Công bố Ban chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021
Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành nhiệm kỳ XII Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội
Về dự đại hội còn có Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Chủ tịch, lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương và các Hội LHVHNT một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo cáo kết quả ngày làm việc thứ nhất (19/4), Đại hội đã bầu đoànchủ tịch, ban thư ký, thông qua quy chế làm việc... Chiều cùng ngày, Đại hội đã bầu ra Ban kiểm tra khóa XII, đã công bố kết quả bầu Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra, bầu Chủ tịch và các phó Chủ tịch Hội, đã bầu trưởng ban kiểm tra và phó ban.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại Đại hội
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: Hơn 50 năm qua, Hội Liên hiệp VHNT Thủ đô đã phát triển ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ một Chi hội Văn nghệ, hình thành tháng 10-1966, phát triển thành một Hội Văn nghệ mang tính tổng hợp, rồi dần mở rộng quy mô thành Hội Liên hiệp có 9 hội chuyên ngành với gần 3.400 hội viên như hiện nay. Đây là nơi hội tụ tài năng, tâm huyết và trí tuệ của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc. Trước thực tiễn cuộc sống, văn nghệ sĩ Thủ đô được nâng cao nhận thức xã hội và phát huy tài năng nghệ thuật của mình cống hiến những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; đóng góp nhiều công trình giá trị về văn hóa, xẫ hội cho Thủ đô và cả nước. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã thực sự trở thành một lực lượng quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa như Bác Hồ đã khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đó chính là một sự nỗ lực, cố gắng vươn liên không ngừng của tập thể lãnh đạo và hội viên văn nghệ sỹ Thủ đô.
Với những đóng góp quan trọng, những cống hiến to lớn của văn học nghệ thuật Thủ đô, nhiều văn nghệ sỹ đã được trao tặng những danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và Thành phố như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, Công dân Thủ đô ưu tú… Đây là sự tôn vinh xứng đáng cho những tác giả, tác phẩm xuất sắc đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà, trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô chúng ta.
Đại hội đã bầu NSND Trần Quốc Chiêm đắc cử chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ XII 2016 - 2021.
Phát biểu tại Đại hội, NSND Trần Quốc Chiêm cho biết: Cá nhân tôi và các đồng chí trong Ban Chấp hành và Ban kiểm tra nhận thấy được rằng đây là niềm vinh dự lớn, đồng thời cũng là nhiệm vụ nhiều thử thách được giao phó. Chính vì vậy, tôi sẽ cố gắng lắng nghe đầy đủ trong từng lĩnh vực với tập thể Ban Chấp hành, phát huy dân chủ, trong suốt, đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021. Về nhận nhiệm vụ mới, môi trường công tác mới còn có nhiều khó khăn, mong các đồng chí lãnh đạo Thành phố, Ủy ban Toàn quốc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, các sở, ban ngành của Thành phố Hà Nội, toàn thể hội viên luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội và tôi có động lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
NSND Trần Quốc Chiêm, sinh ngày: 12/2/1958, quê quán Thái Bình. Ôngsinh trưởng tại quê hương của nghệ thuật chèo, ngay từ nhỏ, nghệ sĩ Quốc Chiêm đã có niềm say mê mãnh liệt với những làn điệu mượt mà, thấm đẫm tâm hồn Việt. Sau khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, ông đã đầu quân cho nhà hát Chèo Hà Nội và để lại dấu ấn với khán giả bằng vai chính trong vở “Người con gái trở về” của tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Doãn Hoàng Giang.
Nghệ sĩ ND Quốc Chiêm và nghệ sĩ Lâm Bằng, tái hợp trong vở chèo đình đám một thời ”Nàng Sita” năm 2012, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát chèo Hà Nội. Hai nghệ sĩ được coi là đôi “tiên đồng ngọc nữ” của sân khấu chèo Hà Nội hơn 30 năm trước. “Nàng Sita” Lâm Bằng và "hoàng tử Pơ Liêm" Quốc Chiêm đã lấy đi không biết bao nước mắt của khán giả mê chèo thập niên 80- 90.
Trong sự nghiệp của mình, NSND Trần Quốc Chiêm thành công với rất nhiều vai diễn, nhưng chủ yếu là các vai Hoàng Tử, Vua Chúa.
NSND Trần Quốc Chiêm được người xem nhớ nhất là các vai Hoàng tử Pơ Liêm trong vở Nàng Si Ta, vai Hoàng tử Pônuvông trong vở Mối tình ĐuôngNali, vai Hoàng tử trong vở Tấm Cám; vai Vua Lý Thánh Tông trong vở Lý Thường Kiệt, vai Vua Lý Công Uẩn trong vở kịch cùng tên, v.v… Đặc biệt, vai hoàng tử Pơ Liêm trong “Nàng Sita”, NSND Quốc Chiêm đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật chèo. Ông còn lưu danh qua những vở diễn như: “Biển khổ”, “Ngọc Hân công chúa”…
Biết bao người hâm mộ và bạn nghề từng có chung cảm nhận là có lẽ NSND Trần Quốc Chiêm sinh ra là để làm Vua và Hoàng tử trên sân khấu. Chính vì thế, một thời anh được mệnh danh là “Hoàng tử của 3 nước Đông Dương” trên sân khấu chèo.
Đầu năm 2016, Hoàng tử Pơ Liêm – Nghệ sĩ Trần Quốc Chiêm đã vinh dự được đón nhận danh hiệu NSND.
Sau khi được nhà nước công nhận NSND, khi trả lời trên báo chí, NSND Trần Quốc Chiêm tâm sự: Tôi, để có được như hôm nay đã nhận được sự giúp đỡ, cổ vũ rất nhiều từ phía các thầy dạy của mình, của những thế hệ nghệ sĩ đi trước như Trần Huyền Trân, Bùi Trọng Đang, Năm Ngũ, Dịu Hương, Lệ Hiền, Thúy Lan…. Tôi cũng rất cám ơn cha mẹ mình đã ủng hộ tôi đi theo nghiệp chèo, nối tiếp truyền thống cha ông – quê hương Thái Bình, nơi tôi sinh ra. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ lời dặn của cha mình khi tôi chuẩn bị bước chân lên Hà Nội , học trường Sân khấu Điện ảnh: Nếu đi mà không thành tài thì thà về nhà cày ruộng còn hơn. Lời dạy của cha đã làm động lực to lớn cho tôi phấn đấu. Tôi cũng cảm ơn Thủ đô Hà Nội đã cho tôi thỏa sức đua tài để có ngày hôm nay.
Không chỉ thành công trên nghiệp diễn của mình, mọi người còn biết đến NSND Trần Quốc Chiêm là một nhà quản lý (nguyên là Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội). Trên cương vị nào anh cũng để lại những dấu ấn đậm nét.