Từ phố Cát Linh đến phố Đoàn Thị Điểm.
Đây nguyên là đất thôn An Trạch, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ (xem mục Cát Linh).
Thời Pháp thuộc là đường số 219 (voie N0219), năm 1941 đổi sang tên phố A-lếch-xăng-đơ Rốt (rue Alexadre de Rhodes), năm 1945 đổi tên thành phố Bích Câu, năm 1949 được đổi tên thành Đặng Trần Côn, những lần đổi tên sau vẫn giữa nguyên tên này.
Alexadre de Rhodes là người góp phần sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ngày nay.
Nay thuộc phường Quốc Tử Giám, quận Động Đa.
Đặng Trần Côn là tác giả cuốn Chinh phụ ngâm (chữ Hán) nổi tiếng. Chưa biết đích xác năm sinh năm mất của ông. Chỉ ước đoàn là ông ra đời khoảng từ năm 1705 đến 1710.
Đặng Trần Côn cư ngụ tại thôn Hạ Đình, xã Nhân Mục Cựu, nay là thôn Hạ ĐÌnh, thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Thời trẻ ông nổi tiếng là danh sĩ, được nhân dân quanh vùng xếp đứng đầu trong số “Thanh trì tứ hổ” (bốn con hổ của huyện Thanh Trì): Côn, Hiên, Điền, Đẩu (Nguyễn Hiên người làng Tương Mai, Hồng Điền người làng Kim Lũ, Trương Đậu người làng Nhân Mục). Đặng Trần Côn đỗ Hương cống, có thời gian làm tri huyện Thanh Oai. Mộ ông nay vẫn còn ở thôn Hạ Đình. Đương thời, nông dân khởi nghĩa khắp nơi, chúa Trịnh sai quan quân đi đàn áp liên miên. Đặng Trần Côn đã viết Chinh phụ ngâm, có nội dung lên án chiến tranh phi nghĩa và bày tỏ nguyện vọng khao khát hòa bình của nhân dân. Ngay khi mới hoàn thành, tác phẩm này đã được nhiều dịch ra quốc ngữ. Bản được lưu hành hiện nay được coi là của bà Đoàn Thị Điểm.