Nhân dịp này, hãy cùng chúng tôi lắng đọng thêm một lần nữa với trải lòng của những người phụ nữ để hiểu hơn, thông cảm hơn, trân trọng hơn cũng là để ghi nhận và biểu dương những thành tựu, sự đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ của những bông hồng tài năng ấy, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và đòi hỏi họ có nhiều trách nhiệm hơn kể cả đối với bản thân, gia đình lẫn xã hội. Ở họ mỗi người mang một vẻ, một hương, một sắc nhưng tựu trung lại các chị chính là những đại diện tiêu biểu cho tinh thần, hình tượng của người phụ nữ hiện đại dám nghĩ, dám làm.
“Nữ tướng” mới của Bánh kẹo Hải Hà, Tổng Giám đốc Bùi Thị Thanh Hương: Phụ nữ hãy luôn là chính mình
Chúng tôi được biết về chị rất tình cờ. Trong lần đầu được tiếp kiến chị, chúng tôi cứ ngỡ rằng người phụ nữ này là một “tay lão làng” trong ngành thực phẩm hay ngành bánh kẹo. Nhưng không phải như vậy. Chị là một “người mới toanh” vừa gia nhập ngành bánh kẹo, chị là “sếp” mới được lãnh đạo cấp trên tín nhiệm cử về tiếp quản Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà. Và sau những cuộc trò chuyện với chị, hiểu hơn về chị chúng tôi hiểu rằng chính Hải Hà đã chọn chị. Chị chính là Tổng Giám đốc Công ty Bùi Thị Thanh Hương.
Hải Hà là một trong những thương hiệu ngành bánh kẹo giàu truyền thống nhất, vang bóng một thời của Việt Nam. Do nhiều vấn đề, gần đây thương hiệu này đang dần bị mai một và thiếu sức ảnh hưởng trong nước. Làm cách nào để vực lại một thương hiệu vốn là niềm tự hào của ngành bánh kẹo Việt Nam? Sứ mệnh và trọng trách lớn đối với Hải Hà đang dồn cả lên đôi vai nữ tướng mới của Công ty.
Thời gian mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty với nhiều bỡ ngỡ, chị Hương gặp không ít khó khăn. Một mặt chị vừa phải lo ổn định lại cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự, ổn định lòng người đồng thời vừa phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sản lượng tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng ngàn người lao động của Công ty. Khó khăn chồng chất khó khăn. Thời gian ban ngày ở Công ty có khi chỉ đủ để chị ký các loại giấy tờ. Tối về nhà, chị lại cần mẫn “cày” từng đêm, tìm hiểu kiến thức về ngành thực phẩm, ngành bánh kẹo, về chuyên môn để làm cách nào hóa giải những khó khăn nội tại của doanh nghiệp chị đang gặp phải... Suốt quãng thời gian này, nhiều đêm chị Hương chỉ có được vẻn vẹn những giấc ngủ thật ngắn – từ một, hai tiếng.
Quả thực, trời không phụ lòng người. Sau cơn mưa trời lại sáng. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và một tư duy nhạy bén hơn người cùng với tài cầm quân và thu phục nhân tâm của nữ tướng mới, trên dưới đồng lòng, những nỗ lực và cố gắng của chị cùng tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà cũng đã được đền đáp. Có thể nói năm 2018 là năm ghi dấu ấn đặc biệt với vai trò của Tổng Giám đốc Bùi Thị Thanh Hương cùng sự bứt phá ngoạn mục của Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà. Các chỉ tiêu kinh doanh đều lập kỷ lục từ trước đến nay. Lợi nhuận ước đạt 60 tỷ đồng tăng 41,9% so với năm 2017, doanh thu của Công ty tăng đến 16%, lần đầu tiên doanh thu Công ty cán mốc nghìn tỉ sau 14 năm cổ phần hóa. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 9,6 triệu đồng/người/tháng tăng 5,5% so với năm 2017. Xuất khẩu đạt trên 3,8 triệu USD tăng 24% so với năm 2017. Có lẽ đã lâu lắm rồi, tập thể cán bộ, nhân viên của thương hiệu Bánh kẹo Hải Hà vốn lừng lẫy trong nước một thời mới có dịp được vỡ òa cảm xúc, vui mừng khôn tả như Tết năm nay. “Tất cả chúng tôi đã thức đến 24 giờ đêm ở Công ty chỉ để cùng nhau tận hưởng cái thời khắc hạnh phúc tuyệt vời này”, nữ tướng Bùi Thị Thanh Hương chia sẻ.
