Mới đây, một sai sót nghiêm trọng nữa trong quá trình tố tụng và xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa được phát hiện. Trong đơn tố giác của mình về hành vi cố tình làm sai lệch của vụ án đối với Bản án ly hôn sơ thẩm, bà Thảo đã yêu cầu cơ quan chức năng xác minh, thậm chí phải khởi tố bị can để truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm bảo vệ chuẩn mực trong hoạt động của Cơ quan tư pháp, bảo về quyền lợi hợp pháp của công dân...
Theo đơn này, ngày 23/8/2018 Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM – ông Trần Văn Châu - đã ban hành quyết định số 05/2018/QĐ-GQKN-TACC (gọi là “Quyết định 05”) với nội dung: giữ nguyên quyết định chấp nhận khiếu nại của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và đưa Công ty Trung Nguyên Internationalvào khối tài sản chung để phân chia trong vụ án ly hôn.
Quyết định 05 ghi rõ nơi nhận là Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM, Tòa án nhân dân TP.HCM và các đương sự. Tuy nhiên, Quyết định này đã không được tống đạt cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo (nguyên đơn) trong suốt thời gian trước, trong và sau khi diễn ra vụ xét xử sơ thẩm vụ ly hôn. Nghiêm trọng hơn, Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân - Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm cũng không đưa Quyết định 05 vào hồ sơ chứng cứ vụ án mà tự đưa ra nhận định: tách yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng Trung Nguyên tại công ty Trung Nguyên International Ptd Ltd (Singapore) ra khỏi vụ án ly hôn, thành một vụ án khác (nội dung 1.9 trang 37, 38 của bản án ly hôn), dẫn tới hậu quả sai sót đặc biệt nghiêm trọng trong bản án sơ thẩm.
Cho tới tận ngày 20/6/2019 bà Thảo mới tự phát hiện ra Quyết định này. Chính vì thế, ngày 24/6/2019, bà Thảo đã làm đơn tố giác về hành vi cố tình làm sai lệch của vụ án đối với Bản án ly hôn sơ thẩm và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, khởi tố bị can để truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm bảo vệ chuẩn mực trong hoạt động của Cơ quan tư pháp, bảo về quyền lợi hợp pháp của công dân.
Bà Thảo cho biết: “Tòa ban hành một loạt các quyết định liên quan đến quyền lợi của tôi, thế nhưng phía bị đơn thì nhận được ngay các quyết định này để cung cấp cho Toà án Singapore, trong khi đó tôi lại không nhận được và mãi sau này mới được biết các văn bản này do các luật sư của tôi ở Singapore thông báo. Có quá nhiều điều khuất tất và sai phạm nghiêm trọng trong Bản án ly hôn sơ thẩm. Vì vậy, một lần nữa, tôi đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm này và đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để điều tra và xử lý các vi phạm này, đảm bảo sự minh bạch, công bằng cao nhất trong hệ thống tư pháp.”
Đơn tố giác của bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Như vậy, ngoài 11 sai sót mà VKSND TP Hồ Chí Minh đã nêu trong quyết định kháng nghị số 14 ngày 11/4/2019 về bản án sơ thẩm vụ ly hôn, tình tiết mới này được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, có thể dẫn đến việc hủy bản án.
Ngày 4/7/2019, Luật sư Phạm Công Hùng, là luật sư đại diện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đã có đơn gửi Chánh án Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM, Chánh án Tòa án Nhân dân TP.HCM, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM đề nghị kiểm tra xử lý hành vi sai trái trong tố tụng dân sự đối với Bản án ly hôn sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019.
Luật sư Hùng cho biết việc không tống đạt Quyết định 05 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo, và việc Tòa án nhân dân TP.HCM không đưa Quyết định này vào hệ thống chứng cứ của vụ án đã phát sinh hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến sai phạm rất lớn trong bản án ly hôn sơ thẩm. Bà Diệp Thảo và các luật sư của bà đã không tiếp cận được chứng cứ này để tranh tụng tại phiên tòa, và Hội đồng xét xử đã ban hành bản án ly hôn sơ thẩm liên quan đến nội dung trên không đúng pháp luật.
Từ đó, luật sư Hùng đề nghị với các lãnh đạo của Tòa án và Viện kiểm sát xem xét và xử lý hành vi sai trái của những người có thẩm quyền trong việc phát hành Quyết định 05 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, khi hành vi này xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan tư pháp, xâm phạm đến công cuộc cải cách tư pháp đang được Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện. Hành vi nêu trên và hình phạt được qui định tại Điều 375 Bộ luật hình sự cụ thể: “1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc,….2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch”./.
Vụ kiện ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ bắt đầu từ năm 2015. Trong khối tàn sản chung của hai vợ chồng có Công ty Trung Nguyên International, do bà Thảo thành lập tại Singapore năm 2008, trong thời kỳ hôn nhân. Từ khi thành lập đến nay, quá trình "tách - nhập" Công ty Trung Nguyên International diễn ra nhiều lần và xảy ra tranh chấp. Tại Quyết định cuối cùng số 05 ngày 23/8/2018, TAND TP Hồ Chí Minh đã nhận định: khoản đầu tư ra nước ngoài là Công ty Trung Nguyên International phải được đưa vào giải quyết trong cùng vụ án ly hôn.
Trước đó, ngày 12/4/2019, VKSND TP HCM đã ra kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm. Bản kháng nghị dài 14 trang phân tích nhiều sai sót của HĐXX. Trong đó, tòa bị cho là không nêu đầy đủ và chính xác nhận định về các ý kiến của VKS, có hàng loạt vi phạm pháp luật cũng như tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của đương sự như: không tổ chức công khai tiếp cận chứng cứ; không đình chỉ giải quyết vụ án khi đương sự rút yêu cầu; chia tài sản theo tỷ lệ 6/4 không có căn cứ. Với những vi phạm bị VKS điểm danh và đương sự kháng cáo, có những vi phạm có thể sửa chữa được, nhưng có những vi phạm có thể phải hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu.