Đặc biệt hơn cả, chất liệu này còn dùng để sản xuất giấy sắc, dùng làm sắc phong trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Giấy dó truyền thống dù mộc mạc, mỏng manh nhưng có tính dai, độ bền, hút ẩm tốt, một tờ giấy dó trải qua đúng công đoạn, quy trình có thể lưu giữ hàng trăm năm. Đó chính là sự độc đáo, khác biệt của các loại giấy khác. Đa dạng trong cách thức sử dụng, giấy dó truyền thống thực sự gắn bó với đời sống người Việt xưa, nó chính là chất liệu để lưu giữ và truyền tải các giá trị văn hóa lịch sử từ ngàn năm. Việc giới thiệu nghề giấy dó là dịp để công chúng hiểu thêm, qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về loại giấy truyền thống này.
Tại không gian bích họa phố Phùng Hưng, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức chương trình văn hóa với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” từ ngày 27/4 - 1/5 nhằm tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công trong công tác bảo tồn giá trị di sản. Hoạt động này sẽ giới thiệu một số sản phẩm làng nghề tiêu biểu của Hà Nội như: Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), nón Chuông (Thanh Oai), sừng Thụy Ứng (Thường Tín), quạt Chàng Sơn, chuồn chuồn tre (Thạch Thất), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ)… Ngoài ra, trong không gian phố bích họa Phùng Hưng, Ban tổ chức cũng giới thiệu bộ sưu tập “Xuân Hè 2019” của các nhà thiết kế Hà Nội; chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống vào các tối từ 27/4 - 1/5.
Sự kiện cuối cùng trong chuỗi hoạt động văn hóa là triển lãm tranh với chủ đề “Chiến tranh và hòa bình” của tác giả Nguyễn Thái Bảo, tổ chức từ ngày 28/4 - 9/5, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ). Triển lãm bao gồm các tác phẩm tranh vẽ, tranh cổ động về các sự kiện lịch sử của dân tộc, chân dung các chiến sĩ bộ đội giải phóng quân và phong cảnh, con người Việt Nam trong thời bình.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Phố cổ Hà Nội góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống, tạo thêm món ăn tinh thần cho công chúng nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5.