Những nội dung chính trong Hiệp định EVFTA

Thu Huyền/VNHN| 19/02/2020 11:08

Với nhiều nội dung đáng chú ý được quy định, Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) được đánh giá là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Những nội dung chính trong Hiệp định EVFTA

Ảnh minh họa - Internet 

Việc Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua Hiệp định EVFTA chiều ngày 12/2/2020 là sự kiện  đánh dấu một mốc mới trên chặng đường gần 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Về thương mại hàng hóa

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Để phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử.

Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS, TBT, phòng vệ thương mại, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp...

Về thương mại dịch vụ và đầu tư

Trong EVFTA, cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư nhằm tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của EU trong những Hiệp định FTA gần đây của EU.

Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.

Trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, hai bên cam kết, trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 04 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.

Đối với lĩnh vực, dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam cam kết cho phép nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, cam kết dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật Việt Nam. Riêng đối với yêu cầu cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm, Việt Nam chỉ cho phép sau một giai đoạn quá độ.

Về dịch vụ viễn thông, Việt Nam chấp nhận mức cam kết tương đương trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt, đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, Việt Nam cho phép EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một giai đoạn quá độ.

Trong lĩnh vực dịch vụ phân phối, Việt Nam đồng ý bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế sau 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên Việt Nam bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử. Việt Nam cũng đồng ý không phân biệt đối xử trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu, cho phép các doanh nghiệp EU được bảo lưu điều kiện hoạt động theo các giấy phép hiện hành và chỉ cần một giấy phép để thực hiện các hoạt động nhập khẩu, phân phối, bán buôn và bán lẻ.

Về mua sắm của Chính phủ

Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu..., Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.

Về diện cam kết, Việt Nam cam kết mở cửa mua sắm của các Bộ, ngành trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (đối với các hàng hóa và dịch vụ mua sắm thông thường không phục vụ mục tiêu an ninh – quốc phòng), TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và một số Viện thuộc trung ương. Về ngưỡng mở cửa thị trường, Việt Nam có lộ trình 15 năm để mở cửa dần các hoạt động mua sắm.

Gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết.

Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước trong vòng 18 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với dược phẩm, Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp EU được tham gia đấu thầu mua sắm dược phẩm của Bộ Y tế và bệnh viện công trực thuộc Bộ Y tế với một số điều kiện và lộ trình nhất định.

Về sở hữu trí tuệ

Theo Bộ Công thương, cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý... Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Trong đó, về chỉ dẫn địa lý, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

Về nhãn hiệu, hai bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc phải có cơ sở dữ liệu điện tử về đơn nhãn hiệu đã được công bố và nhãn hiệu đã được đăng ký để công chúng tiếp cận, đồng thời cho phép chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng một cách thực sự trong vòng 5 năm.

Về thực thi, Hiệp định có quy định về biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng xuất khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cam kết về đối xử tối huệ quốc (MFN) được hai bên cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc trong Hiệp định này đảm bảo dành cho các tổ chức, cá nhân của EU được hưởng những lợi ích về tiêu chuẩn bảo hộ cao không chỉ với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định của WTO về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) mà còn cả các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia (như Hiệp định CPTPP).

Về doanh nghiệp nhà nước

EVFTA cũng quy định về doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cam kết cũng tính đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu chính sách công, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh – quốc phòng. Bởi vậy, Hiệp định EVFTA chỉ điều chỉnh hoạt động thương mại của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu hoặc kiểm soát và doanh nghiệp độc quyền có quy mô hoạt động thương mại đủ lớn đến mức có ý nghĩa trong cạnh tranh.

Các nghĩa vụ chính của doanh nghiệp nhà nước là: hoạt động theo cơ chế thị trường, nghĩa là doanh nghiệp có quyền tự quyết định trong hoạt động kinh doanh và không có sự can thiệp hành chính của Nhà nước, ngoại trừ trường hợp thực hiện mục tiêu chính sách công; không có sự phân biệt đối xử trong mua bán hàng hóa, dịch vụ đối với những ngành, lĩnh vực đã mở cửa; minh bạch hóa các thông tin cơ bản của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Về thương mại điện tử

Để phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử. Hai bên cũng cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử, bao gồm: Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc truyền dẫn hay lưu trữ thông tin; Ứng xử với các hình thức liên lạc điện tử trong thương mại không được sự cho phép của người nhận (như thư điện tử chào hàng, quảng cáo…); Bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử.

Hai bên cũng sẽ hợp tác trao đổi thông tin về quy định pháp luật trong nước và các vấn đề thực thi liên quan.

Về minh bạch hóa

Xuất phát từ thực tiễn môi trường pháp lý trong nước có ảnh hưởng lớn đến thương mại, Hiệp định EVFTA dành một chương riêng về minh bạch hóa với các yêu cầu chung nhất để đảm bảo một môi trường pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Về thương mại và phát triển bền vững

Hai bên khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Về vấn đề lao động, với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hai bên cam kết tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện Tuyên bố 1998 của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm việc thúc đẩy phê chuẩn và thực thi có hiệu quả các Công ước cơ bản của ILO.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác thông qua cơ chế chia sẻ thôngtin và kinh nghiệm về thúc đẩy việc phê chuẩn và thực thi các công ước về lao động và môi trường trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản…

Bên cạnh các nội dung trên, Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các Chương liên quan tới hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế, chính sách cạnh tranh và trợ cấp. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Với EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tư do với EU. Đây là thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

https://vietnamhoinhap.vn/article/nhung-noi-dung-chinh-trong-hiep-dinh-evfta---n-27157

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Những nội dung chính trong Hiệp định EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO