Với các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trong việc nhờ nâng điểm để con đỗ trường công an, các cơ quan chức năng phải trừng trị thật nghiêm minh; đồng thời, phải kiểm tra, rà soát, xây dựng chặt chẽ hơn nữa việc tổ chức thi cử.
Ở góc độ khác, các phụ huynh, với sự giúp sức của một số người, đã đặt con mình vào thế sai lạc ngay từ bước chân đầu tiên vào môi trường cần pháp luật nghiêm minh: Ngành công an.
440 triệu đồng cho 1 suất vào trường công an
Trong phiên xét hỏi mới đây tại TAND tỉnh Sơn La, bị cáo Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) cho biết, sau khi suy nghĩ rất nhiều cho con về kỳ thi THPT năm 2018, tháng 4/2018, bà đã đến nhà bà Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Sơn La), đặt vấn đề nhờ nâng điểm cho con trai mình để xét tuyển vào trường công an. Hai người từng là bạn học nên dễ “nói chuyện”, bà Thành nhờ nâng điểm cho con trai, vì đã một năm thi trượt. Kết quả, con trai bà Thành được nâng gần 14 điểm cho 3 môn Toán, Lịch sử và Ngữ văn. Bà Thành đã cảm ơn bà Sọn với số tiền 440 triệu đồng.
Bị cáo Hoàng Thị Thành tại tòa. Ảnh: Dân Việt |
|
Đối chất tại phiên tòa, bà Cầm Thị Bun Sọn cũng thừa nhận được cảm ơn 400 triệu đồng vì nâng điểm hai môn Toán, Lịch sử, 40 triệu đồng vì nâng điểm môn Ngữ văn cho con trai bà Thành. Bị cáo này cũng cho rằng, số tiền hơn 400 triệu đồng là do bà Thành chủ động đề xuất, dù bà Thành có đưa 100 hay 200 triệu đồng thì bị cáo vẫn giúp, bởi con trai bà Thành đã thi trượt một năm rồi. Toàn bộ số tiền này, bà Sọn đã giao nộp cho cơ quan điều tra. Ngoài trường hợp con trai bạn học, bà Sọn khai những trường hợp khác bà không biết con cái của ai, chỉ vì cả nể, làm theo đội chấm thi. Về 440 triệu đồng, bà Sọn nói đã chủ động giao nộp cho cơ quan điều tra trước khi có quyết định khởi tố. Việc nộp lại số tiền này là tự nguyện để khắc phục hậu quả, mong muốn được nhẹ tội, không bị ai tác động.
Từ ngày 21/5/2020, TAND tỉnh Sơn La đã xét xử 12 bị cáo liên quan việc sửa điểm 165 bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 về các tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ", "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ". Trước đó, tháng 4/2019, Bộ Công an đã trả về Hòa Bình 28 sinh viên và trả về Sơn La 25 sinh viên được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Theo các chuyên gia giáo dục, phụ huynh có tâm lý "mua điểm" xuất phát từ quan niệm cũng như sự đầu tư cho tương lai con em. Các học sinh học lực kém hơn thường nghe theo ý kiến cha mẹ trong việc lựa chọn ngành, nghề. Trong khi đó, các phụ huynh nhận thấy thực tế, ngành công an được bảo đảm công việc ngay khi ra trường với mức lương cao, được phong hàm, cấp bậc nên có xu hướng muốn con vào trường công an. Ngoài ra, nhiều gia đình còn có suy nghĩ việc con đỗ vào trường công an rất đáng tự hào, “đáng đồng tiền, bát gạo”, và “có thể nhờ vả” trong nhiều trường hợp.
Không để xảy ra những vụ án tương tự
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Hà Nội) cho rằng, việc phụ huynh bằng mọi cách sắp đặt, xin xỏ, nhờ nâng điểm cho con để đậu được vào đại học ngành công an là hành vi trái pháp luật. Bằng các thủ đoạn gian dối, chạy chọt, phụ huynh đã sắp đặt con mình vào những chỗ mong muốn. Các hành vi có thể cấu thành các tội về “đưa - nhận hối lộ” nếu chứng minh được việc dùng vật chất để chạy chọt, xin xỏ cho con vào trường công an.
Quang cảnh phiên tòa. |
|
Văn hóa “xin - cho” đã ngấm vào máu người dân, và suy nghĩ bằng mọi giá phải sắp xếp cho con cái họ vào nơi mình mong muốn đã vô tình làm thui chột, đẩy con cái họ vào tình cảnh không cần nỗ lực học hành, phấn đấu, tất cả đã có bố mẹ lo. Hành vi của các phụ huynh này cũng gián tiếp tước đi cơ hội của những bạn trẻ ngày đêm miệt mài đèn sách, học hành tử tế, có trình độ, năng lực thật sự muốn cống hiến cho xã hội.
“Chính vì thế, ngoài việc trừng trị thật nghiêm minh những người có hành vi sai trái, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong các vụ án nâng điểm thi mà dư luận đang quan tâm; các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng phải kiểm tra, rà soát, xây dựng chặt chẽ hơn nữa việc tổ chức thi cử để lựa chọn những người tài giỏi phục vụ cho đất nước, hạn chế tối đa tiêu cực như việc mua bán, nâng điểm” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Văn Nguyên - Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, vụ án đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh hiện tượng phụ huynh chạy chọt, bất chấp vi phạm pháp luật, can thiệp trái pháp luật kết quả thi cử nhằm đạt được mục đích để con mình trúng tuyển vào trường công an. Hành vi của các phụ huynh trong vụ án không những là sự xuống cấp về đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Vụ án được đưa ra xét xử công khai, nghiêm khắc trong bối cảnh dư luận cả nước quan tâm đặt ra yêu cầu cần nâng cao trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong công tác giáo dục, tổ chức thi cử phải minh bạch, công bằng, đổi mới để đáp ứng yêu cầu của xã hội, không để có lỗ hổng hoặc xảy ra những vụ án tương tự.
"Nhiều phụ huynh có tâm lý muốn “chạy chọt” cho con vào bằng được trường công an để được miễn học phí, được đảm bảo công việc ngay khi ra trường với mức lương cao, được phong hàm, cấp bậc... Được bố mẹ mua điểm, sắp đặt tương lai, những bạn trẻ này không tự đi lên bằng đôi chân của mình, không hề có sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu để đạt được những kết quả tốt nhất, liệu có tồn tại, phát triển ở ngoài xã hội được không? Hậu quả của vụ việc này đặc biệt nghiêm trọng, khi những bạn trẻ này sẽ phục vụ đất nước trong tương lai, trong khi họ không có tài năng, trình độ, kiến thức" - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng. |