Phố Phủ Doãn dài 372m, rộng 10m.
Khi Gia Long lên ngôi (1802) đã cho lập kinh đô ở Huế, chức Phủ doãn Phụng Thiên bị bãi. Tới năm 1805, cùng với việc đổi Thăng long làm trấn thành, đổi chữ “Long” là rồng ra chữ “Long” là thịnh vượng, phủ Phụng Thiên cũng đổi ra phủ Hoài Đức. Chức quan đứng đầu phủ này gọi là Tuyên phủ sứ. Đến đời Minh Mạng thứ 8 (1827) đổi là tri phủ. Năm 1833 lại dời phủ lỵ ra xã Dịch Vọng nay thuộc huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Từ đó không còn nhà Phủ Doãn, nhưng dân chúng vẫn quen lấy cái tên đó để gọi dãy phố chạy qua phía ngoài nha này.
Thời Pháp thuộc, có tên là phố Giuy-liêng Bờ-lăng (Julien Blanc), có từ năm 1920. Đến năm 1945 đổi tên thành phố Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1949 đổi tên thành phố Phủ Doãn. Những lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.
Nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.
Tại đây có một bệnh viện quen gọi là Nhà thương Phủ Doãn, (nay là Bệnh viện Việt - Đức) vì hồi mới lập thì cửa chính quay ra phố Phủ Doãn. Nguyên là cho tới năm 1891, cả thành phố Hà Nội chỉ mới có một bệnh viện chuyên chữa cho thực dân Pháp là Nhà thương Đồn Thủy (nay là Quân y Viện 108). Tới năm 1896, một nữ tu sĩ đứng ra quyên tiền, dựng một nhà thương làm phúc ở khu vực đầu phố này, giáp phố Hàng Bột, gồm mấy dãy nhà vách đất lợp ngói. Y sĩ điều trị mượn bên Nhà thương Đồn Thủy sang. Tới năm 1904, chính quyền thực dân mới chủ trương xây dựng nhà thương này thành nơi chữa bệnh cho người bản xứ và thế là nhà thương cũ được dỡ bỏ, xây nhà kiểu mới, nới rộng diện tích, mở cổng chính quay ra phố Tràng Thi, đặt tên là Bệnh viện Bảo hộ.
Đêm Nô-en 24/12/1932 bảy người tù chính trị được tổ chức Đảng trong tù bố trí được ra nằm điều trị tại bệnh viện này và khéo léo trốn thoát ra ngoài, trở về với Đảng với phong trào. Trong số bảy người đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Lê Đình Tuyển...
Phủ Doãn còn là tên một ngõ cụt ở đầu phố Phủ Doãn bên dãy số lẻ, xế cửa phòng khám bệnh của Bệnh viện Việt - Đức. Thời Pháp thuộc, cũng có tên là ngõ Phủ Doãn (impasse Phủ Doãn).