Phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt

Nguyễn Xuân Lương/NLB| 02/08/2018 15:17

Trường Đại học Báo chí Lille, một trường đại học chuyên ngành rất có uy tín không chỉ ở nước Pháp với bề dày ngót 1 thế kỷ đào tạo, bồi dưỡng tất cả loại hình báo chí không chỉ ở nước sở tại, mà còn giúp đỡ, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhà báo ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt

Trường Đại học Báo chí Lille. Ảnh: TL

Tạp chí Người Làm báo ghi lại ý kiến trao đổi giữa nhà báo Nguyễn Xuân Lương với nhà báo Loic Hervouet, Tổng Giám đốc trường Đại học Lille và nhà báo Eric Maitrot (giảng viên) về chủ đề phỏng vấn trong nghề báo.

Xuân Lương (XL): Thưa nhà báo Loic Hervouet - Tổng Giám đốc trường Đại học Báo chí Lille: Một trường đại học chuyên nghề báo lâu năm, sinh viên không phải là ít, khách vãng lai cũng nhiều, sao trường lại có vẻ yên ắng thế.

Phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt

Tổng Giám đốc Loic Hervouet (Loic): Vâng, trường học phải yên tĩnh thì mới dạy và học tốt. Nó khác trường phổ thông dành cho tuổi học trò. Đây vốn là xí nghiệp sản xuất dược phẩm của nước Pháp xây từ năm 1902; còn trường Lille ở đây từ ngày đầu lập trường. Mỗi lớp đào tạo hay bồi dưỡng thường chỉ có trên dưới 10 sinh viên. Phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập đầy đủ, cập nhật. Hệ thống thư viện đặt ngay khu vực trung tâm...

XL: Thông tin của báo chí hiện nay thường được viết dưới những dạng nào, thưa ông ?

Loic: Thông tin thường được viết dưới hai dạng phỏng vấn và phóng sự. Đó là 2 thể loại được nhiều độc giả quan tâm, ít khi được viết dưới dạng phân tích hoặc phản ảnh thông tin đơn thuần. Ngoài hai dạng trên, tiểu phẩm, với lợi thế ngắn gọn, bút pháp đặc biệt và mang hơi thở cuộc sống cũng được người đọc ưa thích.

XL: Độ dài của một bài báo?

Loic: Lúc mới cầm tờ báo trên tay, người đọc không mấy khi đọc ngay các bài báo dài, trừ trường hợp họ đặc biệt quan tâm đến chủ đề bài báo đó. Người làm báo cần nhớ, độc giả luôn sử dụng thời gian eo hẹp của mình, nên thường đọc các bài ngắn trước, nếu còn thì giờ mới đọc các bài dài. Những tin ngắn (độ mươi lăm dòng) dễ thu hút sự chú ý người đọc.

Các báo nước Mỹ thống kê, độc giả sẽ đọc khoảng 60% tổng số các tin vắn. Ngay báo chí của Pháp cũng có rất nhiều tin vắn, thông thường được đóng khung, những từ hay câu quan trọng nhất được in đậm nét.

XL: Vừa rồi, Tổng Giám đốc Loic... có nói 2 thể loại phỏng vấn và phóng sự thường được người đọc thích thú. Đó là nét riêng báo chí Pháp hay là của chung báo giớí trong thế giới đương đại. Ý của ông Eric Maitrot thế nào?

Phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt

Eric Maitrot (Eric): Tôi cũng nghĩ như ông Tổng Giám đốc Loic. Ta biết, mọi bước thu thập thông tin trên báo chí đều là một loại phỏng vấn. Nó là một thể loại viết báo cơ bản, tồn tại, phát triển như một thể loại không thể nào thiếu của báo chí nói chung.

XL: Khái niệm của thể loại viết báo cơ bản được hiểu như thế nào?

Eric: Khái niệm cơ bản hay còn được gọi là thực hành cơ bản, thực hành chuyên nghiệp là nhà báo đi gặp một con người cụ thể, đặt ra những câu hỏi và sau đó đăng tải nội dung cuộc gặp đó dưới dạng câu hỏi và trả lời một cách ngắn gọn, cô đọng nhất.

Nói thực hành cơ bản còn hàm ý nói tất cả phóng sự, điều tra, câu hỏi người đối thoại đều được tạo nên từ một loạt tiểu phỏng vấn (mini).

XL: Phỏng vấn chính là kể lại câu chuyện của những lần gặp gỡ. Thưa ông?

Eric: Vâng, đúng thế. Một cuộc gặp được tổ chức, diễn ra theo những quy tắc về giờ hẹn, văn hóa giao tiếp dựa trên năng lực cá nhân như mọi cuộc gặp gỡ khác có mục đích nghề nghiệp.

