Phố Hàng Giấy dài 219m, rộng12m.
Từ phố Hàng Đậu đến ngã tư phố Đồng Xuân – Hàng Khoai chạy qua dưới cầu cạn đường tàu hỏa.
Đây nguyên là đất phường Đồng Xuân tổng Hậu Túc (Sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ.
Tên phố Hàng Giấy có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là “rue du Papier”, năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Giấy, những lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.
Nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.
Hiện nay số nhà 83 chính là đình Đồng Xuân, thờ Bạch Mã (xem mục Hàng Buồm).
Phố này thời xưa bán các thứ giấy do làng Bưởi, làng Cót làm ra: giấy lệnh, giấy sắc, giấy bản, giấy moi, giấy bổi… và những giấy nhập nội như giấy quyến, giấy tàu bạch…
Đầu thời Pháp thuộc, ở phố này xuất hiện nhiều nhà hát ả đào (gọi là cô đầu Hàng Giấy). Ca dao Hà Nội cũ còn có câu:
Trải qua Hàng Giấy dần dần
Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa.
Về sau xóm ả đào lùi ra ngoại ô, về Khâm Thiên, Bạch Mai, ấp Thái Hà…
Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố này là cửa ngõ phía bắc của Liên Khu I, cũng là một tuyến lửa anh hùng. Khi đó quân ta đóng ở khách sạn Hoa Nam (nay là rạp Bắc Đô). Vì ở sát ngay cạnh cầu đường tàu hỏa nên ta đặt một khẩu trung liên trên sân thượng. Mỗi lần xe lửa của địch đi qua, ít ra cũng hàng chục tên bị bắn chết. Song chúng vẫn phải liều chiều đi qua mũi súng của quân ta. Mỗi lần như vậy chúng phải đóng kín cửa toa, nằm rạp xuống sàn. Chúng còn đặt đại liên trên nóc toa để bắn trả. Nhưng vô ích, vì hỏa điểm của ta ở cao hơn! Chúng ta huy động xe tăng, xe bọc sắt, nã đại bác tấn công nhà này. Các chiến sĩ ta đánh lui tất cả những đợt tấn công đó và giữ vững vị trí đó tới ngày 14/2/1947.