Phú Thọ: "Hô biến" hàng loạt quả đồi thành công trường khai thác quặng

Đăng Chung/ Theo Gia đình VN| 06/04/2018 19:33

Những quả đồi tại các xã thuộc Thanh Thủy, Phú Thọ vốn là những đồi keo nay bị san gạt, đào bới nham nhở khắp nơi để phục vụ cho việc khai thác, tìm quặng cao lanh...

Những quả đồi... "tiền tỷ"

Báo Gia đình Việt Nam nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng đào bới, san múc các ngọn đồi tại một số xã như Đào Xá, Tân Phương, Sơn Thủy (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) để khai thác quặng cao lanh đang diễn ra rất nhức nhối, gây ảnh hưởng không nhỏ về môi trường và đời sống của người dân nơi đây.

Dọc theo tỉnh lộ 316 vào các xã Tân Phương, Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ), đập vào mắt PV là hàng loạt quả đồi đất như những chiếc bát úp ngược xanh mướt trước đây, giờ biến thành "đại công trường" đang bị đào bới nham nhở để khai thác quặng.

Empty

Những quả đồi bị "biến dạng" vì hoạt động khai thác quặng cao lanh tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ)

Theo một số người dân địa phương, bên dưới nhiều quả đồi tại hai xã Đào Xá và Tân Phương là những mỏ quặng cao lanh khổng lồ nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền tỷ ra để mua bán "sang tay" cả quả đồi với người dân bản địa.

Anh T. (người dân khu 19, xã Đào Xá) cho biết: "Doanh nghiệp người ta mua theo hợp đồng sang tay. Ví dụ đồi này khai thác khoảng bao nhiêu năm thì người ta sẽ trả lại mặt bằng. Tùy từng khu vực trữ lượng quặng nhiều hay ít, quặng chất lượng tốt hay xấu mà doanh nghiệp thỏa thuận mức giá với người dân".

Empty

Một điểm tập kết quặng cao lanh tại xã Tân Phương (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).

Tại khu vực xã Tân Phương (Thanh Thủy, Phú Thọ), nhiều người dân cho biết ngoài việc "mua đứt" của người dân để khai thác thì một số doanh nghiệp mua xong rồi bán lại cũng "trúng đậm" do trữ lượng quặng nhiều.

"Có đồi quặng nhiều họ mua xong bán lại một góc cho người khác khai thác cũng đã được vài tỷ rồi", anh B. (người dân xã Tân Phương) khẳng định.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của người dân địa phương thì nhiều doanh nghiệp còn dùng "chiêu bài" xin hạ cốt nền, san lấp mặt bằng để phục vụ sản xuất, chăn nuôi nhưng thực tế là khai thác cao lanh.

Empty

Lối vào một điểm khai thác quặng tại xã Tân Phương (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ)

"Giờ đồi đất ở đây người ta cho mấy công ty đào hết để lấy quặng cao lanh. Phần đất đồi nương ngày xưa chúng tôi khai hoang trồng sắn, trồng keo nhưng bây giờ chính quyền giao cho mấy công ty đầu tư san lấp mặt bằng để nuôi dê, nuôi lợn gà. Nói là thế nhưng chúng tôi biết là họ chỉ hợp thức hóa xong sẽ khai thác khoáng sản thôi", bà L. (người dân khu 5, xã Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ) cho hay.

Việc đào bới, san múc các ngọn đồi để khai thác quặng cao lanh này, theo một số người dân cho biết đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.

"Đường sá thì ô tô chở quặng chạy nát bấy, khói bụi mù mịt. Hôm nào mưa thì đất đá xô tràn xuống ruộng mương của chúng tôi", chị H. (người dân khu 7, xã Tân Phương), bức xúc.

Làm quặng phải "có máu mặt"?

Trong suốt quá trình khảo sát, tìm hiểu về thực trạng tại đây, nhóm PV chúng tôi phát hiện hàng chục bãi khai thác, tập kết quặng cao lanh cao khổng lồ trên những quả đồi tại các xã Đào Xá, Tân Phương, Sơn Thủy (Thanh Thủy, Phú Thọ).

Nhiều bãi khai thác, tập kết quặng ngay cạnh đường lớn nhưng có bãi nằm khuất sâu những điểm hiểm trở, khó quan sát. Tại những bãi khai thác, tập kết cao lanh này các loại máy xúc, xe tải trọng lớn đang hoạt động, ra vào để chở quặng đi các nơi khá tấp nập.

Empty

Một xe chở quặng cao lanh ra từ các mỏ quặng trên địa bàn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).

