Nơi hội tụ tinh thần văn hóa sống động

Bảo Thoa/LĐTĐ| 09/03/2018 16:47

“Qua mỗi năm, Hội báo toàn quốc không chỉ dừng lại ở việc trưng bày các ấn phẩm báo chí, mà cùng với đó là một tổ hợp các hoạt động mang tính xã hội, mang tính nghề nghiệp, mang tính văn hóa mà trở thành một nguồn hội tụ tinh thần văn hóa hết sức sống động. Đây thực sự không chỉ là ngày hội của những người làm báo, mà của cả công chúng báo chí”, đó là chia sẻ của Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại cuộc họp báo trước thềm “Hội báo toàn quốc 2018”.

Nhiều điểm mới làm nên bản sắc của Hội báo

Theo Trưởng Ban tổ chức, nhà báo Hồ Quang Lợi, Hội Báo toàn quốc 2018 được tổ chức nhằm thiết thực chào mừng các sự kiện trọng đại diễn ra trong năm, chào mừng những thành tựu của đất nước trong tiến trình đổi mới; là dịp tôn vinh sự phát triển mạnh mẽ, những thành tích to lớn của Báo chí Việt Nam, quảng bá những sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước;

Đồng thời, tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, qua đó khích lệ giới báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng của nhân dân; nâng cao vai trò và uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống báo chí nói riêng và đời sống xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, Hội báo cũng là dịp để biểu dương và động viên những cống hiến lớn lao của các đơn vị, cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp có đóng góp tích cực vào sự nghiệp báo chí cách mạng.

noi hoi tu tinh than van hoa song dong
Lãnh đạo TP Hà Nội và đại diện các cơ quan báo chí của Thủ đô thăm quan tại Hội báo toàn quốc 2017. (Ảnh Nguyễn Công)

Với quy mô toàn quốc, trong thời gian 3 ngày, Hội Báo toàn quốc 2018 sẽ có nhiều hoạt động phong phú, có sức lôi cuốn như: Tổ chức trưng bày các ấn phẩm báo Xuân và các ấn phẩm mang tính báo chí tiêu biểu năm 2017 và quý I năm 2018.

Một điểm khác biệt nữa của Hội Báo toàn quốc 2018 sẽ có 4 gian trưng bày theo chuyên đề: Gian trưng bày chuyên đề "Báo chí với công tác Xây dựng Đảng" của Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân; Gian trưng bày chuyên đề "Báo chí với Quốc hội và cử tri" của Liên Chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội;

Gian trưng bày chuyên đề "Báo chí với việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động" của Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Gian trưng bày chuyên đề "Đạo đức người làm báo" của Liên Chi hội Nhà báo cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Liên chi hội Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan báo chí các Ban của Đảng.

Điểm thú vị tiếp theo tại Hội báo toàn quốc 2018 là những hoạt động từ Đoàn thanh niên tại các cơ quan trung ương với những hoạt động hội trại; các trò chơi dân gian; liên hoan dân vũ; mít tinh chào mừng kỷ niệm thành lập đoàn 26.3; tôn vinh các phóng viên, biên tập viên trẻ tiêu biểu… Ngoài ra còn có các diễn đàn, hội thảo, giao lưu, toạ đàm, văn nghệ, triển lãm với nhiều chủ đề mới, thiết thực, chuyên sâu về nghề nghiệp. Đặc biệt năm nay, Hội báo toàn quốc do có địa điểm tổ chức có quy mô rộng hơn những năm trước nên năm nay việc trưng bày các ấn phẩm báo sẽ được đa dạng và phong phú hơn rất nhiều.

noi hoi tu tinh than van hoa song dong
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ TTTT; ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; ông Phạm Văn Linh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng BTC Hội Báo toàn quốc 2018 tại cuộc họp báo “Hội báo toàn quốc 2018” (ảnh: Bảo Thoa).

Một điểm đặc biệt nữa góp phần làm nên “bản sắc” của Hội Báo toàn quốc năm nay đó là, lần đầu tiên ban tổ chức sẽ trao giải cho các công trình nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ báo chí xuất sắc. Trả lời thắc mắc của phóng viên về đối tượng được trao giải liệu có phải chỉ là các giảng viên công tác tại những cơ sở đào tạo báo chí hay không, ông Hồ Quang Lợi khẳng định, đây là giải thưởng dành cho tất cả các cá nhân có công trình nghiên cứu và nghiệp vụ báo chí xuất sắc.

Thời kỳ của sự lan tỏa

Hội báo toàn quốc là dịp tôn vinh sự phát triển của báo chí, quảng bá sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của nhà báo; biểu dương, động viên những cống hiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp tích cực vào sự nghiệp báo chí cách mạng. Tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, nâng cao vai trò và uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam. Hội Báo toàn quốc 2018 diễn ra từ 16/3-18/3/2018 với 80 giải báo chí cho những tác phẩm, công trình nghiên cứu xuất sắc và gian trưng bày có sức thu hút đối với công chúng.

Theo ông Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cần thiết nhất vẫn là sự đổi mới trong cách tổ chức và giới thiệu những ấn phẩm báo chí. Đổi mới làm sao để chúng ta thể hiện được mức lan tỏa của báo chí đối với xã hội, chúng ta không chỉ biến Hội báo thành triển lãm phức hợp, mà chúng ta phải kết hợp được nhiều nội dung.

Báo chí bây giờ có xu hướng phát triển rất nhanh, vì thế, qua từng năm, mỗi cơ quan báo chí tham gia Hội báo phải giới thiệu được những cái mới của mình, thể hiện sự lan tỏa của mình đối với xã hội.

Đối với các nội dung thì làm sao giới thiệu được những cái mới, những nhân vật điển hình, những vấn đề xã hội quan tâm. Đã qua thời kỳ chúng ta trưng bày những ấn phẩm thiếu sự sống động, những ấn phẩm cũ kỹ.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng các gian trưng bày theo chuyên đề, ông Hồ Quang Lợi cho biết: Để tạo nên một Hội Báo toàn quốc đổi mới, hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút sự quan tâm của công chúng, thì bản thân các gian trưng bày không chỉ trưng bày các sản phẩm báo chí một cách đơn thuần mà cần có nội dung. Đây cũng là yêu cầu của BTC đối với các đơn vị có gian trưng bày tại Hội Báo toàn quốc 2018.

Ví dụ, gian trưng bày chuyên đề “Báo chí với việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động” của Cổng TTĐT Chính phủ gắn liền với những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong năm 2017 với thông điệp đầy quyết tâm của Thủ tướng về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động. Còn với Gian trưng bày chuyên đề “Đạo đức người làm báo” của Liên Chi hội Nhà báo cơ quan TƯ Hội Nhà báo Việt Nam, Liên Chi hội Nhà báo Ban Tuyên giao Trung ương và các cơ quan báo chí các Ban của Đảng, thì phải thể hiện rõ nội dung: Đạo đức nghề nghiệp người làm báo luôn là vấn đề được chính những người làm báo, công chúng, dư luận quan tâm.

Theo ông Hồ Quang Lợi, hầu hết các nhà báo, những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí vẫn giữ được đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến cao, nhưng bên cạnh đó còn tồn tại những người làm báo có hành động sai trái dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Do đó, giữ vững đạo đức người làm báo là hết sức quan trọng để xây dựng nên một nền báo chí lành mạnh; và đây cũng là điểm nhấn để hình thành nên ý tưởng xây dựng một gian trưng bày riêng về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Nơi hội tụ tinh thần văn hóa sống động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO