Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo báo cáo của Bộ GT-VT, thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó có việc xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến tham gia Cơ chế một cửa quốc gia được ưu tiên hàng đầu. Đến nay, Bộ GT-VT đã có 255 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Trong giai đoạn 2017-2018, trung bình mỗi năm có gần 400.000 hồ sơ được thực hiện theo phương thức trực tuyến trong tổng số 1,6 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Ba năm liên tiếp (2016-2018), Bộ GT-VT dẫn đầu về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (trong số 20 bộ, ngành) theo đánh giá xếp hạng ICT Index quốc gia.
Tính đến ngày 10-11, Bộ đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 70 thủ tục hành chính tham gia Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số thủ tục hành chính của Bộ tại Cơ chế một cửa quốc gia lên 82. Ngay trong năm 2018, Bộ sẽ hoàn thành cung cấp 100% các thủ tục hành chính đã đăng ký tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà Bộ GT-VT đã đạt được trong công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có thể làm được gì tốt cho người dân, cho doanh nghiệp thì phải làm ngay. Trong thời gian tới Bộ GT-VT cần phải triển khai quyết liệt hơn cả về hạ tầng và cải cách hành chính, đặc biệt là yếu tố con người; nâng cao nhận thức về ý nghĩa của cải cách hành chính và Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, góp phần nâng cao điều kiện cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Bộ GT-VT cần tiếp tục đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng nguyên lý rủi ro và uy tín khai báo của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị, Bộ GT-VT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát lại các văn bản, đối chiếu với các quy định của Chính phủ để sửa đổi, bổ sung, đưa ra kế hoạch hành động của mình, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, chống gian lận thương mại; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành khác trong công tác kiểm tra nhằm tránh tình trạng chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp...