếng cười giòn tan; trong những giận hờn, la mắng, trách móc; trong những giọt nước mắt mặn mòi, xót xa… để mà ước mơ, rồi lập nghiệp, rồi yêu… Vũ trụ ấy cũng còn nhiều khiếm khuyết như hay lắm lời, lắm chuyện; hay lo chuyện người khác; can thiệp quá sâu vào ước mơ, vào sự kiếm tìm hạnh phúc của con trẻ (suốt ngày bắt Vân Trang đi gặp mặt bạn trai, ép Vân Vân học ngành tài chính trong khi cô chỉ thích vẽ, ôm đồm việc nhà của Vân Khánh không để cô tự lo liệu, trưởng thành…). Bởi thế mà cậu Vượng - cậu em trai tốt tính, thơ ngây, ham thơ phú đã có bài vè về chị gái của mình để 3 đứa con gái chọc ghẹo mẹ mình trong những tiếng cười hạnh phúc: “Ve vẻ vè ve/ Về bà Nga béo/ Lúc tươi lúc héo/ Nói suốt cả ngày/ Bốc bún luôn tay/ Người rinh mùi mắm/ Bị chê nói lắm/ Thì mặt sưng lên/
Xem phim “Thương ngày nắng về” khán giả như thấy câu chuyện của mình, của gia đình mình. Những lúc nổi điên/ Cầm muôi múa võ/… Hơi tí nóng nảy/ Chuyện bé xé to/ Hơi tí âu lo/ Thương vay khóc mướn…”
Nhưng, vũ trụ ấy có một sức mạnh đặc biệt - sức mạnh của một điểm tựa vững chãi được xây đắp bởi tình mẫu tử thiêng liêng, không biên giới, rằng: “Nếu đời này mà dễ dàng, thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc. Mẹ sống được đến bây giờ, thì con gái mẹ nhất định cũng sẽ sống được. Cứ yên tâm. Có mẹ đây rồi!”. Hẳn rằng, không ít khán giả đã trào nước mắt khi nghe bà Nga vỗ về, chở che cho những đứa con gái của mình như thế. Không trào nước mắt sao được trước tấm lòng, sự bao dung, đức hy sinh của một người mẹ chẳng phải giàu có hay trâm anh thế phiệt gì mà chỉ là một bà bán bún riêu ở một ngã ba nhỏ của khu tập thể cũ Hà Nội, sớm ở vậy thờ chồng, nuôi con. Không thổn thức sao được khi người mẹ có biệt danh là “Nga béo” ấy dù người lúc nào cũng đượm mùi… mắm tôm vậy mà có triết lý sống thiết thực và rất đỗi lạc quan. Không nghẹn ngào sao được trước một bà mẹ ngày ngày tất tả, chật vật bòn góp từng đồng để nuôi con lớn khôn, vậy nhưng lúc cần thì bà sẽ trở thành người khổng lồ sẵn sàng vươn mình che chắn cho các cô con gái vượt qua bão giông cuộc đời…
Đầu tiên, bà Nga trở thành người khổng lồ của Vân Trang, từ lúc ấu thơ cho đến khi cô trưởng thành. Dẫu rằng nhà đã muôn cái khó, dẫu rằng chỉ là cuộc gặp gỡ giữa đường với người mẹ khốn khổ, dẫu rằng chỉ là một con bé xa lạ và cũng đã tính không thể cưu mang vậy nhưng cuối cùng mẹ Nga lại lặn lội đón cái Hoa (tên mẹ đẻ đặt) về nuôi nấng, yêu thương, bù đắp, thậm chí làm giấy khai sinh, thay tên, đổi họ thành Vân Trang với ước mong con bé trở thành một thành viên thực thụ của gia đình khiến chẳng ai còn nhớ đấy là con nuôi. Bởi vậy, dù mẹ Nga không có công sinh nhưng Vân Trang luôn coi bà là người mẹ đích thực của mình để cô được trở về và rúc nách mẹ mà giụi đầu, mà thủ thỉ mỗi khi lòng trĩu nỗi buồn. Nhưng vết thương tuổi thơ bị bỏ rơi đã hằn sâu trong ký ức nên chưa khi nào lòng cô bình yên, nó luôn giục giã cô một mặt âm thầm tìm kiếm cơ hội xuất hiện trước mặt mẹ đẻ để tìm câu trả lời năm xưa, một mặt giấu diếm, không san sẻ vì không muốn mẹ Nga buồn. Và giữa bão lòng tưởng như chẳng thể đứng vững ấy của Vân Trang, cũng có lúc mẹ Nga dỗi dằng trong nước mắt: “Hóa ra là tôi dần quên còn chị thì vẫn nhớ, tôi quên là chưa từng đẻ ra chị.” - “Hóa ra bao nhiêu năm ấy yêu thương, bù đắp cho nó vẫn chưa đủ”. Nhưng cuối cùng chính mẹ Nga lại là người vỗ về Vân Trang tha thứ: “Con này, con hãy vì người mẹ nuôi con 26 năm trời này, con hãy tha thứ cho mẹ đẻ con đi!” và bà cũng là người độ lượng trao cơ hội cho bà Kim Nhung (mẹ đẻ Vân Trang), bởi nhẽ: “Vì con bé Trang của tôi, tôi không mong trong lòng nó lúc nào cũng nhớ về nỗi đau bị bỏ rơi. Tôi yêu nó, tôi muốn nó được hạnh phúc. Nếu mà nhận lại cô, nó được hạnh phúc đủ đầy thì tôi đồng ý”. Thực là, tình yêu và lòng yêu thương của mẹ Nga luôn dạt dào, ấm áp, bao dung hơn bao giờ hết. Chỉ cần con gái được hạnh phúc đủ đầy là mọi trách móc, mọi nhọc nhằn, mọi ích kỷ… trong bà sẽ được xóa nhòa!
Còn với Vân Khánh, dù bao lần mắng té tát vào mặt con gái vì cái sự vụng về, lúng túng trong việc quán xuyến gia đình nhưng đến khi cô bị mẹ chồng, chị chồng làm nhục thì bà Nga liền mở rộng vòng tay đón con về nhà. Xúc động làm sao trước cảnh vừa xem clip nóng của Vân Khánh, bà Nga hét lên: “Ai làm hại con gái tôi?” để rồi mặc sức khỏe còn yếu đã tất tả đến khách sạn vỗ về con gái trong tiếng nấc: “Không sao đâu con! Có mẹ đây rồi! Về nhà với mẹ!”. Phải là người mẹ rất hiểu, rất tin yêu con cũng như vô cùng mạnh mẽ, bản lĩnh thì bà Nga mới có thể bình tĩnh “xông vào” giông bão mà vực con mình đứng dậy như thế. Bà cũng chính là điểm tựa yêu thương, là chốn bình yên cho con trở về sau những giông gió cuộc đời… Và, những cao trào nội tâm, cảm xúc ấy của bà Nga đã được NSƯT Thanh Quý thể hiện một cách xuất sắc, cứ như thể người nghệ sĩ này cũng chính là bà Nga lắm điều, ghê gớm, đôi khi cổ hủ nhưng chịu thương, chịu khó, hết lòng vì con cháu và dễ… mủi lòng!
Ngoài ra, ở “Thương ngày nắng về” còn nhiều tuyến nhân vật điển hình cho không ít mẫu người trong xã hội như cậu Vượng (em bà Nga) - mẫu người thật thà, cả tin; Đức (chồng Vân Khánh) - mẫu người hiền lành nhưng nhu nhược; bà Hiền (mẹ Đức) - mẫu mẹ chồng ghê gớm, tai quái, đồng bóng; ông Hùng (bố Đức) - mẫu bố chồng là những trí thức “mọt sách” dù hiểu biết, nhân hậu nhưng bất lực; Thương (chị Đức) - mẫu bà cô phá gia chi tử, lừa lọc; Duy (người yêu Vân Trang) - mẫu người trẻ tuổi giỏi giang, dám theo đuổi ước mơ; Phong (người yêu Vân Vân) - mẫu người tài hoa, sống không nghĩ đến ngày mai… Cùng với đó, nhiều tình huống, nút thắt, tuyến truyện được đan cài trong phim để cùng kể chuyện về bà Nga và các con của bà, là tình mẫu tử, tình chị em, tình nghĩa vợ chồng, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu… một cách nhẹ nhàng, giản dị, hài hước mà sâu sắc. Các nghệ sĩ tham gia bộ phim như: NSƯT Thanh Quý (bà Nga), NSND Minh Hòa (bà Kim Nhung), NSND Lan Hương (bà Hiền), NSND Trung Anh (ông Hùng), Bá Anh (cậu Vượng), Lan Phương (Vân Khánh), Phan Minh Huyền (Vân Trang), Phạm Ngọc Huyền (Vân Vân), Đình Tú (Duy), Doãn Quốc Đam (Phong)… với lối diễn xuất tự nhiên, chân thực, giàu nội tâm đã để lại nhiều ấn tượng trong vai diễn của mình.