Để phỏng vấn thành công, tất yếu phụ thuộc vào chất lượng liên hệ trước, đến lúc làm quen và những phút đầu tiên gặp gỡ là phải hấp dẫn, hớp hồn người được phỏng vấn. Bằng cách nào đây? Nghĩa là cần làm cho họ thấy được bạn đã chọn anh ta để phỏng vấn chứ không phải là người khác để luận bàn về một việc nào đó mà báo chí quan tâm.

Nhưng thế chưa đủ, còn phải để đối tác của mình biết được bản thân mình nắm được những nội hàm chủ yếu của chủ đề phỏng vấn, tương tự bạn là người kỵ sĩ cầm cương, bờm ngựa có tung bay trong gió hay không tùy thuộc người phỏng vấn. Trong trường hợp hiểu và làm ngược lại những điều vừa nói là nguy hại cho người được tòa soạn cử đi phỏng vấn, thậm chí có khi tay trắng hoặc cuộc phỏng vấn thiếu chất lượng...

Phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: TL

XL: Ông có thể nói kỹ hơn về phương pháp, nghệ thuật phỏng vấntrong báo chí nói chung và báo viết nói riêng?

Eric: Đây là một nội dung quan trọng, và có nhiều nội hàm, nhưng có thể chia vấn đề này thành 3 công đoạn khác nhau nhưng cùng một chuỗi liên hoàn. Một là, chuẩn bị phỏng vấn. Hai là, thực hiện phỏng vấn. Ba là, những việc làm sau phỏng vấn.

Chuẩn bị phỏng vấn (nắm vững chủ đề, nắm kỹ thông tin về người được phỏng vấn từ quá trình công tác đến chính kiến của họ, biết nhiều về họ, sẽ làm họ cảm phục người đi phỏng vấn). Chuẩn bị câu hỏi, sắp xếp thứ tự câu hỏi trên giấy hoặc trong đầu, nhấn mạnh những chi tiết cần biết để thông tin cho bạn đọc với những chi tiết đắt nhất, giá trị nhất, hấp dẫn nhất.

Mặt khác không được để người được phỏng vấn “lái” câu chuyện của mình sang hướng có lợi cho họ. Người đi phỏng vấn cần tỉnh táo chỗ này để không bị “mắc bẫy”.

Chung lại, phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt, không hơn không kém giữa một người biết (người được phỏng vấn) và một người muốn biết (phóng viên). Cuộc phỏng vấn hấp dẫn hay không tùy thuộc chủ để, người hỏi, người trả lời, quá trình diễn đạt, dẫn dắt của đôi bên...

Trong khi phỏng vấn, phóng viên đồng thời làm 3 việc: Nghe người đối thoại; ghi chép phần trả lời của họ; suy nghĩ về nội dung của phần trả lời để quyết định đặt câu hỏi tiếp theo hay gút lại. Quả là nhiều việc, nhưng đã dấn thân vào nghề báo là phải thế. Một chút xíu thiếu tập trung là “gió” bay về trời.

Khi giảng bài ở lớp, có sinh viên nói với tôi rằng, thời công nghiệp điện tử, phỏng vấn đã có máy ghi âm làm thay, cần gì phải ghi chép cho mệt, thưa thầy!

Tôi nói với họ, đành rằng là thế, nhưng phóng viên vẫn phải ghi chép để “chộp” được những giây phút quan trọng như là điểm nhấn trong đối thoại. Nhờ đó, khi viết bài, bạn có thêm những chi tiết đắt giá trong những giây phút phỏng vấn: nghe, nhìn, ghi chép và phản ứng để ta có được những cảm nhận tin cậy, thú vị hay là những câu trả lời thiếu logic...

Nhà báo, vâng, xin anh đừng ngần ngại hỏi lại một vấn đề gì đó khi không hiểu.

XL: Thưa ông Erics, vậy là đồng thời vừa ghi âm vừa ghi chép?

Eric: Việc này còn tùy thuộc độ dài của cuộc phỏng vấn, nhất là cuộc phỏng vấn có thời lượng khoảng trên nửa tiếng đồng hồ; điều kiện của cuộc phỏng vấn (trong phòng kín hay ngoài trời); cũng nên nói thêm, đôi khi máy ghi âm “lười biếng” mình tưởng nó cùng ta làm việc, nhưng khi trở về tòa báo mở máy ghi âm không hề có một tiếng nào của cuộc trò chuyện. Điều này tôi và không ít đồng nghiệp đã từng gặp

Phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt

Bên cạnh máy ghi âm, sổ tay và cái bút cũng rất quan trọng mỗi khi phỏng vấn. Ảnh: TL

XL: Vâng, tôi cũng đã từng gặp như thế. Lúc đó thầm cảm ơn cái sổ tay đã cứu mình để không hề tay trắng. Thế còn sau phỏng vấn, thưa ông Eric?

Eric: Lúc này phóng viên làm bà nội trợ giỏi hay là tồi (cười). Vâng, trừ một số trường hợp thật đặc biệt, không thể nào viết lại một bài phỏng vấn như đã diễn ra. Còn lại bạn phải tự xào nấu lại hình thức, thêm gia vị, mắm muối nhưng không làm ảnh hưởng đến nội dung.

XL: Nghĩa là thế nào?

Eric: Chỉnh lại câu hỏi cho gọn, sắc, dễ nghe...; thay đổi trật tự câu hỏi và trả lời. Hoàn chỉnh lại phần trả lời có tính chất văn viết, văn nói hay văn kèm hình ảnh.

Tôi muốn nhấn mạnh, tất các các bước mà chúng ta vừa trao đổi không một chút nào đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, nghề báo.

XL: Ở Việt Nam, cũng có không ít người được phỏng vấn thường yêu cầu phóng viên cho họ xem lại bài trả lời trước khi đăng báo hay phát thanh, phát hình. Người có chức quyền thường đặt ra như thế, còn phóng viên thường “mắc kẹt”. Ý ông thế nào?

Eric: Trước hết phải nói, phóng viên không bao giờ tự đề nghị việc này. Người làm báo ở Pháp gọi đó là tạo ra cho người được phỏng vấn một thói quen không hay, nếu nói là không đẹp, thiếu lịch sự.

Vì sao? Đã có không ít người được phỏng vấn đề nghị phóng viên bỏ hoặc lược bỏ những thông tin mới và hay nhất, vô tình họ là người kiểm duyệt báo chí, cũng có thể người đó ngại tranh luận khi bài báo được đăng, nên mới làm thế. Trong trường hợp yêu cầu đó như thể “bắt buộc”, người phóng viên phải bàn với Tổng biên tập để có kế sách, ví như chỉ để họ đọc lại trên băng ghi âm phỏng vấn thô, không chấp nhận đọc lại bài viết đã hoàn chỉnh hoặc từ chối không đăng bài đó... Đây cũng là một cuộc đấu trí sau phỏng vấn.

XL: Thưa ông Loic, sáng nay tôi có đến thư viện của trường và đọc lướt qua chương 6 của cuốn “Viết cho độc giả” mà ông là tác giả, ông có nói rất thú vị về việc đặt đầu đề cho bài báo. Ông có thể tóm lược?

Loic: Đặt đầu đề hay là tít bài cho bài báo là một trong những việc làm có tính quyết định số phận của bài báo. Mọi người đều biết, bài báo hay, nhưng cái đầu đề lại quá dở có thể làm giảm đi một nửa độc giả. Đầu đề quan trọng đến nỗi trước đây một số tờ báo của Pháp có cả người chuyên đặt tít bài, đó là những biên tập viên chuyên nghĩ ra đầu đề hay để thu hút độc giả. Có lúc đã có cả giải thưởng. Giải Louis Rameix dành cho đầu đề hay nhất của các tờ báo trong năm.

Phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt

Viết tít và biên tập tít là nghệ thuật không phải nhà báo nào cũng có thể làm được. Ảnh minh họa

XL: “Chân dung” của một đầu đề hay là gì, thưa ông Tổng Giám đốc?

Loic: Trước hết là bắt mắt- nghĩa là một đầu đề hấp dẫn, hớp hồn ngay lập tức sẽ thu hút người đọc. Tiếp đó, đầu đề cũng là một yếu tố phân biệt phần nào đó bài nào quan trọng hơn bài nào. Cuối cùng đầu đề hay là cách giúp độc giả lựa chọn. Nói tổng quát là đầu đề phải rõ ràng, dể hiểu, ngắn và có hồn. Nói đúng hơn là vừa phải, đúng mức, không “đao to búa lớn” hay quá yếu đuối.

XL: Còn ông Eric, quan niệm của ông về đầu đề hay tít bài báo?

Eric: Đầu đề hay tít bài báo phải đạt được hai tiêu chuẩn. Nôm na là rao bán bài viết làm sao cho quyến rũ, thu hút, bắt mắt độc giả. Thứ hai, nên có lời nói đầu hay là lời tựa (sa pô). Nó cũng giống như trong cinema, hãng phim có đoạn phim ngắn để quảng cáo. Thông thường người làm báo hay trích dẫn một câu nào đó (hay, đắt giá) trong bài báo để hút độc giả đi thẳng vào chủ đề của bài báo.

Loic: Tôi muốn nói thêm về đầu đề hay là tít bài. (XL nói xen vào câu cảm ơn).

Để giúp độc giả chú ý đến bài viết của mình, còn có cách tạo ra càng nhiều “lối vào” bài viết càng hay. Trong giáo trình báo chí, người ta gọi đó là cấp độ 2. Nói gọn lại là có 5 yếu tố có thể níu giữ được họ, đó là: Phụ đề đặt trước hoặc sau đầu đề bài viết; lời nói đầu; một đoạn đầu tiên của bài báo; phần kết; các tiêu đề nhỏ giữa bài báo.

XL: Chuyện đã dài, xin cảm ơn hai ông, những nhà báo tài ba của trường Đại học Báo chí Lille và của nước Pháp

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO