Những biểu tượng sáng ngời của quân đội bách chiến, bách thắng

TS. Bùi Thế Đức| 12/12/2019 09:15

Cách đây 75 năm, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc tỉnh Cao Bằng, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách.

Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân: Những biểu tượng sáng ngời của quân đội bách chiến, bách thắng
Một buổi diễu hành của Quân đội nhân dân Việt Nam
Cách đây 75 năm, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc tỉnh Cao Bằng, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”, 17 giờ ngày 25/12/1944, Đội đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập đồn Phai Khắt và 7 giờ sáng ngày 26/12/1944, đột ngột tấn công đồn Nà Ngần với hai chiến thắng mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta.

Tháng 3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước là Việt Nam truyền thống giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác… thành Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm tư lệnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang cùng các tầng lớp nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945 và đã giành thắng lợi. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình tuyên bố với thế giới, với quốc dân đồng bào Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á đã ra đời. Đồng thời Việt Nam Giải phóng quân đội thành Vệ quốc quân. Năm 1946 Vệ quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đứng trước nhiều khó khăn chồng chất, cùng một thời điểm phải đối phó với ba giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Ở Nam Bộ, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp được quân Anh, quân Nhật giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Tại Bắc Bộ và Trung Bộ, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10/1945, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng hầu hết các thành phố từ vĩ tuyến 16 mở ra. Trong bối cảnh đó, Vệ quốc quân vừa xây dựng và chiến đấu, đã cùng với lực lượng tự vệ chống giặc ngoài, thù trong, góp phần bảo vệ chính quyền nhân dân trong những năm đầu của chính quyền cách mạng. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Vệ quốc quân đã anh dũng chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội, làm phá sản chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh”, đánh bại âm mưu “bình định” và “phản động” của địch, cùng toàn dân giành thắng lợi cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân (1953 - 1954) mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, từng bước hiện đại, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; giữ gìn và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam, đánh bại: “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965-1968), chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và cuộc tập kích bằng không quân, hải quân lần thứ hai vào miền Bắc của đế quốc Mỹ (1969-1972).

Với tinh thần dũng cảm, bằng cách đánh mưu trí, linh hoạt, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ hai bằng B52 của Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” tại bầu trời Hà Nội. Thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Nam - Bắc, đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27/1/1973. Sau khi Hiệp định được ký kết, với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ chưa chịu từ bỏ âm mưu duy trì chế độ thực dân mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Trong quá trình rút quân, đế quốc Mỹ vẫn để lại nhiều sĩ quan mặc áo dân sự và giao lại cho quân đội Sài Gòn toàn bộ cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh. Dựa vào viện trợ của quan thầy Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, liên tiếp mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Nắm chắc được âm mưu của địch, Hội nghị Bộ chính trị tháng 10/1974 và đầu năm 1975 đã kịp thời đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch trong tình hình mới, chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại cuộc chiến tranh thực dân mới của đế quốc Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thu non sông về một mối. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Đất nước thống nhất, để thực hiện nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong 5 năm (1976-1981). Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn pốt - Iêng xary, hồi sinh, tái thiết đất nước. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1979, quân đội ta đã triển khai cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu”. Quân đội ta đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của hơn 30 năm đổi mới đất nước.

Quân đội ta đã nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; tham mưu giúp Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, tham mưu giúp Bộ chính trị ban hành “Chiến lược quốc phòng”. Đã tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, trong quan hệ đối nội và đối ngoại, không để đất nước bị động bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành cùng với những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, quân đội ta đã xây đắp nên những truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Hiện nay, trên thế giới và khu vực bên cạnh xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển thì có những diễn biến phức tạp, mau lẹ, khó lường. Do vậy, bên cạnh thuận lợi, thời cơ thì cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp đổi mới và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh bốn nguy cơ mà Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII đã nêu ra thì bây giờ lại xuất hiện bốn vấn đề bức xúc của xã hội. Đó là: Ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và an ninh mạng. Các thế lực thù địch, phản động đang đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chúng sử dụng mạng xã hội, internet tung ra các tài liệu xấu, độc nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng gây nghi ngờ chia sẻ trong nội bộ, chia rẽ Đảng với nhân dân, chia rẽ Đảng với quân đội và phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, “phi chính trị hóa” các lực lượng vũ trang. Mục đích của chúng là hướng lái đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có đạo đức, lối sống tốt, có năng lực trí tuệ và hoạt động thực tiễn, có quan hệ chặt chẽ, máu thịt với nhân dân.

Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, ý chí tự lực tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam xứng đáng là đội quân bách chiến, bách thắng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Những biểu tượng sáng ngời của quân đội bách chiến, bách thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO