Phạm Quang Nghị

Phạm Quang Nghị| 26/04/2019 08:31

Sinh năm 1949 tại Định Tân, Yên Định, Thanh Hóa. Tốt nghiệp khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1967 - 1970). Đi B; cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; biên tập viên tạp chí Sinh hoạt văn nghệ (1971- 1975). Học viên trường Nguyễn Ái Quốc, chuyên ban Triết học (1976 - 1978). Bảo vệ luận án Triết học tại Liên Xô (1985)... Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về công tác tư tưởng (1994 - 1997). Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam (1997

Phạm Quang Nghị

Tình đồng đội

Biết năm nay con sẽ ra trường
Là xa luôn chiếc giường đôi ấm tình đồng đội
Chăn bông mới mẹ nhờ làm vội
Cho con chăn dày thay chiếc chăn chung
Đêm đông trở gió lạnh lùng
Con vẫn nóng ran tình mẹ.

Đào vừa ra hoa 
Con đà chào mẹ
Lên đường đi chiến trường xa
Chăn ấm con gửi về nhà
Mẹ đắp thêm cho em con nhé
Để ấp ủ giấc mơ theo anh đánh Mỹ
Con biết là em vẫn thường mong.

Con đi
Ấm nắng mùa xuân
Tuổi đời trai trẻ
Hành quân đêm dài nóng đổ mồ hôi
Đường vào tiền tuyến xa xôi
Nắng sớm mưa chiều vui cùng đồng đội
Đừng lo con lạnh, mẹ ơi!
 Tháng 2/1971


Ân tình Trường Sơn 1

Đường dài chim mỏi cánh bay
Dốc cao nai đứng trông hoài đoàn quân
Mây trời quyện những bàn chân
Tiếng cười cao vút trên tầng mây xanh
Ta đi đón ánh bình minh
Ta đi đón những ân tình Trường Sơn.
                                                  Tháng 6/1971

Đường về 1

Trên Đồng Tháp mênh mông
Bốn phương mờ xa bãi tràm khóm trúc
Đêm hôm nay vừng trăng không mọc
Xuồng ta đi nhắm đích sao trời

Những nòng súng nghiêng nghiêng
Dòng kênh xanh xa tắp
Gió sương gội mái đầu phơ phất
Những người về giải phóng quê hương.

Ta về tiếp chặng đường giải phóng
Về quê hương không đợi mùa trăng
Băng Đồng Tháp giữa mùa nước nổi
Nghe xôn xao tiếng gọi đồng bằng.
Tháng 9/1972


Chào sông Vàm Cỏ

Xuồng bơi theo dòng kênh màu cẩm thạch
Nước lung linh, xa tắp vệt sao trời
Gió náo nức như từng hơi thở ấm
Thả theo dòng Vàm Cỏ cứ chơi vơi.

Ta ngả mũ chào sông yêu mến 
Chưa gặp lần nào, mà thấy thân quen
Từng đợt sóng bồi hồi trên bến
Dào dạt lòng người trở lại đất vùng ven.

Trong đêm khuya, nước sông sao ấm lạ
Đây phù sa hay máu chảy trong tim
Tôi khoát nhẹ nước sông lên rửa mặt
Chỉ một lần mà nhớ mãi không quên.
                   Tháng 11/1972


Tạm biệt vùng ven

Tạm biệt vùng ven
Nơi nuôi ta lớn lên trong tầm pháo
Tạm biệt nhé, những khóe nhìn đau đáu
Của vùng ven thương mến, ân tình.

Nhớ vùng ven quay quắt trong lòng
Nơi sinh tử những căn hầm bám trụ
Những hạt gạo chắt chiu nuôi cán bộ
Những con đường thấm máu tháng năm.

Nhớ vùng ven cứ canh cánh trong lòng
Em gái nhỏ với bao tình thương mến
Nói sao hết, trên đường đi kháng chiến
Một khối tình gửi lại đất vùng ven.
Mỹ Tho, tháng 12/1972


Thư gửi mẹ

Ơi mẹ già thương nhớ của lòng con
Từ đỉnh Trường Sơn con gửi lời thăm mẹ
Tóc bạc thêm nhiều, mẹ ơi, có khỏe
Mỗi đêm về mẹ ngủ có ngon không.

Con ra đi lòng vẫn thầm mong
Thống nhất núi sông con về thăm mẹ
Nay cả nước lên đường đánh Mỹ
Chào mẹ con đi để được làm người.

Tổ quốc ơi, con yêu người lắm lắm
Nay Người cần máu đỏ trái tim con
Để bầu trời Tổ quốc sáng trong hơn
Con xin nguyện hiến dâng cuộc sống.
Để trời biển vẫn cao xanh lồng lộng
Gương mặt Người được nhẹ những ưu tư
Bình minh lên lấp lánh những rừng dừa
Con trở về trong màu xanh đồng nội.

Mẹ già ơi, xin bình yên cho mẹ
Con ra đi nối bước cha ông 
Trong ngày vui thống nhất non sông
Lại được mẹ ôm vào lòng như thủơ nhỏ.
                     Tháng 5/1973


Giận mình

Tim anh mà vỡ làm đôi
Thì em sẽ thấy cái nơi si tình
Yêu em, lại oán giận mình
Sao không giữ được bóng hình của em.
                                    Lộc Ninh, 1974


Sau mùa gặt

Đường ra trận, qua cánh đồng mới gặt
Nghe xóm thôn rộn rã nhịp chày ba
Cánh én biếc nghiêng chao trên bờ mẫu
Khói chiều lam, óng ả khóm tre ngà.

Bông cúc áo phô sắc vàng rực rỡ
Ngỡ sao rơi trên cánh đồng mùa
Rạ lao xao uốn mình trong gió
Một chút hương ngò nhè nhẹ thoáng đưa.

Tôi bước đi trong hương đồng bát ngát
Rơm mùa vàng lưu luyến bước chân
Đất giải phóng trả ơn người mùa gặt
Và riêng tôi - phần hương sắc của đồng.
Xã Biên Giới - Tây Ninh, tháng 12/1974


Hai người lính

Trạm chuyển hàng nằm ở ven sông
Nơi lính xe và lính tàu gặp gỡ
Đường vận chuyển dưới sông trên bộ
Cùng chung nhau đưa những chuyến hàng.

Lính lái tàu và lính lái xe Zin
Đều đen nhẻm nên nụ cười rất sáng
Hai người lính cùng khiêng thùng đạn
Bốn bàn tay chai sạn như nhau.

Chiến dịch dài ngày mà có gặp lâu đâu
Tàu vừa tới là còi xe đã giục
Chỉ vội vã chia nhau khói thuốc
Và ánh nhìn hẹn gặp lần sau.

Tàu đi rồi mà sóng vỗ rất lâu
Như chẳng muốn xa rời bến bãi
Xe lăn bánh bụi đất còn cuộn mãi
Như muốn theo tay lái con tàu.
                     Sông Vàm Cỏ, tháng 2/1974


Một mùa xuân đến

Mùa xuân này con đang ở vùng ven
Giao thừa đến quây quần bên bếp lửa
Nghe nao nức bên kia dòng Vàm Cỏ
Súng chào xuân thay pháo nổ vang trời.

Tết này về không thịt cũng không xôi
Không hương khói và không mâm cỗ tiệc
Trên miệng hầm chúng con vui đón Tết
Hương trà thơm theo gió xuân về.

Phút giao thừa, con gọi mẹ có nghe
Trong nỗi nhớ ước mơ ngày gặp mặt
Con biết mẹ mong, đợi, chờ, day dứt
Nhớ thương con đang ở chiến trường xa.

Mùa xuân về trời đất nở muôn hoa
Con muốn được kính dâng lên mẹ
Và cầu chúc mẹ của con luôn khỏe
Sống đến ngày gặp lại đứa con yêu.
                           Thanh Điền, Tết 1975


Tóc em

Đã có bao nhiêu thơ,
Viết ngợi ca mái tóc,
Có bao nhiêu tiểu thuyết,
Kể về mái tóc em.

Đã có bao nhiêu tranh,
Vẽ những làn tóc đẹp,
Và có bao nhiêu nhạc
Ngợi ca mái tóc mềm.

Mười người yêu tóc em
Anh là người yêu nhất.
Trăm người yêu tóc em
Anh cũng là số một.

Anh đang ghen với gió
Anh ghen cả với mưa
Sao chúng cứ thích đùa
Làm tóc em bay rối.
          Tháng 11/1991


Thời gian

Hè nắng lửa dâng trào sự sống
Thu đang vàng đã chuyển sang đông
Làn gió ấm gọi xuân trở lại
Và ngoài kia, lúa đã trổ đòng!
                           Hè, 2016
(0) Bình luận
  • Chiến sỹ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiến sỹ Điện Biên của tác giả Vũ Lan Phương.
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phạm Quang Nghị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO