Phóng viên chuyên trách lĩnh vực văn nghệ thời nay

PGS.TS Ngô Văn Gía| 20/06/2021 06:47

Có người bảo: đặt vấn đề phóng viên đặc trách mảng văn nghệ có vẻ như là một điều xa xỉ, không có cũng chẳng sao, trừ các báo/đài thật lớn. Họ cho rằng báo chí hiện nay phần lớn phải tự hạch toán, tự chi trả, nên biên chế càng ít người càng tốt, lĩnh vực văn nghệ không quan trọng bằng các lĩnh vực kế quốc dân sinh khác; vả lại lĩnh vực văn nghệ thì... ai làm mà chả được.

Phóng viên chuyên trách lĩnh vực văn nghệ thời nay
Phóng viên văn nghệ cần có một mỹ cảm tốt. Ảnh minh họa

Đó là ý kiến nhìn từ phía tuyển dụng. Trừ những tờ báo/kênh chuyên về lĩnh vực văn học nghệ thuật, còn phần lớn các báo/đài chưa có phóng viên chuyên trách lĩnh vực văn nghệ. Thường thì những người viết/làm về văn nghệ đều được coi là việc kiêm thêm. Những người này, có thể được phân công ở lĩnh vực rộng hơn, thí dụ như mảng văn xã, hoặc gần nhất là mảng văn hóa. Đành rằng văn nghệ là một bộ môn thuộc về văn hóa. Nhưng nói đến văn hóa tức là nói đến một lĩnh vực vô cùng rộng lớn (truyền thống/hiện đại, trong nước/quốc tế, nghiên cứu/thực hành, lý luận/thực tiễn; vĩ mô/vi mô...). Cho nên, một nhà báo giỏi về lĩnh vực văn hóa cũng không có nghĩa là giỏi về tất cả các bộ môn chuyên biệt. Tính đi tính lại, nếu có được phóng viên chuyên văn nghệ là tốt nhất. Nó đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên nghiệp, với khả năng “tác chiến” tốt và độ tin cậy cao.

Trước đây đã từng có chuyện: trong một tòa soạn, thường thì các phóng viên báo chí mới ra trường, hoặc bị coi là “chậm chạp”, “kém”... thì được/bị các “sếp” phân công phụ trách mảng văn nghệ. Tình trạng này đến bây giờ chưa hẳn đã hết, tuy có vẻ đỡ hơn...

Do công việc đặc thù (vừa dạy học vừa viết văn), nên đôi khi tôi cũng là đối tượng được một số báo/đài phỏng vấn về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. 

Có lần, một nhà báo của kênh truyền hình nọ gặp tôi để phỏng vấn. Câu đầu tiên, tôi nghe như thể đã bị nhai phải hạt sạn: “Thưa nhà thơ, xin nhà thơ vui lòng cho biết...”. Chưa nghe hết câu tôi đã phải bất nhã chen ngang: “Xin lỗi bạn, tôi chưa bao giờ được gọi là nhà thơ cả. Bởi cả đời tôi có làm câu thơ nào đâu. Tôi chỉ quen được gọi là nhà nghiên cứu phê bình văn học, hoặc quá lắm là nhà văn (bởi đôi khi có viết truyện ngắn, tản văn) thôi”. Thì ra, cô phóng viên này mắc một cái lỗi rất không nên: không hề tìm hiểu trước người mà mình định phỏng vấn. Đây là một khâu rất quan trọng trong tác nghiệp báo chí. Nếu không tìm hiểu trước người định phỏng vấn (qua thông tin trên mạng, qua sách vở mà họ đã xuất bản, qua người trong giới...) thì làm sao có thể có những câu hỏi phỏng vấn đúng, đích đáng và hay được! Trong trường hợp này, bạn phóng viên mắc hai lỗi: kỹ năng tác nghiệp không tốt và sự hiểu biết về người trong giới văn học nghệ thuật cũng không tốt nốt.

Điều mà lâu nay dễ thống nhất trong giới báo chí đều cho rằng một phóng viên văn nghệ cần phải hội đủ ít nhất hai yếu tố: kỹ năng tác nghiệp báo chí thuần thục và tri thức đủ vững về lĩnh vực văn nghệ. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nên nghĩ sâu thêm hai khía cạnh này nữa: Mỹ cảm của phóng viên và khả năng tương tác cao của nhà báo trong bối cảnh 4.0.