Thành công là vậy nhưng với sự khiêm nhường và một phong cách sống đáng nể, chị luôn khẳng định đó là nhờ vào công sức của cả tập thể. Tiếp đà thắng lợi của năm 2018, trong thời gian tới Công ty sẽ đầu tư một số dây chuyền sản xuất bánh kẹo cao cấp phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, tiếp tục duy trì vị trí là một trong các công ty bánh kẹo hàng đầu Việt Nam và nâng tầm thương hiệu Bánh kẹo Hải Hà lên một tầm cao mới, hướng tới phân khúc thị trường cao cấp hơn.
Chia sẻ về bí quyết giữ lửa trong gia đình, chị Hương khẳng định gia đình có vai trò quan trọng đối với tất cả phụ nữ nói chung và cá nhân chị nói riêng. “Cái gốc của phụ nữ chính là gia đình. Gia đình có yên ổn và hạnh phúc thì người phụ nữ sẽ có tâm thế tốt nhất để tỏa sáng và cống hiến hết mình cho công việc”, Tổng Giám đốc Bùi Thị Thanh Hương nhấn mạnh thêm. Và chị rất may mắn khi có một gia đình viên mãn luôn đồng hành với mình trên bước đường chinh phục những đỉnh cao trong sự nghiệp. Ngược lại, bản thân chị dù bộn bề công việc của một người lãnh đạo vẫn luôn dành tâm huyết và sắp xếp thời gian buổi tối để nấu những bữa ăn ngon và ưu tiên dùng bữa cùng gia đình nếu có phải đi ra ngoài tiếp đối tác.
Có thể nói, chị - người đã thổi hồn tươi mới cho thương hiệu Bánh kẹo Hải Hà - một đóa hồng đẹp giàu bản lĩnh, thông minh, trí tuệ, luôn sống và nghĩ theo cách của mình, sống theo bản chất của con người mình, thẳng tính, chân tình và thật tâm, luôn bước đi bằng đôi chân của chính mình. “Là phụ nữ hãy luôn là chính mình, với phụ nữ đừng nghĩ mình là phái yếu mà không làm được như phái mạnh, không có gì là không thể ”. Đó cũng chính là thông điệp mà Tổng Giám đốc Bùi Thị Thanh Hương muốn truyền tới tới tất cả phụ nữ nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Doanh nhân Lê Thị Thu Hương, CEO Công ty thời trang Maria: Cô chủ nhỏ xinh đẹp -đa tài trên thương trường
Sinh ra và trưởng thành trong một gia đình có truyền thống kinh doanh lớn tại Thanh Hóa, cô chủ nhỏ Hương Maria sớm bén duyên và yêu thích kinh doanh ngay từ tấm bé. Lớn lên thấu hiểu được những khó khăn, vất vả trong nghề kinh doanh bởi “Thương trường là chiến trường”, nhưng cô chủ nhỏ xinh đẹp vẫn quyết dấn thân vào nơi được ví như chiến trường ấy để gây dựng sự nghiệp cho riêng mình và cũng là để đền đáp cho các bậc sinh thành ra mình, đặc biệt là để thể hiện tình yêu lớn lao dành cho người mẹ của cô.
Người xưa đã nói “Vạn sự khởi đầu nan”, không có con đường dẫn đến thành công nào chỉ trải hoa hồng, đặc biệt là kinh doanh. Đối với cô chủ nhỏ Hương Maria điều này đúng hơn ai hết. Lựa chọn mở công ty thời trang vào thời điểm tình hình kinh doanh của gia đình đang gặp nhiều sóng gió cộng với nền kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ đang suy thoái, khủng hoảng về tài chính (năm 2012) là một quyết định táo bạo và đi ngược xu thế thời đại, ngược với mong muốn của cả gia đình cô chủ nhỏ ngày ấy. Tuy nhiên, người xưa có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chính từ những nghịch cảnh ấy đã thổi bùng lên vẻ đẹp tuyệt vời của bản lĩnh và trí tuệ cùng cái tầm của cô chủ nhỏ trên thương trường. Đam mê thời trang và dành trọn tình yêu cho thời trang, cô chủ nhỏ Hương Maria đã từng bước, từng bước nỗ lực không mệt mỏi vượt qua tất cả khó khăn và đưa thương hiệu thời trang Maria có chỗ đứng trong làng thời trang hiện nay. Hiện tại, Công ty thời trang Maria do CEO Lê Thị Thu Hương điều hành đang sở hữu hai thương hiệu thời trang MARIA-MACHORIO dành cho cả nam và nữ ở phân khúc cao cấp. Với dòng thời trang nam là veston công sở mang phong cách Italia, còn với dòng thời trang nữ là áo dài truyền thống mang đậm tinh hoa văn hóa Việt. Mặt khác để phù hợp với khí hậu cũng như nhu cầu đa dạng của thị trường hiện nay, cô chủ nhỏ tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm phục vụ các dự án lớn, các lĩnh vực ngành nghề khác nhau như y tế, đồng phục, giáo dục, quốc phòng… Với phương châm đi chậm nhưng đi chắc, sản phẩm của Công ty Thời trang Maria luôn ưu tiên hàng đầu về uy tín và chất lượng, mẫu mã phong phú đa dạng và thời thượng để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng “vui lòng khách đến hài lòng khách đi”. Tất cả các sản phẩm mang thương hiệu MARIA - MACHORIO đều được may từ những loại vải cao cấp nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới. Dưới bàn tay điêu luyện, tài hoa của những người thợ với kinh nghiệm 20 – 30 năm trong nghề, các sản phẩm của Maria luôn mang đến cho người mặc nét tinh tế, sang trọng và đẳng cấp.
Mục tiêu của cô chủ nhỏ Hương Maria là: “Tiếp tục xây dựng một thương hiệu có tiếng ở thị trường trong nước và đưa thương hiệu thời trang Maria vươn tầm quốc tế”, Rồi bằng vẻ điềm nhiên, cô chủ nhỏ nhấn mạnh: “Thành công đều sẽ đến từ chính mình. Khi đã chọn làm nghề kinh doanh thì một điều hiển nhiên là tôi đã chọn cho mình một nghề khó, một con đường khó”. Thành công ngày hôm nay với chị là những câu chuyện dài. Tuy nhiên, chị đúc kết ra một chân lý là dù chúng ta là ai, là đàn ông hay phụ nữ cơ hội để làm nên sự nghiệp là ngang nhau. Chỉ cần chúng ta luôn ghi nhớ bốn chữ vàng “Tâm – Tài – Trí – Dũng” là chúng ta có thể vượt qua tất cả.
Khi nói về những khó khăn của một bóng hồng trên thương trường so với phái mạnh, CEO Lê Thị Thu Hương có đôi chút suy tư: “Nữ làm kinh doanh đúng là có nhiều thiệt thòi hơn nam giới và phải hy sinh khá nhiều thứ trong đó có gia đình. Ngay như bản thân tôi, quá bận rộn với công việc kinh doanh có khi hàng năm tôi không có thời gian về quê thăm gia đình, nhiều công to việc lớn trong gia đình tôi đều không thể góp mặt vì có thể chỉ lơ là một chút là một đơn hàng đến của Maria bị chậm trễ...” Điều đặc biệt nữa là mải lo cho “đứa con tinh thần” của mình – Công ty thời trang Maria đến giờ cô chủ nhỏ vẫn chưa dành thời gian đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, chị vẫn “phòng không gối chiếc”.
Là một doanh nhân bước đầu đã có những thành công nhất định trên thương trường nhưng cô chủ nhỏ Hương Maria là một người sống vô cùng giản dị. Nhìn vẻ bề ngoài xinh đẹp, kiêu sa, có lẽ ai cũng nghĩ rằng chị là người khó gần nhưng hoàn toàn ngược lại, chị là người rất thân thiện và giàu lòng nhân ái. Cô chủ nhỏ quan niệm thật đơn giản, chị hoàn toàn có thể diện những bộ trang sức đắt tiền hay mua cho mình nhiều chiếc túi xách hàng hiệu thật sang chảnh. Nhưng việc này chỉ làm cho một mình chị vui. Và chị quyết định dành niềm vui này cho các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người kém may mắn trong cộng đồng. Với chị, cho đi tức là đang được nhận lại. Và hạnh phúc lớn nhất của đời người chính là mang lại hạnh phúc cho người khác.
TS. Đào Thị My – Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Hồng: Thành công đến từ một trái tim giàu tình yêu thương
TS. Đào Thị My sinh ra tại Nam Định, mảnh đất vốn được mệnh danh là “đất học” của khu vực đồng bằng Bắc bộ. Bản thân chị là một học sinh học yêu văn và giỏi văn. Ngay từ thuở bé thơ chị đã mơ ước sau này sẽ được làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Chị dần chinh phục ước mơ của chính mình bằng quyết tâm thi đỗ vào Đại học sư phạm I (nay là Đại học Sư phạm Hà Nội). Và bước ngoặt đem đến sự nghiệp thành danh ở tuổi đời còn rất trẻ của chị ngày hôm nay chính là quyết định chọn ngành khó để theo đuổi - ngành giáo dục mầm non, một ngành luôn được đánh giá là khá nhiều áp lực và thử thách từ trước đến nay. Hiện nay, có thể nói người có học vị Tiến sĩ về ngành giáo dục mầm non như chị tại Hà Nội là rất hiếm.
Khi chúng tôi hỏi về những công việc của chị phải giải quyết mỗi ngày, TS. Đào Thị My chia sẻ: Nghề giáo viên mầm non là một nghề rất đặc thù và đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc và hơn hết đây là nghề làm vì “tình yêu”, tình yêu của người mẹ thứ hai đối với con trẻ - khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Đối với một nữ hiệu trưởng tuổi còn trẻ như chị rất nhiều áp lực, về nâng cao trình độ chuyên môn, áp lực của một nhà nghiên cứu khoa học đồng thời áp lực của người quản lý đứng đầu cơ quan với gần 100 cán bộ, nhân viên, giáo viên và 19 lớp học với gần một nghìn trẻ nhỏ, rồi áp lực của một người làm mẹ, làm vợ trong gia đình nhỏ của mình…
Với kinh nghiệm 20 năm gắn bó với nghề mầm non, chị My hiểu được những khó khăn mà các đồng nghiệp cấp dưới đang phải đối mặt trong mỗi giờ làm việc với trẻ nhỏ. Công việc của một giáo viên mầm non đòi hỏi các cô khá nhiều kiến thức chuyên môn và kỹ năng nhất định để đủ đảm bảo rằng: cô cho ăn, cô dỗ ngủ, cô dạy cho bé tất cả mọi điều cần thiết như kỹ năng sống, kiến thức về môi trường xung quanh, về toán, về văn học, chữ viết, về thẩm mỹ, hội họa, âm nhạc, phát triển thể chất… Không những thế, trẻ còn mong chờ ở cô sự quan tâm, chăm sóc, sự giúp đỡ, trìu mến, bảo vệ trẻ…Và rồi TS. Đào Thị My đã giải mã được tất cả các áp lực của mình và của đồng nghiệp bằng chính trí tuệ và hai chữ “tình yêu”. Chị thường xuyên chia sẻ công việc, chủ động giáo dục tư tưởng và luôn tạo sự thoải mái nhất cho giáo viên. Chị đã truyền tình yêu nghề, mê nghề và yêu trẻ của mình đến từng đồng nghiệp, từng giáo viên trong trường. Định hướng trong tương lai của chị là sẽ xây dựng Trường mầm non thực hành Hoa Hồng thành một trường công lập chất lượng cao.
Khi chia sẻ về gia đình nhỏ của mình, chị với nụ cười luôn tỏa nắng trên môi, thân thiện và cởi mở: “Tôi rất may mắn khi có chồng là người trong ngành nên anh phần nào thấu hiểu được những vất vả và trọng trách lớn lao trong công việc mà vợ mình đang phải đảm đương. Do đó, anh luôn tạo cho tôi có một tâm lý thoải mái để tôi dành trí tuệ và tình yêu của mình cho sự nghiệp cao cả vì thế hệ măng non được quan tâm và phát triển toàn diện”.
Đối với TS. Đào Thị My một triết lý rất đơn giản để làm nên thành công của một người phụ nữ thời hiện đại chính là: “Tình yêu và sự biết sẻ chia. Là phụ nữ hãy biết yêu thương bản thân hơn, yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu đồng nghiệp, yêu cộng đồng và đặc biệt yêu trẻ nhỏ”.