Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Hoàng Vĩnh Bảo (Ảnh: Đăng Chung).
Cuộc thi phóng sự truyền hình về phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2017 với mục đích đẩy mạnh việc tuyên truyền về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá qua các phóng sự truyền hình. Đồng thời, ghi nhận, cổ vũ, động viên các phóng viên, biên tập viên, ê-kíp sản xuất chương trình, các tổ chức hoạt động báo hình đã tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ban Tổ chức mong muốn cuộc thi sẽ là động lực thúc đẩy các phóng viên, biên tập viên cho ra đời các phóng sự truyền hình với tư duy phân tích sâu sắc, hình ảnh chân thực, sinh động, có thông điệp truyền thông cụ thể, rõ ràng; từ đó, tạo nên sức mạnh truyền thông mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của toàn xã hội đối với những tổn thất về sức khỏe, kinh tế do thuốc lá gây nên.
Thông tin về công tác phòng chống tác hại thuốc lá và định hướng cho cuộc thi, bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá - Thành viên Ban Tổ chức cuộc thi phấn khởi cho biết, đến nay tại nhiều cơ quan, Bộ, ngành cũng như các tỉnh, thành phố, các đơn vị đã đưa nội dung “cấm hút thuốc lá” tại nơi làm việc được phổ biến và đưa vào quy chế hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức. Rất nhiều các hoạt động thiết thực từ tuyên truyền đến hành động về tác hại thuốc lá đã được triển khai sâu rộng trong nhân dân thời gian vừa qua. Các đơn vị, Bộ ngành, địa phương cũng tiến hành phối hợp tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra về thực thi luật phòng chống tác hại thuốc lá, riêng trong năm 2017 đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ quan tổ chức như tại các điểm công cộng, nhà hàng, khách sạn… hơn 200 nhà hàng khách sạn, cơ quan tổ chức về việc thực thi môi trường không khói thuốc đã được kiểm tra và cho đến nay và xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng - đây là những dấu hiệu rất tích cực. Cùng với đó là sự chủ động của Bộ Y tế phối hợp các bộ ngành liên quan về thực thi luật phòng, chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua điều tra cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh, độ tuổi học sinh từ 13 đến 15 tuổi ở nước ta đã có giảm 1%, trong tương lai với sự quyết tâm của các Bộ, ngành, địa phương ở độ tuổi học sinh sẽ không còn có thói quen sử dụng thuốc lá nữa. Tỷ lệ khói thuốc lá của nam giới đã giảm 6,5 %, tại nơi công cộng đã giảm đáng kể so với năm 2010 tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm 13,3 % tại các các trường cao đẳng đại học giảm 16,4 % trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% đây là tất cả các kết quả tích cực trong thời gian vừa qua.
Giảm tỷ lệ hút thuốc lá, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá. Để đạt được kết quả này bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, các tỉnh thành trong cả nước có sự đóng góp hết sức quan trọng to lớn của các cơ quan thông tấn báo chí trong thời gian vừa qua. Các cơ quan thông tấn báo chí đã chủ động, thường xuyên đưa các thông tin về các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá không chỉ sức khỏe mà vấn đề kinh tế.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá - Thành viên Ban Tổ chức cuộc thi cũng cho hay, sản phẩm thuốc lá là sản phẩm gây nghiện lại được bầy bán khắp nơi mà chúng ta dễ tiếp cận, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Trong khi đó, giá thuốc lá rất rẻ nên khả năng tiếp cận và hút thuốc lá ở Việt Nam là rất dễ dàng. Chính vì vậy đây cũng là rào cản rất lớn trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Asean thuế thuốc lá của chúng ta là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia, thuế chỉ khoảng chưa đến 1,800 VNĐ/1 bao (rất rẻ so với các nước trong khu vực…)
Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá - Thành viên Ban Tổ chức cuộc thi (Ảnh: Đăng Chung).
“Đây là một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam. Nếu tăng thuế, tăng giá thuốc lá sẽ góp phần hạn chế người sử dụng thuốc lá nhất là giới trẻ. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân, bởi vậy Ban Tổ chức cũng mong muốn các nhà hoạch định chính sách quan tâm hơn nữa việc tăng thuế thuốc lá, tăng nguồn thu cho nhà nước đồng thời giảm tỷ lệ người hút thuốc. Đây là một trong những chính sách quan trọng giúp chúng ta làm được 2 mục tiêu rất tốt cho đất nước, đó là giảm thiểu số người hút thuốc lá, bệnh nhân mắc và chết liên quan đến thuốc lá gây ra và đồng thời tăng nguồn thu thuế đối với việc sản xuất thuốc lá…” - bà Phan Thị Hải nói.
Thông tin về thể lệ cuộc thi, ông Võ Thanh Lâm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đối tượng dự thi gồm các tổ chức được cấp phép hoạt động báo hình, các phóng viên, biên tập viên, ê kíp sản xuất phóng sự truyền hình. Tác phẩm dự thi là các phóng sự truyền hình được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc có phụ đề tiếng Việt, được phát sóng trên các kênh truyền hình đã được cấp phép từ ngày 1/1 đến hết 31/12/2017. Tác phẩm có nội dung phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề liên quan đến tác hại của thuốc lá, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá thực hiện trong năm 2017.
Các bài dự thi nêu bật ý nghĩa của chính sách về giá, thuế thuốc lá trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá ở Việt Nam; phản ánh chủ đề mà Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn cho Ngày thế giới không khói thuốc lá 31/5/2017; tác hại của hút thuốc, hút thuốc thụ động và quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm cấm hút thuốc theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nâng cao ý thức của người không hút thuốc trong việc lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc không hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm; giới thiệu các phong trào, chiến dịch, tấm gương, mô hình tốt, những hoạt động hiệu quả tạo hiệu ứng lan truyền theo chiều hướng tích cực, nhằm cổ vũ cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá…
Ban Tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 16/11/2017 đến hết ngày 31/1/2018 tại địa chỉ: Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, số 8 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Kết thúc cuộc thi, sẽ có hai hệ thống giải thưởng được trao cho cá nhân và tập thể có những tác phẩm xuất sắc.
Về cơ cấu giải thưởng, bao gồm giải cá nhân và giải tập thể. Giải cá nhân trao cho các tác giả/nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải gồm: 01 Giải nhất cá nhân, 03 giải nhì, 04 giải ba, 05 giải khuyến khích. Giải tập thế gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì và 01 giải cho đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi nhất. Thời gian trao giải dự kiến vào quý I/2018. Thông tin chi tiết về cuộc thi được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông mic.gov.vn; trên facebook: cuocthithuocla2017 và các phương tiện thông tin truyền thông khác.
Với những ý nghĩa và mục đích tốt đẹp của cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn rằng cuộc thi sẽ là động lực thúc đẩy các phóng viên, biên tập viên cho ra đời các phóng sự truyền hình với tư duy phân tích sâu sắc, hình ảnh chân thực, sinh động, có thông điệp truyền thông cụ thể, rõ ràng; từ đó, tạo nên sức mạnh truyền thông mạnh mẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với những tổn thất về sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây nên.