Tại xã Sơn Thủy (Thanh Thủy, Phú Thọ), trong vai người đi tìm mua nguyên liệu về để làm men gốm, qua vài lời giới thiệu và chỉ dẫn, chúng tôi tìm gặp anh C. (30 tuổi) để tìm hiểu rõ thêm về thực trạng khai thác cao lanh tại đây.

Thấy người lạ tìm tới hỏi mua cao lanh, C. không vồn vã chào mời mà nhìn chúng tôi với ánh mắt dè chừng cùng vài câu hỏi "thăm dò" về địa chỉ công ty, giá cả, thị trường mặt hàng chúng tôi thường mua. Sau khi đã phần nào tin tưởng, C. mới đồng ý dẫn PV lên tham quan điểm khai thác và bãi tập kết "hàng" của mình.

Empty

Một quả đồi bị đào bới nham nhở để tìm quặng tại xã Sơn Thủy (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).

Điểm khai thác và tập kết quặng cao lanh của C. nằm khá sâu trong khu vực hồ Suối Rồng của xã Sơn Thủy (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).

Theo C. giới thiệu, quặng của anh ta sau khi khai thác xong sẽ thuê xe chở ra bãi tập kết bên ngoài, phân loại rồi mới đóng từng tải chờ đủ số lượng mới đem bán cho các đối tác chuyên tuyển, chế biến quặng.

Empty

Điểm khai thác và tập kết quặng cao lanh của C. tại khu vực hồ Suối Rồng của xã Sơn Thủy (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).

Thanh niên này cũng thừa nhận, do mình làm tư nhân, vốn ít nên chỉ có thể khai thác theo kiểu quặng "thổ phỉ" do đó khối lượng cao lanh thu được không đáng là bao nhiêu so với các doanh nghiệp khác.

"Bọn em chỉ khai thác theo kiểu cò con thôi, còn để mà làm lớn kiểu xây xưởng, mua máy móc về làm thì vốn lớn lắm", C. cho biết.

Trong nhiều ngày thâm nhập, tìm hiểu về thực trạng khai thác quặng cao lanh tại một số xã trên địa bàn huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), nhiều người dân khẳng định việc khai thác cao lanh tại địa phương là "không đơn giản" bởi chỉ có những công ty, doanh nghiệp nào "đủ tầm", "có máu mặt" mới có thể đứng ra khai thác.

"Ở đây giờ chỉ có một vài doanh nghiệp đủ tiềm lực về kinh tế và mối quan hệ như của các ông như Xuân V., Tuấn H., Thành P. mới làm được quặng thôi", một người dân khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khơi dậy giá trị di sản bị lãng quên từ quán Đạo giáo
    Trong hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt, đình, chùa, đền, miếu từ lâu đã được nhận diện như những thiết chế tiêu biểu, in đậm dấu ấn trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, có một loại hình di tích tôn giáo từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần dân tộc nhưng dần bị lãng quên: đó là quán Đạo giáo. Cuốn sách "Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam" của TS. Nguyễn Thế Hùng (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2025) là một chuyên khảo công phu nhằm lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu cũng như nhận thức xã hội về loại hình di sản đặc biệt này.
  • Phường Sơn Tây (mới) ngày đầu thực hiện tổ chức chính quyền 2 cấp: Vì Nhân dân phục vụ
    Từ ngày 1/7/2025, cùng với cả nước, phường Sơn Tây (thị xã Sơn Tây cũ - thành phố Hà Nội) thực hiện hoạt động chính quyền 2 cấp. Từ đầu giờ sáng nay, 1/7, toàn bộ cán bộ, công chức Phục vụ hành chính công phường Sơn Tây đã có mặt đầy đủ, đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ.
  • Kỳ họp thứ Nhất HĐND phường Cửa Nam: Không để đứt gãy công việc khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
    Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 1/7, HĐND phường Cửa Nam (Thành phố Hà Nội) khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ nhất để xem xét, quyết định công tác nhân sự và thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Đây là kỳ họp đặc biệt của phường Cửa Nam để hoàn thiện tổ chức bộ máy, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp hiệu lực, hiệu quả góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
  • Ngày đầu tiên vận hành chính quyền 2 cấp tại phường Ba Đình diễn ra thông suốt
    Sáng 1/7, 126 xã, phường trên địa bàn Thành phố Hà Nội chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được đánh giá diễn ra thuận lợi, người dân đánh giá cao tinh thần phục vụ chu đáo của đội ngũ cán bộ, công chức.
  • Kỳ họp thứ Nhất HĐND phường Phú Thượng: Nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân
    Sáng 1/7, HĐND phường Phú Thượng (Hà Nội) khóa I tổ chức kỳ họp thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021-2026, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ: "Hô biến" hàng loạt quả đồi thành công trường khai thác quặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO