Quyết trị "bệnh mạn tính" bơm tạp chất vào tôm

Đỗ Minh/HNM| 10/05/2019 11:35

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm chấm dứt hành vi bơm tạp chất vào tôm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, việc bơm tạp chất vẫn như "căn bệnh mạn tính", diễn ra lén lút với những cách thức tinh vi, gây thiệt hại cả về kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng. Trước tình hình đó, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tiếp tục chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm.

Quyết trị
Lực lượng chức năng bắt quả tang hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu tại một cơ sở kinh doanh ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nguyên Hương

Vẫn lén lút vi phạm

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện một số tụ điểm bơm tạp chất vào tôm. Tại Hà Nội, vào tháng 3, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh thủy sản Thanh Ngát (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và phát hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm. Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Anh Hiếu cho biết, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ phương tiện, vật chứng liên quan và gần 70kg tôm đã bị bơm tạp chất. Chủ cơ sở kinh doanh thủy sản Thanh Ngát khai nhận, mỗi ngày có 3-4 nhân viên bơm tạp chất vào tôm rồi mang đi tiêu thụ.

Trước đó, tháng 1-2019, lực lượng chức năng thành phố Hải Phòng cũng kiểm tra và thu giữ 60kg tôm sú đã bị bơm tạp chất tại cơ sở kinh doanh của bà Nguyễn Thị Hạnh, phường Nam Hải (quận Hải An, thành phố Hải Phòng). Bà Nguyễn Thị Hạnh thừa nhận, hằng ngày nhân viên của cơ sở thu mua tôm chết về tiến hành bơm tạp chất để tăng trọng lượng đem đi tiêu thụ ở các chợ.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, tình trạng bơm tạp chất vào tôm xuất hiện từ 20 năm nay. Dù Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp mạnh, song do lợi nhuận cao, nhiều người bất chấp những hệ lụy vẫn tiếp tục vi phạm. Để thêm chế tài đủ mạnh, ngày 13-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2419/QĐ-TTg (Quyết định 2419) phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Theo đó, đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và phạm vi địa bàn cả nước.

Thế nhưng, đáng lo ngại là, theo Bộ NN&PTNT, sau 2 năm thực hiện Quyết định số 2419/QĐ-TTg, tại 4 tỉnh trọng điểm (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang) chỉ có 20% cơ sở nuôi tôm thực hiện ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. “Các cơ quan chức năng đã phát hiện 177 vụ vi phạm về hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu và tiến hành xử phạt với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Tình hình bơm tạp chất vào tôm không còn công khai, phổ biến như trước nhưng tại nhiều địa phương có hiện tượng lén lút vi phạm hoặc tái phạm, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, nằm sâu trong khu dân cư” - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp bày tỏ.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (tỉnh Cà Mau) Nguyễn Văn Quang, hành vi bơm tạp chất vào tôm gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đối với tôm kinh doanh, sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đối với bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu sẽ làm mất uy tín ngành tôm. Nghiêm trọng hơn, nếu không kiểm soát tốt, chỉ cần một lô hàng xuất khẩu bị trả về là coi như “hết đường” xuất khẩu…

Quyết liệt vào cuộc

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến hành vi bơm tạp chất vào tôm vẫn diễn ra là do các địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt; chế tài xử lý chưa đủ mạnh... Việc thực hiện ký kết và xử lý các hành vi bơm tạp chất vào tôm theo Quyết định số 2419/QĐ-TTg mới chỉ được các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang triển khai quyết liệt; còn tỉnh Sóc Trăng chưa phát hiện, xử lý được trường hợp vi phạm nào. Cũng chưa có trường hợp nào được áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đình chỉ hoạt động… Mặt khác, lực lượng thanh tra, kiểm tra còn thiếu và yếu, thậm chí kiêm nhiệm nên hoạt động chưa chuyên sâu, thiếu chặt chẽ... 
Quyết trị
Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra cơ sở kinh doanh thủy sản Thanh Ngát (huyện Sóc Sơn), phát hiện các đối tượng đang bơm tạp chất vào tôm.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để xử lý hiệu quả việc bơm tạp chất vào tôm, Bộ NN&PTNT và các địa phương tham mưu với Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Về phía chính quyền các địa phương, cần thực hiện nghiêm Công văn số 3556/VPCP-NN ngày 2-5-2019 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về tiếp tục triển khai kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. 

Theo đó, tổ chức cho các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tôm ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Đối với các địa bàn trọng điểm, chủ tịch UBND các tỉnh cần tập trung chỉ đạo hoàn thành ký cam kết đối với 100% các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tôm, kể cả cơ sở thuộc đối tượng quản lý của cấp huyện, cấp xã. Bộ Công an khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất, hướng dẫn xử lý theo Bộ luật Hình sự; trường hợp không xác định được tội danh, chủ động đề xuất giải pháp với cơ quan có thẩm quyền…

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thành phố Hà Nội đã phân công rõ trách nhiệm từng đơn vị liên quan và chính quyền các quận, huyện, thị xã; đồng thời sẽ phê bình nghiêm khắc địa phương buông lỏng quản lý…
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Quyết trị "bệnh mạn tính" bơm tạp chất vào tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO