Nhiều uẩn khúc trong một bản án "lạ" ở Quảng Ninh: Bài 1 - Khởi tố vụ án đã được xử phạt hành chính
Cụ thể, chiều ngày 25/4/2019, Tòa án nhân dân TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục mở lại phiên tòa và tuyên án các bị cáo: Hội đồng xét xử (HĐXX) kết luận: Khoảng 17 giờ ngày 4/11/ 2014 tại khu vực sân, vườnnhà ông Hồ Sỹ Hùng các bị cáo đã có hành vi dùng chân, tay, gạch, đá đánh bị hại Hồ Sỹ Hùng. Bị cáo Tùng còn có hành vi dùng gậy gỗ đập vào đầu ông Hùng, bị cáo Thắng hô hào kích động. Hành vi gây thương tích của các bị cáo đã làm ông hùng tổn hại 36% sức khỏe. Theo HĐXX, hành vi đó rất nghiêm trọng cho nên được cấu thành tội cố ý gây thương tích vì các bị cáo đã dùng đá, gậy gỗ để cố ý gây thương tích cho bị hại.Đối chiếu các quy định của pháp luật về tội cố ý gây thương tích và tổn hại sức khỏe của người khác…, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Uông Bí truy tố các bị cáo: Tùng, Thắng, Cường, Long tội cố ý gây thương tích và gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Đánh gía về mức độ và phân tích vai trò của các bị cáo trong vụ án, HĐXX nhận định: Bị cáo Tùng với vai trò phải chịu mức hình phạt cao nhất sau đó đến bị cáo Thắng, bị cáo Long và cường. HĐXX tuyên bố bị cáo Tùng 5 năm tù, thời hạn tính từ khi tạm giữ là 11/4/2018, bị cáo Thắng 4 năm 6 tháng tù; thời hạn tính từ thời điểm giam giữ 12/10/ 2017 , bị cáo Long 4 năm tù thời gian tính từ 15/1/2018, bị cáo Cường 4 năm tù; thời gian tính từ 17/1/2018.
Cáo trạng truy tố các đối tượng về tội "Cố ý gây thương tích" của VKSND TP Uông Bí
Vật chứng... ngược!
Luật sư Nguyễn Văn Sơn – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Mặc dù Tòa án nhân dân TP. Uông Bí tuyên án như thế nhưng lại không có bất kỳ hành vi nào chứng minh được các bị cáo vi phạm đối với các hậu quả xảy ra. Quan điểm của Luật sư cho rằng, toàn bộ hồ sơ và tất cả những tình tiết diễn tiến trong phiên tòa đều không hoàn toàn chứng minh được các bị cáo đã có hành vi mang dấu hiệu của tội cô ý gây thương tích.
Theo nguyên tắc đối với các vụ án cố ý gây thương tích, bắt buộc phải chứng minh được các hành vi cụ thể của bị cáo gây thương tích ở đâu, với ai, và mức độ thương tích thế nào; dấu vết so sánh phải phù hợp. Song những điều này hoàn toàn không thể hiện trong hồ sơ vụ án này. Vậy mà tòa án vẫn giữ quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân TP. Uông Bí tuyên các bị cáo tội cố ý gây thương tích là vô lý.
Tranh luận trực tiếp tại tòa, Luật sư Nguyễn Văn Sơn nói: Trong vụ án này, chúng ta nhìn thấy có nhiều vấn đề mâu thuẫn, đó là: Về lời khai: Ông Hồ Sỹ Hùng đã không có mặt tại phiên tòa mặc dù Luật sư của các bị cáo có đề nghị phải triệu tập ông Hùng đến tòa vì người này là mấu chốt của vụ án, cần phải được xét hỏi để chứng minh tính logic của các chứng cứ.
Thậm chí theo lời khai của bị cáo Tùng và nhân chứng thì bị hại Hùng đã lao xe máy với tốc độ cao trực tiếp vào người bị cáo Tùng khiến Tùng ngã gục tại chỗ về sau phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Như vậy thì sau khi bị đâm xe trọng thương bị cáo Tùng không thể đuổi đánh bị hại Hùng được nữa.
Tình tiết này cùng với tình tiết bà Hương vác dao chém Tùng thì có nghĩa, chính bị cáo Tùng cũng đang là bị hại.
Từ đó, Luật sư còn đề nghị các cơ quan chức năng giám định pháp y lại với bị cáo Tùng và khởi tố vụ án đối với ông Hùng đã cố ý gây thương tích cho Tùng.
Trong giám định pháp y chỉ nêu ông Hùng bị vật tầy gây nên với vết thương nham nhở làm cho ông Hùng mất 36% sức khỏe chứ không chỉ ra cụ thể ông Hùng bị hung khí nào đánh vậy mà Viện kiểm sát vẫn cho rằng ông Hùng bị thương là do bị cáo Tùng dùng gậy gỗ đánh vào đầu.
Mặc dù lời khai của các nhân chứng không ai khẳng định nhìn thấy bị cáo Tùng đánh bị hại Hùng. Hơn nữa gậy gỗ (vật chứng) cũng không được tìm thấy vậy thì làm sao chứng minh là Tùng đã đánh ông Hùng.
Trên vai trò người làm chứng, ông Nguyễn Xuân Mạnh - Công an phường Vàng Danh (người đứng) trả lời chung chung có lúc nhớ có lúc quên (ảnh cắt từ video clip)
Nhân chứng quan trọng trong vụ án là ông Nguyễn Xuân Mạnh – cán bộ Công an phường chứng kiến vụ việc đã trả lời trước tòa bằng những thông tin lúc nhớ lúc quên. Hơn nữa, ông Mạnh cũng không khẳng định chứng kiến cụ thể ai đánh ai, phương tiện gây án là gì?. Tất cả lời khai của các nhân chứng trên tòa cũng đều không chỉ ra được đã chứng kiến tận mắt ai trong nhóm của Tùng đánh ông Hùng.
Trong khi vật chứng được cho là bị cáo dùng để gây thương tích cho ông Hùng là ván gỗ không được nhắc đến thì trong bản cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân TP. Uông Bí đưa ra lại có con dao bầu của bị hại dùng để chém bị cáo. Như vậy ở đây có chuyện lạ là vật chứng... ngược. Mấy viên đá tại hiện trường cũng không xác định được là của ai, dùng ném ai. Đặc biệt trong bản luận tội có chỉ ra vai trò quan trọng của Tùng trong vụ án là đã dùng thanh gỗ đánh vào đầu ông Hùng. Tuy nhiên, thanh gỗ đó cũng không được tìm thấy… Nói chung về khả năng chứng minh, ngay cả vật chứng trong vụ án cũng rất mơ hồ.
Về dấu vết, trên một số vật chứng và tại hiện trường không thể hiện vân tay của ai trên vật chứng gì?...
Về biên bản khám nghiệm hiện trường, vụ án đã diễn ra từ năm 2014, nhưng mãi đến mấy năm sau mới được khởi tố vụ án. Vì vậy bản xét nghiệm hiện trường từ năm 2014 không có giá trị, bởi vì năm đó chưa khởi tố vụ án thì làm gì có phân công điều tra viên được giao nhiệm vụ điều tra vụ án này. Cho nên, chữ ký của điều tra viên, kiểm sát viên trong biên bản khám nghiệm hiện trường năm 2014 là vô nghĩa. Còn trong hai bản khám nghiệm hiện trường khác cũng chỉ kể về việc đo đạc diện tích cái sân, nhà, vườn chứ không xác nhận nội dung vụ án - Luật sư Sơn nói.
Sau khi tổng hợp toàn bộ những yếu tố trên, rồi so sánh các chi tiết, vật chứng, thông qua hồ sơ và phần xét hỏi, tranh tụng tìm tính logic thì cho thấy đây là một phiên tòa "lạ", xuất hiện nhiều chứng cứ... "câm" - chưa nói rõ lên hành vi của từng bị cáo thuyết phục, phù hợp với tội cố ý gây thương tích.