Nói về mỹ cảm là nói đến một điều rất khó minh định, mà gần như là sự giác ngộ. Nó là khả năng phát hiện tinh nhạy những vẻ đẹp và giá trị của các tác phẩm, các sự kiện, hoạt động văn nghệ nói chung. Điều này có tính hướng đạo, giúp phóng viên không bị nhầm lẫn, biết tìm đến những vẻ đẹp đích thực, không bị lóa mắt hoặc bị lừa bởi những thứ được có vẻ giống với văn nghệ: sự nhảm nhí, dung tục, vô bổ, phản cảm. Đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh thực tiễn và trên mạng xã hội hiện nay. Có không ít phóng viên khi đưa tin đã say sưa ca ngợi những thứ phi thẩm mỹ, ngụy nghệ thuật, thổi phổng những nét dung tục, bệnh hoạn được che đậy bởi cái gọi là “phong cách”, “cá tính sáng tạo”, “style”... Lúc này, mỹ cảm cùng với sự hiểu biết nghệ thuật sẽ mách bảo cho phóng viên biết lựa chọn đúng, khen/chê đúng, đích đáng. Mỹ cảm không thể dạy mà có được, chủ yếu do năng khiếu cộng với việc tiếp xúc nhiều (đọc, nghe, xem) với các nghệ thuật tinh hoa mà thành.

Phóng viên chuyên trách lĩnh vực văn nghệ thời nay
Nếu có niềm đam mê lớn, ý thức tự học cao thì sẽ có những phóng viên giỏi về lĩnh vực văn nghệ. Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh công nghệ IT phát triển siêu tốc như ngày hôm nay, nhà báo cũng lại phải có tri thức công nghệ tốt và khả năng tương tác, thích ứng cao mới có thể đáp ứng đòi hỏi của độc giả. Thí dụ như kỹ năng làm video, hình họa, đồ họa, xử lý tiếng động, âm thanh... cho một tác phẩm/sản phẩm báo chí, nhất là báo chí đa phương tiện; khả năng tổ chức sự kiện trực tiếp hoặc trực tuyến (online, offline), khả năng làm các tác phẩm báo chí long form... Nếu một nhà báo nói chung, nhà báo chuyên văn nghệ nói riêng đứng ngoài những yêu cầu này, chắc chắn sẽ bị thực tiễn báo chí bỏ lại phía sau.

Tôi biết đã có một số hội thảo, hội nghị tập huấn bàn về việc nâng cao năng lực làm báo văn nghệ cho các phóng viên, nhưng hiệu quả chưa được là bao. Người được đến trong vai trò thuyết trình có khi lại chủ yếu nghiêng về quản lý/đường lối văn nghệ nói chung, chứ không trực tiếp hoặc không có khả năng làm báo về văn nghệ. Nội dung thuyết giảng sa vào chung chung chứ không đi vào kỹ năng nghiệp vụ cụ thể. Người tham dự có khi cũng lại không thiết tha với việc làm nghề, hoặc tham dự cho lấy lệ... 

Trong các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, bộ môn “Báo chí/truyền thông về văn nghệ” có khi có, có khi không. Ở chỗ tôi, khoa Viết văn, báo chí - Đại học Văn hóa Hà Nội cũng xác định mục tiêu đào tạo là nghiêng về báo chí/truyền thông văn hóa, văn nghệ. Nhưng trên thực tế, nếu quá nhấn mạnh mục tiêu này, e rằng sẽ ảnh hưởng tới… tuyển sinh. Thành ra, trong chương trình đào tạo, chúng tôi vẫn phải đảm bảo mô hình đào tạo nhà báo tổng hợp, tuy có tăng cường một chút về thời lượng cho bộ môn Báo chí/truyền thông văn hóa, văn nghệ.

Nhìn trên thực tiễn báo chí truyền thông hiện nay, số những nhà báo đảm đương tốt nhất vai trò nhà báo chuyên trách lĩnh vực văn nghệ đa số vẫn là những người vừa là nhà báo, vừa là nghệ sĩ. Xuất phát ban đầu của họ có thể là người được đào tạo chuyên môn về một bộ môn nghệ thuật nào đó, hoặc họ đã là những người sáng tác, sau đó họ được/tự đào tạo báo chí mà thành. Đội ngũ này có sự dày dặn kinh nghiệm, tri thức tác nghiệp báo chí, lại vừa có cái tinh tế, mẫn cảm nghệ sĩ. Họ có ưu thế để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một phóng viên văn nghệ. Cho nên, có ai đó nói đào tạo phóng viên tốt nhất là theo hình thức văn bằng hai, nghĩa là những người đã có một bằng cử nhân một chuyên ngành nào đó sau rồi đi học hai năm nữa lấy bằng cử nhân báo chí.

Tuy nhiên, vẫn không thể xem thường loại hình đào tạo 4 năm như hiện nay. Có thể sau hai năm có tính đại cương, nên chọn những sinh viên có năng khiếu và niềm yêu thích văn nghệ để đào tạo chuyên biệt. Thiết nghĩ đây là hướng đi cần thiết không chỉ với lĩnh vực văn nghệ mà với các các lĩnh vực chuyên biệt khác.

Cuối cùng, vẫn cứ không thể phủ nhận được một điều: nếu có niềm đam mê lớn, ý thức tự học cao, thì vẫn cứ sẽ có những phóng viên giỏi về lĩnh vực văn nghệ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Phóng viên chuyên trách lĩnh vực văn nghệ thời nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO