Tổ dân phố (TDP) số 7, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng thành công mô hình TDP điện tử của quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Góp sức cho sự thành công này không thể không nhắc tới những người “vác tù và hàng tổng”, trong đó có PGS. TS Lê Thanh Mẽ - Tổ phó TDP số 7, nguyên giảng viên trường Đại học Mỏ - Địa chất.
PGS. TS Lê Thanh Mẽ Từ chiến trường đến giảng đường
PGS. TS Lê Thanh Mẽ sinh năm 1949 tại xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Lớn lên ở vùng chiêm trũng, sau khi tốt nghiệp cấp III, dù có giấy gọi nhập học của Đại học Ngoại giao nhưng chàng thanh niên Lê Thanh Mẽ đành lùi ước mơ đến giảng đường để đi bộ đội. “Tôi đi được mấy tháng thì đành phải trở về địa phương vì sức khỏe không tốt. Lúc này trường Ngoại giao đã hết tiêu chuẩn và chỉ còn lại trường Đại học Nông nghiệp và Đại học Mỏ - Địa chất tuyển sinh. Nhiều người khuyên tôi, bố đã làm trong ngành nông nghiệp rồi thì con chọn ngành khác đi. Vậy là tôi chọn Đại học Mỏ - Địa chất. Năm 1969, tôi vào trường, năm 1972, khi đang học năm thứ 3 đại học ở Thuận Thành, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh) thì có giấy gọi nhập ngũ. Vậy là lại “xếp bút nghiên lên đường ra chiến dịch” - ông Lê Thanh Mẽ nhớ lại.
Cho đến bây giờ, những ngày tháng rời giảng đường đi chiến đấu vẫn còn in đậm trong ký ức của PGS.TS Lê Thanh Mẽ. Ông vẫn nhớ ngày lên đường ra trận trong ba lô vẫn cố mang theo cuốn toán cao cấp và sách tiếng Nga, đến khi qua sông Bến Hải hiểu được những ác liệt của cuộc chiến mới đành thả sách xuống dòng sông; nhớ những ngày ở Trung đoàn pháo binh 84, Sư đoàn 325 cùng đồng đội, chặn ở Đầm Cầu Hai không cho địch rút khỏi Huế; nhớ trận đánh ở Long Thành tạo điều kiện cho bộ binh tiến vào Sài Gòn; nhớ cả không khí hân hoan ngày Sài Gòn giải phóng…
Đầu năm 1976, trở lại với giảng đường, chàng thanh niên Lê Thanh Mẽ lại miệt mài học tập. Với những thành tích xuất sắc, ông được giữ lại làm giảng viên của trường rồi sau này trở thành PGS.TS, giảng viên cao cấp. Được đào tạo tương đối chuyên sâu cả về lý thuyết lẫn thực tế, những bài giảng của thầy Lê Thanh Mẽ đã trao truyền biết bao kiến thức cho các thế hệ học trò. Trong nhiều năm làm công tác giảng dạy đại học và cao học, thầy giáo Lê Thanh Mẽ đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Những danh hiệu, bằng khen, đặc biệt là sự trưởng thành của các học trò chính là niềm vui, là động lực để PGS. TS Lê Thanh Mẽ tiếp tục trao truyền kinh nghiệm, kiến thức của mình cho các thế hệ sau kể cả khi ông đã về hưu.
Góp sức xây dựng tổ dân phố điện tử tại địa phương
Nhận quyết định về hưu năm 2016, tuy nhiên PGS. TS Lê Thanh Mẽ vẫn khá bận rộn với các công việc chuyên môn. Dù vậy, khi được mọi người giới thiệu và “vận động” nhận trọng trách Tổ phó TDP số 7, ông Lê Thanh Mẽ vẫn nhận lời. Ông bảo, bao năm đi dạy, ông không có nhiều thời gian để tham gia “việc làng”, vậy nên giờ là lúc để ông có thể góp một phần công sức nhỏ bé của mình. Những ngày đầu tiên khi được giao nhiệm vụ làm chủ chương trình “Ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư ở tổ dân phố”, ông Mẽ cũng trăn trở rất nhiều. “TDP số 7 rộng 9,4ha, có trên 400 hộ dân và gần 1700 nhân khẩu chưa kể hàng trăm sinh viên và các hộ kinh doanh dịch vụ đến thuê trọ cùng nhiều đơn vị đóng trên địa bàn như: Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam. Để quản lý dữ liệu dân cư của TDP sao cho hiệu quả, rõ ràng cần phải ứng dụng công nghệ thông tin. Nhưng ứng dụng ra sao là một điều không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai” – ông Mẽ cho hay.
Là người nghiên cứu khoa học hiểu biết về công nghệ thông tin, PGS. TS Lê Thanh Mẽ lên ý tưởng vẽ sơ đồ toàn bộ khu dân cư bằng việc sử dụng phần mềm đồ họa. Ông đến UBND phường mượn bản đồ địa chính rồi miệt mài số hóa toàn bộ sơ đồ khu dân cư bằng phần mềm Autocad. Các dữ liệu của từng hộ gia đình (tên chủ hộ, địa chỉ, diện tích căn hộ, số tầng, số hộ, số nhân khẩu…) cũng được ông cập nhật trong sơ đồ. Mặc dù công việc khó khăn, vất vả cần nhiều công sức nhưng chỉ sau 3 tháng ông đã xây dựng xong sơ đồ bố trí dân cư rất chi tiết.
Vừa mở cho tôi xem tấm sơ đồ khu dân cư số 7, PGS. TS Lê Thanh Mẽ vừa say sưa kể lại: “Bên cạnh phần mềm đồ họa Autocad, tôi còn sử dụng cả công cụ Excel để tổng hợp toàn bộ các dữ liệu về dân cư theo vùng ở cả 6 khu tập thể trong TDP. Các thông tin, số liệu được tôi thu thập từ danh sách cử tri, số liệu điều tra nhân hộ khẩu trên địa bàn. Bây giờ nếu muốn kiểm tra, khai thác dữ liệu thông tin về dân cư của TDP số 7 chỉ cần vài lần “nhấp chuột” là có thể nắm bắt được hết, rất rõ ràng, minh bạch và hiệu quả, đồng thời cũng tránh được những nhầm lẫn, sai sót so với cách quản lý bằng sổ sách như trước đây”.
Nhắc đến những “thành quả” mà mình đã cất công tạo dựng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng cơ sở dữ liệu của TDP số 7, PGS. TS Lê Thanh Mẽ cũng không quên nhắc đến những người đã đồng hành, động viên khuyến khích ông trong những ngày tháng tiến hành số hóa dữ liệu dân cư. Đó là lãnh đạo, chính quyền quận Bắc Từ Liêm, phường Đức Thắng, những người “vác tù và hàng tổng” của TDP số 7, đặc biệt là ông Nguyễn Mạnh Hoạt (Bí thư Chi bộ TDP số 7): “Anh Hoạt nguyên là lãnh đạo của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Là người làm khoa học anh rất hiểu và khuyến khích tôi. Sự tin tưởng, khuyến khích của anh cũng chính là động lực để giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ” – PGS. TS Lê Thanh Mẽ chia sẻ.
Để có được những sơ đồ, cơ sở dữ liệu của khu dân cư, là những ngày tháng miệt mài, âm thầm làm việc của PGS. TS Lê Thanh Mẽ. Dẫu công việc chẳng có thù lao, nhưng ông vẫn tận tâm, tận lực làm việc. Không chỉ góp công xây dựng dữ liệu dân cư cho tổ dân phố, PGS.TS Lê Thanh Mẽ còn bỏ tiền túi trang bị máy tính, mua font chiếu để ở nhà văn hóa của TDP để mọi người có thể truy cập các dữ liệu mà ông đã số hóa.
Ông Nguyễn Danh Thắng – Tổ trưởng TDP số 7 khi nhắc về người cộng sự ở TDP của mình đã chia sẻ: “Anh Mẽ là người rất nhiệt tình, có trách nhiệm và rất am hiểu về công nghệ thông tin. Cũng bởi vậy mà anh Mẽ là một trong những người đã hỗ trợ nhiều trong việc thu thập số hóa dữ liệu dân cư của TDP, góp phần không nhỏ cho sự thành công của mô hình TDP điện tử của địa phương. Qua thực tế tại địa phương, tôi thấy hiệu quả của việc số hóa dữ liệu dân cư này đã phát huy nhiều tác dụng. Nếu như trước đây muốn biết những người đến tuổi nhập ngũ, tuổi mừng thọ hay các cháu lứa tuổi thiếu niên nhi đồng… phải mở sổ để tra soát thì nay nhờ có dữ liệu dân cư đã được số hóa này thì chỉ trong vài phút có thể cập nhật ngay được thông tin. Hy vọng, với những hiệu quả tích cực mô hình này sẽ được nhân rộng thêm tới các TDP khác trên địa bàn phường, quận nói riêng, cũng như toàn Thành phố Hà Nội nói chung”.